| Hotline: 0983.970.780

Ráo riết truy thủ phạm dùng chất cấm

Thứ Sáu 04/09/2015 , 06:25 (GMT+7)

Các đối tượng thương lái đã mua heo của các trang trại, Cty về vỗ béo và sử dụng chất cấm trong vòng 10 – 30 ngày giúp lợn tăng trọng thêm từ 20 – 30kg/con, thu lợi bất chính thêm từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/con./ Có bao nhiêu DN thú y 'đen' như Khoa Nguyên?

* Phát hiện thêm nhiều DN sử dụng chất cấm

Đồng thời, chúng còn quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lí hóa thủ tục để xin cấp giấy kiểm dịch…

Đây là nhận định của Thanh tra Bộ NN-PTNT vừa công bố tại cuộc họp báo thường kỳ đầu tháng 9/2015 về tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang diễn biến hết sức phức tạp thời gian qua tại các tỉnh phía Nam.

Địa phương vào cuộc chậm, thú y chưa làm hết trách nhiệm

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT), trước thông tin về việc cơ quan thú y TP.HCM liên tục phát hiện các lô lợn giết mổ trên địa bàn “dính” chất cấm Salbutamol, trong tháng 8/2015, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo lập đoàn công tác đặc biệt gồm Thanh tra Bộ NN-PTNT, đại diện Cục Cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an), Cục Chăn nuôi và Cục Thú y đã tiến hành kiểm tra, làm việc với các tỉnh phía Nam.

Trước đó, theo công bố của Chi cục Thú y TP.HCM, 6 tháng đầu năm 2015, đơn vị này đã lấy 227 mẫu nước tiểu heo giết mổ của 51 lô trên địa bàn, đã phát hiện 31 mẫu của 7 lô heo có chất cấm Salbutamol với hàm lượng rất cao từ 80 ppp – 1.300 ppb (trong khi giới hạn tồn dư tối đa cho phép chỉ là 2 ppb).

Trong số 7 lô heo bị phát hiện dương tính với Salbutamol, 4 lô có nguồn gốc từ Đồng Nai, 2 lô của Tiền Giang và 1 lô của Long An. Đặc biệt, trong đó có một số lô lợn của các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi tại Đồng Nai là Cty C.P Việt Nam và Cty ANCO.

Cụ thể vào ngày 9/6/2015, Chi cục Thú y TP.HCM đã phát hiện lô lợn của chủ hàng Trần Thị Mến có giấy kiểm dịch của tỉnh Đồng Nai cấp, nguồn gốc lợn của Cty ANCO.

Tại buổi làm việc với đoàn thanh tra của Bộ NN-PTNT, Cty ANCO khẳng định: Hiện có quy mô chăn nuôi heo khoảng 95 nghìn con, xuất chuồng khoảng 14 nghìn con/tháng. Trước khi xuất chuồng, Cty sẽ cung cấp cho thương lái phiếu giao hàng với các nội dung như số lượng, trọng lượng heo, số serri giấy tiêm phòng, biển số xe chở hàng.

Tuy nhiên sau khi rà soát danh sách phiếu giao hàng, không có phiếu nào xuất hàng cho thương lái tên là Trần Thị Mến như Chi cục Thú y TP.HCM cung cấp, và biển số xe chở hàng cũng không phải là số xe đã lấy hàng tại Cty này.

Qua kiểm tra xác minh tại Cty ANCO cũng như Cty C.P, Thanh tra Bộ NN-PTNT nhận định: Đã có tình trạng thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi, sau đó mua heo từ các Cty chăn nuôi lớn về sử dụng chất cấm để vỗ béo. Đồng thời quay vòng phiếu tiêm phòng, hợp lí hóa thủ tục để xin giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

Lợn khi xuất chuồng tại các Cty thường chỉ 80 – 90 kg, nhưng khi vỗ béo bằng chất cấm 10 – 30 ngày có thể tăng thêm từ 20 – 30kg, thu lãi thêm từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/con. Lợn sau vỗ béo có thể lên tới 130 – 140 kg/con.

“Mặc dù khi xuất chuồng, các Cty đã cấp giấy giao hàng ghi rõ trọng lượng heo, biển số xe chở hàng. Tuy nhiên nếu cán bộ kiểm dịch không kiểm tra kỹ, sẽ vô tình tiếp tay cho thương lái làm bậy” – ông Phạm Tiến Dũng cho biết.

Về vấn đề này, Thanh tra Bộ NN-PTNT nhận định: Có tình trạng một số kiểm dịch viên chưa làm hết trách nhiệm quy trình kiểm dịch, không kiểm soát hết được nguồn heo, tạo kẽ hở cho heo sử dụng chất cấm vẫn được kiểm dịch. Đoàn Thanh tra cũng kết luận các Cty chăn nuôi đã lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát, giám sát sau xuất chuồng.

Liên quan đến việc phối hợp thực hiện truy xuất nguồn gốc các lô heo sử dụng chất cấm theo đề nghị của Chi cục Thú y TP.HCM, làm việc với Thanh tra Bộ NN-PTNT, Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết: Sau khi nhận được văn bản của Chi cục Thú y TP.HCM, Chi cục Thú y Đồng Nai đã tiến hành lấy mẫu đột xuất trên đàn heo gần xuất chuồng tại các cơ sở chăn nuôi nghi có chất cấm.

Tuy nhiên các mẫu xét nghiệm đều âm tính với Salbutamol. Về vấn đề này, Thanh tra Bộ NN-PTNT cho rằng Chi cục Thú y Đồng Nai chưa thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đúng yêu cầu đặt ra, chỉ lấy mẫu tại các điểm kiểm dịch gốc ở trang trại và dừng lại ở đó, không truy tới cùng đối với các lô hàng bị phát hiện nhiễm chất cấm.

Trong khi đó, sự vào cuộc và phối hợp xử lí giữa ngành nông nghiệp Đồng Nai và cơ quan công an là quá chậm trễ. Cụ thể tại thời điểm làm việc với đoàn Thanh tra, PC46 (Công an Kinh tế) của Đồng Nai khẳng định chưa nhận được hồ sơ của Sở NN-PTNT Đồng Nai chuyển sang đề nghị điều tra, mặc dù trước đó khá lâu Chi cục Thú y TP.HCM đã gửi hồ sơ cho Chi cục Thú y cũng như Sở NN-PTNT tỉnh này.

Vì vậy, đoàn Thanh tra đã đề nghị Chi cục Thú y phối hợp với Sở NN-PTNT và cơ quan Công an Đồng Nai thời gian tới cần nhanh chóng điều tra xác minh điều tra đường dây, đối tượng trực tiếp đưa chất cấm vào các lô heo đã bị phát hiện.

“Làm việc với các tỉnh phát hiện có heo bị nhiễm chất cấm là Long An và Tiền Giang, đoàn Thanh tra cũng nhận thấy sự vào cuộc, phối hợp giữa ngành nông nghiệp và công an là quá chậm trễ. Bên cạnh đó, không kịp thời báo cáo Bộ NN-PTNT biết để chỉ đạo xử lí. Bộ chỉ nắm được tình hình qua báo đài, chứ không phải do địa phương báo cáo lên, trong khi nguyên tắc phải báo cáo lên cho Sở, Sở phải báo cáo lên cho Bộ để chỉ đạo phối hợp” – ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) cho biết.

Thêm nhiều DN “xài” chất cấm

Không chỉ tại Đồng Nai, kết quả làm việc của Thanh tra Bộ NN-PTNT vừa qua cũng cho thấy, tình trạng sử dụng chất cấm tại nhiều tỉnh phía Nam đang rất nghiêm trọng, báo động.

17-28-55_kn1
Thanh tra Bộ NN-PTNT đánh giá tình hình sử dụng chất cấm là nghiêm trọng

Cụ thể tại Tiền Giang, thanh tra liên ngành phối hợp với công an tỉnh này vừa kiểm tra 38 mẫu nước tiểu heo thì có tới 25 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol.

Tại Bến Tre, qua kiểm tra 20 mẫu (trong đó có 4 mẫu thức ăn bổ sung và 16 mẫu nước tiểu) cho thấy 4 mẫu nước tiểu dương tính với Salbutamol. Tại Tây Ninh, kiểm tra 2 mẫu nước tiểu thì cả 2 đều dương tính với Salbutamol… Điều này cho thấy việc sử dụng đang chưa bị dừng lại.

Cùng với việc phát hiện hàng loạt thức ăn bổ sung ngoài danh mục và thức ăn sử dụng chất cấm Salbutamol tại Cty TNHH SX thuốc Thú y Khoa Nguyên (TP.HCM) mới bị xử lí gần đây, Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết tại Vĩnh Long, cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện một sản phẩm thức ăn bổ sung có hàm lượng chất cấm Salbutamol lên tới 3.160 ppb, cao gấp… 63 lần so với mức tồn dư cho phép trong TĂCN là 50 ppb! Đơn vị phối sản phẩm này là Cty Thuốc Thú y – Thủy sản Cường Phát (117 ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, Trảng Bom, Đồng Nai).

Đơn vị được Cty Cường Phát đặt hàng SX mặt hàng này là Cty Bắc Âu Mỹ (Long Thành, Đồng Nai). Tại Cty Cường Phát, đoàn Thanh tra Bộ NN-PTNT cũng đã phát hiện thêm 10 mặt hàng thức ăn bổ sung ngoài danh mục, theo đó đã lập các biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt Cty này với số tiền 340 triệu đồng.

Đối với Cty Bắc Âu Mỹ, khi đoàn kiểm tra tới làm việc đã khóa cửa, cố tình không tiếp. Hiện Thanh tra Bộ NN-PTNT đã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp tục yêu cầu Cty này làm việc. Theo thông tin ban đầu, Cty này cho biết có ra chợ Kim Biên (TP.HCM) mua phẩm màu về để SX thức ăn bổ sung, hiện các mẫu phẩm màu đang được gửi đi kiểm nghiệm.

"Thanh tra Bộ nhận thấy tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện là đáng báo động. Vì vậy thời gian tới, đề nghị Cục Chăn nuôi khẩn trương trình Bộ NN-PTNT ra Chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lí hành vi này. 

Đồng thời, báo cáo để Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo cơ quan chức năng, Công an các địa phương vào cuộc, phối hợp với ngành nông nghiệp khẩn trương xử lí.

Bên cạnh đó, cần sớm bổ sung vào Luật Hình sự về hành vi buôn bán, tràng trữ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để sớm xử lí hình sự hành vi này."

(Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN-PTNT)

LÊ BỀN

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sóc Trăng cần hỗ trợ trong quản lý khai thác cát biển

ĐBSCL Tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng cát biển lớn, lãnh đạo tỉnh lo ngại việc quản lý khai thác cát biển ngoài khơi vượt khả năng của địa phương, kiến nghị Trung ương hỗ trợ.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm