Ở vùng đất cát ven biển ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước mặc dù nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm, nắng hạn gay gắt nhưng nông dân nơi đây vẫn SX rau màu xanh tốt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ngỡ ngàng
Chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã đi tham quan mô hình SX rau màu của bà con nông dân ở thôn Tuấn Tú.
Trên đường đi thấy hai bên cây cối đã héo úa, xơ xác ít có ai nghĩ đến việc SX ở vùng này phải làm như thế nào để thích ứng. Ấy vậy mà khi đoàn công tác vừa dừng chân ở vùng SX rau màu của thôn thì mọi thứ đều khác. Ai nấy đều ngỡ ngàng và không thể nghĩ đến rằng: “Sao lại có vùng rau màu xanh tốt như thế này!”.
Đón tiếp chúng tôi là người nông dân bước sang tuổi ngũ tuần, hơi gầy, nước da cháy sạm. Ông tên là Hùng Ky, người dân tộc Chăm, chủ vườn trồng đậu phộng, măng tây và cà chua với diện tích 2,5ha được áp dụng toàn bộ công nghệ tưới tiết kiệm bằng hệ thống phun mưa.
Nhờ có hệ thống này đã tiết kiệm được nguồn nước đáng kể, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất mang lại thu nhập cho gia đình ông trên 200 triệu đồng/năm. Đây là thành quả hơn cả kỳ tích khi gia đình ông chinh phục được vùng đất khô hạn này và đã SX được những mớ rau, củ đậu phộng tươi tốt ngoài mong đợi.
Theo ông Ky, trước đây gia đình ông là hộ nghèo của xã; SX nông nghiệp gặp không ít khó khăn, bởi đây là vùng khô hạn, thiếu nước tưới. Để có nước SX ông cũng như bà con nơi đây phải khoan giếng lấy nước ngầm tại chỗ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, hạn hán liên tục kéo dài, nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm và cạn kiệt.
Ông Hùng Kỳ cho biết, nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho rau màu cho thu nhập khá dù nắng hạn
Nếu như năm 2010, khi bà con nơi đây khoan giếng ở độ sâu 6 - 7m là có nước và có thể bơm tưới liên tục nhiều giờ liền, thì từ năm 2013 đến nay phải khoan sâu tới 14 - 15m mới có nước, nhưng nguồn trong giếng cũng rất ít ỏi, chỉ cần bơm tưới chưa đầy 1 giờ đã cạn sạch.
Từ năm 2011, được sự quan tâm, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chuyên môn đã hỗ trợ cho gia đình ông và bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tưới tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun mưa cho rau màu nên SX được trong thời tiết nắng hạn.
Lợi ích
Theo nhiều nông dân nơi đây, hệ thống tưới phun mưa cho rau màu được thiết kế gồm máy bơm 3 pha; hệ thống đường ống nhựa cứng PVC và nguồn nước được sử dụng là nước ngầm (giếng khoan). Sau khi nước bơm được dẫn đến khu tưới bằng đường ống chính và đường ống nhánh được bố trí cố định trên đất. Trên ống nhánh, lắp các ống phun cao khoảng 0,6 -0,7m so với mặt ruộng và có gắn vòi phun ly tâm.
Ông Ky cho hay, lợi ích từ hệ thống này mang lại không chỉ giảm lượng nước tưới từ 40 - 50% so với phương pháp tưới tràn và tưới rãnh mà còn giảm được 70% công lao động, hơn nữa chi phí năng lượng để bơm tưới cũng giảm đáng kể. “Những năm qua gia đình tôi SX đậu phộng áp dụng tưới tiết kiệm bằng hệ thống này nên nguồn nước tưới luôn đảm bảo, năng suất rất đạt. Mô hình này được nhiều bà con trong và ngoài tỉnh tham quan học hỏi”, ông Ky chia sẻ.
Vùng rau màu ở thôn Tuấn Tú
Tương tự, hộ ông Lộ Trung Tài, người cùng thôn cũng SX rau màu bằng hệ thống phun mưa bằng béc cố định đã mang lại nhiều lợi ích. Thấy được hiệu quả hệ thống mang lại nên từ quy mô SX rau màu 0,2 ha đến nay gia đình ông đã nhân rộng mô hình lên 1 ha. Gặp chúng tôi, ông Tài cho biết, nhờ áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho rau nên việc SX của gia đình ông giảm được 30% giá thành đầu tư và lợi nhuận tăng đến 40%. Hơn nữa số vụ SX trong năm của gia đình ông cũng tăng từ 1 - 2 vụ/năm; nay lên 3 vụ/năm.
Nhiều nông dân nơi đây cho biết thêm, để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm này nông dân bỏ ra khoảng 30 triệu đồng/ha, nhưng đổi lại hiệu quả mang lại là rất lớn nên họ sẵn sàng đầu tư. Hơn nữa tuổi thọ sử dụng các ống phun béc lên đến 5 - 6 năm và có thể thay các ống phun béc mới khi bị hư hỏng rất dễ dàng.
Ông Phan Quang Thựu, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết, với lợi ích và hiệu quả của hệ thống tưới tiết kiệm mang lại, đến nay toàn xã An Hải đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm khoảng 150 ha. Đây là một trong nhưng mô hình được nông dân Ninh Thuận ứng phó với hạn hán nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới đáng được bà con học hỏi và nhân rộng trong thời gian tới.
Nói về mô hình tưới tiết kiệm cho cây lạc trên đất cát tại các tỉnh Bình Định và Ninh Thuận, ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cho biết: "Nếu nông dân tưới theo phương pháp truyền thống, lượng nước tưới sử dụng lên đến 6.566 m3/ha; còn tưới phun mưa bằng béc cố định nhưng không ứng dụng lịch trình tưới Mini-pan, lượng nước tưới sử dụng là 4.240m3/ha và có ứng dụng lịch trình tưới Mini-pan lượng nước tưới sử dụng là 3.033 m3/ha. Như vậy, so với phương pháp tưới truyền thống, kỹ thuật tưới phun mưa bằng béc cố định và ứng dụng lịch trình tưới thì tiết kiệm được trên 3.500m3/ha".