Những ngày qua, tại một số vùng nông thôn Phú Yên, người dân đổ xô ra đồng hỏi mua rơm khô về trữ làm thức ăn cho bò. Còn tư thương buôn dưa thì lái xe tải thẳng ra đồng tranh mua rơm, dẫn đến rơm đắt hàng.
RƠM CÓ GIÁ HƠN LÚA
Những ngày lúa thu hoạch rộ, tại cánh đồng ở các xã An Định, An Dân (huyện Tuy An, Phú Yên), nhiều người dân quanh vùng đổ xô đến mua rơm.
Ông Trần Thanh Hùng, một người đi mua rơm cho hay: “Tôi ở xã An Hiệp đi xa gần 30 cây số lên đây mua rơm. Để mua được rơm phải nhọc công phụ chủ ruộng bó lúa vì không chỉ mình tôi mà trên các cánh đồng người mua rơm đi “đụng” đầu nhau hoài”.
Ông Trần Văn Sơn, ở xã An Nghiệp (Tuy An) cho biết: "Nhà tôi có 2 sào ruộng, vừa rồi 1 sào bị chín ép do thiếu nước tưới, cắt cho bò ăn non, còn lại 1 sào gặt xong đem rơm về nhà vun nọc trữ.
Nhà có 3 con bò, sợ sắp đến không đủ rơm cho bò ăn, vậy mà có người mua rơm ngoài đồng không thấy, đến tận nhà tôi hỏi mua nọc rơm. Giá rơm 700.000 đ/sào, trong xóm tôi nhiều gia đình canh tác 8- 10 sào, họ bớt 2 sào để trữ cho bò ăn, còn lại bán rơm sắm vàng”.
Rơm khô bán chạy hơn lúa
Rảo ra đồng hỏi mua rơm, có người chịu bán, nhưng ông Nguyễn Tình, ở xã Hòa Phú (Tây Hòa) đành bỏ về vì số tiền người bán “thách” giá quá cao đến mức không tưởng tượng.
“Nhà có 4 con bò nhưng chỉ có 1 sào lúa. Nắng hạn, vụ hè thu đến sợ không có nước xuống giống gieo sạ lúa dẫn đến thiếu rơm trữ cho bò ăn nên tôi đi hỏi mua rơm.
Ban đầu bà con chỉ bán 700.000 đ/sào, nhưng gần đây mấy người chở dưa hấu lái xe tải chạy thẳng ra đồng hỏi mua rơm lót thùng vận chuyển dưa (hiện nay ở một số vùng nông thôn nông dân đang thu hoạch vụ dưa hấu trồng muộn).
Do rơm khan hiếm họ mua phá giá, lên đến 1 triệu đ/sào. Từ ngày cha sanh mẹ đẻ tôi mới thấy rơm đắt giá như vậy”, ông Tình nói.
Cũng chính vì rơm khan hiếm, tại xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) đã xảy ra tình trạng mất cắp rơm vào ban đêm.
Bà Nguyễn Thị Lan, ở xã Xuân Thọ 1 (TX Sông Cầu), buồn bã nói: “Ở quê tôi không có ruộng lúa nước, tôi xuống dưới này đặt hàng hỏi mua rơm từ khi lúa mới chín đỏ đuôi. Hôm qua gặt xong, máy phun rơm tại ruộng. Chiều tối không có xe chở, sáng ra tôi thuê xe đến nơi thì đống rơm to bằng cái nhà hôm qua giờ chỉ sót lại vài cọng”, bà Lan nói.
Cạnh đó ông Trương Bắc, cho hay hôm trước phun rơm xong, trời tối nên ông để lại tại ruộng. Nhà ở cạnh cánh đồng, nửa đêm nghe tiếng xe tải chạy ra ruộng, thấy thế ông theo ra, thấp thoáng bóng mấy người thanh niên hốt rơm ông hô hoán, họ thoát lên xe bỏ chạy.
RƠM KHÔ KHAN HIẾM
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, đàn trâu bò toàn tỉnh hiện có gần 183.000 con. Tình hình nắng hạn đang diễn ra rất gay gắt, nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt nên gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. |
Tại huyện miền núi Sơn Hòa, lần đầu tiên người trồng lúa bán 200.000 đ/sào rơm, trước đây rơm thường rải ra ruộng đốt. Sơn Hòa là “thủ phủ” của mía đường (gần 10.000ha mía), chính vì vậy ngoài chăn thả bò ngoài đồng ăn cỏ tự nhiên thì đọt mía là nguồn thức ăn cho bò.
Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng NN- PTNT huyện Sơn Hòa, thời gian qua có 200ha mía bị đốt cháy, trụi lá dẫn đến đọt mía không có cho bò ăn.
Ông Trương Tấn Hòa, ở xã Sơn Phước cho hay, mấy năm trước đến mùa thu hoạch mía thì dùng ngọn mía cho bò ăn, nay mía cháy lá, đi hỏi mua rơm không có, gia đình bỏ công đi mót rơm khô vương vãi về cho bò ăn.
Chở rơm bằng xe tải
Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho hay: Tổng đàn bò của huyện 20.130 con, trước tình trạng nắng hạn kéo dài nguồn thức ăn cạn kiệt, bò ốm mất sức đề kháng dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Vì thế, người dân đổ xô đi mua rơm, nhưng đồng ruộng ở đây nhỏ nên rơm bán chạy hơn lúa.
Đối với người dân miền núi, nuôi bò là nguồn thu nhập chính, giúp không ít gia đình thoát nghèo. Thế nhưng thời gian qua nắng hạn nên cỏ khô, gốc rạ không còn, rơm không có, bò thiếu thức ăn dẫn đến gầy ốm, chết đói nhiều.
Mấy ngày qua, bà La Lang Thị Xinh (dân tộc thiểu số Chăm H’ Roi, ở xã Ea Bá, huyện Sông Hinh) sáng nào cũng lùa đàn bò gần 20 con vượt qua 2 cây số chăn thả vùng gò đồi, nơi trước đây trồng lúa 1 vụ thu hoạch rồi bỏ hoang. “Ngày nào cũng thả bò ăn qua ăn lại, riết không còn gốc rạ nào. Thiếu thức ăn bò mẹ ốm kiệt sức không đủ sữa nên nghé con mới sinh ra vài ngày là chết” - bà Xinh buồn rầu nói.