| Hotline: 0983.970.780

Rộn ràng mùa mật mía ngày cận Tết

Thứ Năm 16/01/2025 , 06:00 (GMT+7)

Hà Tĩnh Cận Tết, làng mật mía hơn 50 tuổi ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh đỏ lửa xuyên ngày đêm để tạo ra những giọt mật đặc quánh, vàng ươm phục vụ người tiêu dùng.

4h sáng, khi trời còn chưa tỏ, sương mù phủ trắng cánh đồng, bà Phan Thị Hương, trú ở xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cùng các thành viên trong gia đình thức dậy để đi chặt mía, chuẩn bị cho việc sản xuất mật.

Nghề làm mật mía vận vào bà Hương từ hơn chục năm qua. Ảnh: Gia Hưng.

Nghề làm mật mía vận vào bà Hương từ hơn chục năm qua. Ảnh: Gia Hưng.

Nghề làm mật vận vào bà Hương từ hơn chục năm qua. Với bà dù đây là nghề cực nhọc, nhưng đổi lại sự an lành, con cái được ăn mặc đàng hoàng, bằng bạn bằng bè. Năm nay, gia đình bà Hương chuyển đổi 5 sào đất màu kém hiệu quả sang trồng mía để làm mật.

“Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch chúng tôi thu hoạch mía để ép nước, nấu mật. Nếu như trước đây, việc ép mía phải sử dụng sức trâu, bò quay che thì nay chúng tôi đầu tư máy móc hiện đại để vừa giảm sức lao động, đồng thời cho chất lượng mật đảm bảo, vệ sinh sạch sẽ hơn”, bà Hương nói. Đồng thời cho biết, nghề nấu mật đòi hỏi sự chịu khó, kiên nhẫn và tỉ mỉ ở từng công đoạn. Mía sau khi được cạo sạch, ép nước cốt, rồi đổ vào lưới chắt lọc loại bỏ các lớp cặn.

Thời gian đốt mỗi mẻ mật từ 4 - 5 giờ đồng hồ. Khi sôi phải có người đứng đảo nồi đều tay và liên tục vớt bọt. Nếu để mật bị trào sẽ hao hụt sản lượng, kém thơm, màu không đẹp mắt.

Mỗi năm gia đình anh Lương Sĩ Đức sản xuất trên 10 tấn mật, đồng thời còn thu mua cho người dân trong xã để tiêu thụ ngoại tỉnh. Ảnh: Gia Hưng.

Mỗi năm gia đình anh Lương Sĩ Đức sản xuất trên 10 tấn mật, đồng thời còn thu mua cho người dân trong xã để tiêu thụ ngoại tỉnh. Ảnh: Gia Hưng.

Khi chảo mật đổi màu cánh gián cũng là lúc mật đạt chất lượng. Lúc này người thợ tiếp tục đổ vào thùng, lọc qua lớp vải màn để lọc sạch cặn, chọn những giọt mật tinh tuý nhất.

“Dịp Tết, mỗi ngày gia đình tôi nấu 100 - 150 lít mật. Với giá bán hiện tại giao động từ 65 - 70 nghìn/lít (tương đương 1,4kg), tính ra mỗi ngày chúng tôi thu 6,5 đến 10,5 triệu đồng/ngày”, bà Phan Thị Hương nhẩm tính.

Sinh ra ở làng mật từ nhỏ, anh Lương Sĩ Đức và vợ Đoàn Thị Nhàn, cùng 31 tuổi được đánh giá là một trong những người trẻ tiên phong đưa những giọt mật mía Thọ Điền vươn xa khỏi luỹ tre làng đến nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Anh Đức cho biết, mỗi năm gia đình làm trên 10 tấn mật, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Dịp này, nhiều đơn hàng Tết với số lượng lớn được đặt trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo nên gia đình phải huy động thêm nhân công làm việc cả ngày lẫn đêm để đảm bảo sản lượng và chất lượng mật.

Toàn xã Thọ Điền đã phát triển được hơn 30 ha mía. Ảnh: Gia Hưng.

Toàn xã Thọ Điền đã phát triển được hơn 30 ha mía. Ảnh: Gia Hưng.

“Trước đây thị trường đầu ra khó khăn nhưng qua thời gian dài xúc tiến thương mại bây giờ làng mật được nhiều người biết đến. Hơn nữa mật ở đây được nấu thủ công, không trộn lẫn hoá chất nên hàng sản xuất được bao nhiêu nhà buôn thu mua đến đó”, anh Đức thông tin.

Theo anh, để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến dịp Tết, gia đình anh còn bao tiêu mật giúp cho bà con địa phương để xuất đi các tỉnh. Nghề làm mật đã giúp người dân có thêm nguồn nhập đón Tết.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đặng Khánh Trình, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Điền cho biết, toàn xã có khoảng 200 hộ trồng hơn 30ha mía để nấu mật. Trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn cung cấp ra thị trường gần 190 tấn mật thương phẩm, mang về nguồn thu khoảng 10 tỷ đồng.

“Dịp Tết Nguyên đán, việc nấu mật mang lại nguồn thu nhập khá cao đối với người dân địa phương. Ngoài khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng nguyên liệu, thời gian tới, xã sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân”, Bí thư xã Thọ Điền nhấn mạnh.

Mật mía Thọ Điền đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Gia Hưng.

Mật mía Thọ Điền đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Gia Hưng.

Chia tay làng nghề mật mía Thọ Điền đạt chuẩn OCOP 3, tin rằng, với truyền thống của làng nghề cộng với sự cần cù chịu khó, không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, người dân Thọ Điền sẽ gia tăng nguồn thu nhập, đón Tết Ất Tỵ đầm ấm, an vui.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.