| Hotline: 0983.970.780

Rừng khuya không yên tĩnh

Thứ Tư 19/11/2014 , 08:25 (GMT+7)

Tháng tám mùa mưa bắt đầu chớm đến với vùng Đông Trường Sơn. Đây là thời điểm lâm tặc hay lợi dụng thời tiết xấu để phá rừng.

Chúng hoạt động lén lút, lợi dụng sự sơ hở của kiểm lâm và các lực lượng bảo vệ rừng để xâm hại rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép.

Chuyến công tác lần này của tôi theo sự phân công của cấp trên, để tăng cường cho công tác bảo vệ rừng của Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Kbang (Kon Hà Nừng- Gia Lai).

Vừa chân ướt, chân ráo tới trạm, anh Lâm, trạm trưởng đã vồn vã nói với tôi: "Cậu xuống đúng lúc lắm! Đêm nay chúng ta sẽ bí mật đi tuần tra rừng của trạm nhé. Bên huyện vừa thông báo, cơ quan an ninh, trật tự cho biết có toán lâm tặc từ phía Bắc mới xâm nhập địa bàn, chúng đã gây nên một số vụ bên Đăk roong, Krongpa, tình hình phức tạp lắm, hiện đội liên ngành của huyện đang truy quét, có thể nó dạt sang cánh đông phía ta đó, nên cần nâng cao cảnh giác, phát hiện kịp thời.

Tụi này hoạt động chủ yếu về đêm, trang bị rất tinh vi, cơ động toàn bằng xe máy "độ chế", cưa xăng, đèn đội kiểu thợ mỏ, đặc biệt rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng".

Nói xong, anh Lâm chỉ tay về phía dãy núi xa xa nơi có cánh rừng tự nhiên của trạm quản lý với diện tích hơn 1.400 ha, nằm lọt giữa đại ngàn bao la của các công ty lâm nghiệp khác. Tuy nhiên nó lại giàu có tài nguyên vào bậc nhất khu vực, trên mấy trăm loài thực vật quý hiếm và trữ lượng hơn 400m3/ha. Bao năm nay rừng này chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học không có tác động khai thác và còn được chăm sóc, bảo vệ rất nghiêm ngặt. Nhưng gần đây lâm tặc cũng đã đánh hơi và liên tục dòm ngó, thăm dò.

Với Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Kbang, những người có thâm niên như anh Lâm ở trạm này thật hiếm. Anh vốn là cán bộ của Liên hiệp Lâm Công nghiêp Kon Hà Nừng, sau khi liên hiệp giải thể giao cho tỉnh quản lý, anh về công tác ở Trạm thực nghiệm Lâm nghiệp Kbang, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp.

Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất này, anh hiểu và thuộc từng ngóc ngách khu rừng như vườn nhà. Anh tâm sự: Hiện nay công tác giữ rừng hết sức nặng nề, bằng mọi giá phải bảo vệ tốt khu rừng này.

Nhiều đêm lo không ngủ được anh xách xe máy chạy vào rừng nghe ngóng, rồi gặp được anh em trực chốt trong cửa rừng, không có gì xảy ra anh mới yên tâm trở về nhà. Và bao nhiêu chuyện anh kể ra để tôi hình dung công việc của các anh chẳng đơn giản chút nào. Nhưng anh bảo đã "lỡ" theo nghề này rồi thì cứ vậy mà sống và làm việc thôi, không ngại ngần gì cả. Ngoài nhiệm vụ của một cán bộ nghiên cứu lâm nghiệp ra, anh rất chuyên tâm cho công tác bảo vệ rừng. Qua thái độ tôi cũng đã cảm nhận được điều đó và thấy anh rất yêu nghề, yêu rừng…

Quãng đường từ trạm vào đến rừng khoảng tám ki-lô-mét nên cũng phải nửa tiếng mới vào đến rừng. Đường quá xấu, chốc chốc tôi lại phải xuống xe để anh Lâm dắt xe qua khe đá, lạch nước, mùa mưa đã tàn phá con đường theo năm tháng. Trước đây các công ty lâm nghiệp còn khai thác gỗ, họ còn sửa đường, nay đóng cửa rừng, đường chỉ còn là lối đi bộ thật khó khăn cho người đi xe máy.

Tới chốt đầu tiên, nghe tiếng xe máy hai người chạy ra, qua anh Lâm tôi biết hai anh là Bình và Hùng. Các anh nói vui: “Sao sếp vào rừng tối vậy, nghi tụi em tiếp tay cho lâm tặc à?”. Anh Lâm bảo gọi người chốt trên xuống đây hội ý để ta đi tuần rừng đêm nay. Khổ nỗi trong rừng ở đây không có sóng điện thoại, phải đi gọi trực tiếp.

Bình nổ xe máy lao về chốt trên, một lát sau thì hai anh nữa là Dũng và Hiền về cùng. Sáu anh em chụm lại trên tấm bản đồ khu rừng do trạm quản lý dưới ánh sáng của chiếc đèn pin... Đúng lúc mọi người chuẩn bị lên đường thì trời nổi gió, sấm chớp đùng đùng và mưa nặng hạt, có lẽ đành phải chờ mưa tạnh mới đi được... 

Đêm nay là đêm cuối tháng, cộng với mưa nên trời tối đen như mực, đứng cạnh nhau mà còn không nhìn rõ mặt, mọi người bước thấp bước cao lần mò mà đi, có đoạn đường anh em thi nhau vồ ếch ngã oành oạch, phải nhịn cười để không bật lên thành tiếng. Đang đi bỗng anh Lâm dừng lại, ngăn mọi người, linh tính của anh thật chính xác khi phía trước vừa lóe lên ánh lửa rồi tắt ngấm có vẻ như ánh lửa của bật lửa. Đúng rồi, ai đó đang hút thuốc lá, chốc chốc một đốm đỏ lại hiện lên rõ lắm.

Mọi người lặng lẽ tiến lại gần, để giữ một khoảng cách an toàn cho anh em, anh Lâm bảo mọi người tản ra xung quanh, chợt có tiếng thì thầm, anh Lâm vội đứng nép vào một gốc cây to rồi quát to: “Ai? Làm gì đấy?”. Anh chiếu đèn pin thẳng về phía đó, hai bóng đen vụt đứng dậy, không nói không rằng biến luôn vào bóng tối, chúng không quên ném lại gói ớt bột làm mọi người mắt mũi cay xè không nhìn thấy gì hết. Đúng là bọn cảnh giới của lâm tặc rồi! 

Sau phút bất ngờ mọi người trấn tĩnh lại bảo nhau đuổi theo vừa lúc đó phát hiện một chiếc xe máy của chúng bỏ lại, anh em định nổ máy nhưng không có chìa khóa xe đành chịu, nhưng phải giữ xe này lại để làm tang chứng. Lúc này tổ tuần tra đã đi được hết lâm phần quản lý của trạm nên anh Lâm bảo thôi không đi nữa mà dừng lại theo dõi tiếp.

Phía xa xa tiếng cưa máy vẫn vọng lại rõ lắm và có phần hối hả hơn, bọn chúng cưa cây bên phía sông Côn, anh Bình quả quyết như vậy. Ầm, một tiếng động khô khốc trong đêm vọng lại, bọn chúng cưa đổ cây rồi, một vài con sóc hốt hoảng kêu thất thanh, tiếp theo là hai ba tiếng máy cưa lại ầm ầm vang lên, có lẽ chúng cắt khúc và bổ hộp đấy.

Nhưng chợt tiếng cưa im phắc, đêm trở lại tĩnh mịch như vốn có của nó, chỉ còn lại tiếng giun dế và sột soạt của lũ chuột hay chồn cáo gì đó đi ăn đêm. Có lẽ bọn cảnh giới của lâm tặc đã chạy về tới nơi, báo hiệu rồi nên chúng không dám cưa nữa. Ngay sau đó là tiếng xe máy ào ào chạy về phía chúng tôi, năm chiếc xe máy, mười tên lâm tặc mặt mày gân guốc, đen nhẻm nhảy xuống xe tiến lại, tay lăm lăm dao rựa, gậy gộc thật đáng sợ, tôi nép vào mọi người.

Anh Lâm bình tĩnh hỏi bọn chúng: “Các anh đi đâu đêm hôm khuya khoắt thế này?”.Thấy chúng tôi ít người hơn, một tên có vẻ là đầu sỏ quát lại chúng tôi một cách hung hăng: “Các anh là ai mà dám giữ xe của tụi này?”, một tên trong bọn còn khởi động máy cưa cho xích chạy vù vù và múa may thị uy dằn mặt.

Với kinh nghiệm của mình, anh Lâm bình tĩnh giải thích và đấu lý với bọn chúng, tuy không có phản ứng mạnh nhưng bọn chúng cũng đã xông vào cướp lại chiếc xe máy, đôi bên giằng co có nguy cơ xảy ra xô sát. Để tránh căng thẳng và nguy hiểm đến tính mạng anh em, vì sự việc chưa có gì cụ thể, chưa bắt được quả tang lâm tặc hạ cây nên cũng khó làm gì được bọn nó nên anh Lâm bảo mọi người trả xe cho chúng.

Song anh Lâm vẫn chưa chịu thua và vẫn tiếp tục tuyên truyền vận động bọn chúng không được vào rừng của trạm vì đây là khu rừng đặc dụng, rừng giống quốc gia nếu động vào thì hậu quả sẽ khôn lường.Trước những thái độ cúng rắn của anh Lâm bọn chúng tự động bỏ đi...

Tôi nhớ lại sự vụ đêm qua, đúng là một đêm không yên tĩnh ở rừng. Nếu không có một người đầy kinh nghiệm và nhiệt tình như các anh thì không biết có chuyện gì đã xảy ra. Trong khi lực lượng bảo vệ rừng của ta rất mỏng, trang bị hầu như không có gì, chế độ chính sách còn nhiều bất cập, song ở nơi đây anh em đã làm việc bằng cả tấm lòng chân thực, bằng tình yêu đối với rừng không tính toán thiệt hơn...

Kbang, tháng 8/2014

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.