Tôi bước đến choàng lấy gốc cây lim cổ thụ. Một vòng tay người lớn vẫn chưa đủ. Ông Trương Xuân Đô (69 tuổi ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) hể hả: “Nguyên cây lim này tui hạ từ hồi chiến tranh để lấy gỗ chia cho bà con làm hầm trú ẩn máy bay. Sau đó, gốc mọc lên hai chồi và thành cổ thụ như bây giờ. Tính sơ sơ, hai cây lim này cũng cho trên 5 mét khối gỗ quý đấy”.
Duyên nợ với… lim
Nhà ông Đô cũng dễ tìm, chỉ cách con đường liên thôn được đổ bê tông chừng hơn chục phút đi bộ. Nói đến rừng, cũng tưởng là còn đi thêm vài con dốc và thở bằng tai mới đến được. Nhưng chẳng phải vậy, băng qua nhà ông, đi chừng chục phút là đến… rừng.
Đường vào rừng lim |
Ngay cửa rừng, hai cây cọ lớn vẫy lá xanh mướt như đón chào. Con đường được phát quang toàn bộ tựa con trăn lớn len dưới tán rừng cao thấp. Ông Đô rắn chắc, tay cầm rựa đi trước dẫn đường ngoái lại bảo: “Vùng Cồn Lim thì cứ thoải mái đi. Không có sên vắt mô. Mấy năm trước thì có, trở lại đây thì ít hẳn rồi”.
Nếu tính từ nhà ông Đô, đi vào rừng người chưa kịp nóng người thì mắt đã chạm vào hai cây lim lớn chen sát nhau, vươn ra tán rợp một khoảng rừng. “Hồi hạ cây lim để lấy gỗ cho bà con làm hầm tránh bom thì gốc lên hai chồi non. Đến chừ thì thành cây cổ thụ. Nếu tính trị giá lấy gỗ thì cũng trên trăm triệu đồng. Nhưng không khai thác được mô”, ông Đô giới thiệu.
Cùng đi vào từng với chúng tôi còn có anh Phan Thanh Xuân- kiểm lâm viên phụ trách địa bàn. Anh Xuân cho hay vùng rừng này trước đây là địa chỉ đặc sản của cây lim. Do nổi tiếng từ xưa nên cũng bị khai thác đến tận cùng. Phần bà con lấy đất canh tác, phần bị phá nên không còn được như trước.
“Rừng lim của bác Đô là duy nhất còn lại. Gần hai chục ha rừng vừa dày mật độ cây vừa nhiều cây lớn. Giữ được rừng lim này, công lao của gia đình thật là lớn”- anh Xuân nói.
Như để giới thiệu thêm về vùng lim, bác Đô hào hứng: “Cả vùng rừng Đá Giăng ni nhiều lim thì ai cùng hay rồi. Nhưng trước đó, có cây lim cổ thụ khi còn nhỏ theo bố lên rừng tui đã từng thấy. Gốc cây lim này lớn hơn cái nong phơi lúa (đường kính hơn 2 m-PV). Cây này sau đó bị đổ do quá già chứ không có ai đụng tới, hạt của cây lim này qua hàng năm cứ tạo nên nhiều lứa cây con mà quần tụ nên vùng lim đó chớ”.
Ông Đô bên hai cây lim cổ thụ |
Rồi câu chuyện như quyện say hơn, bác Đô kể thời trẻ cũng tham gia làm giao liên, y tá, chèo đò phục vụ bộ đội. Sau khi lấy vợ và đẻ một liền tù tì 13 người con thì vợ mất. Ông Đô bươn bả nuôi đàn con một mình. Lấy rừng lim làm kế sinh nhai. Nhiều lần đi kéo gỗ, băng qua gốc cây lim, nhìn hai mầm cây bằng ngón tay út giờ mập mạp bằng bắp chân người lớn làm ông mong lung lắm.
“Chặt hết, phá rừng thì khi thằng út lớn lên có còn rừng nữa không hè?- ông nghĩ. Vậy rồi ông tự tin nói với các con: "Còn mấy cây lim phải giữ nó lại chứ sau này không còn nữa mô”. Nói hôm trước, hôm sau ông thực hiện. Những người dân trong vùng khi đi qua khoảng rừng sau nhà đều được ông Đô với theo: "Chặt chi thì chặt chứ đừng đụng vô mấy cây lim đó nghe”. Có người nghe, có người không chịu vặc liền: ‘Rừng của nhà ông hay răng mà cấm”. Ông Đô thủng thỉnh: "Thì rừng nhà tui thì tui mới dặn chớ”. Người ta ngoái nhìn bảy cậu con trai của ông Đô sàn sàn nhau, tay cầm dây thừng thì cũng chột dạ mà lẳng lặng thôi cự cãi.
Trời cũng quá trưa, một cơn mưa cuối năm bất chợt ùa tới. Tiếng hạt mưa reo trên tán lá như nhạc riêng của rừng. Hai chú chó vện phóng lên trước, nhào vào một lùm cây lớn. Bỗng nghe “oác” một tiếng, hai con gà rừng dưới dài bị động bay vọt lên. Nhoàng một cái, gà rừng bay khuất dạng sau màn mưa bắt đầu trắng xóa và tán cây rừng xanh mướt mát rung rinh. |
Cứ vậy, người này nói người kia, ai cũng tặc lưỡi: “Cây rừng còn nhiều, đừng dại đụng vô bầy lim của ông Đô mà rách chuyện”. Một năm, hai năm… theo thời gian, tán rừng dày thêm. Ngoài chuyện đồng áng, ông Đô dạy các con lên rừng phát cây leo, bụi rậm để rừng lim có khoảng trời mà lớn.
Khi các con của ông trưởng thành thì rừng được ông chăm chút bảo vệ cũng trở nên cổ thụ. Khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho dân và kiểm đếm lại vùng rừng, ông Đô có trên 40 ha. Chẳng cần suy tình, ông vui vẻ nhường lại cho bà con nhận, chỉ giữ lại cho mình khoảng nửa diện tích ấy.
Bây giờ, vào rừng của ông cứ có cảm tưởng lạc vào cánh rừng nguyên sinh bởi những cây gỗ lớn. Mấy năm trước, có người bên Cao Quảng hay tin định sang khai thác trộm. Nhưng khi biết chuyện gia đình ông Đô đã mấy chục năm giữ gìn thì lẳng lặng mang cưa quay lui. “Trên rừng tui, vẫn có nhiều người đến khai thác mây. Tui nói đó cũng là của rừng, bà con cần thì lấy. Ăn mây, chặt củi khô thì thoải mái. Nhưng chỉ xin đừng chặt cây rừng là được”- ông Đô bộc bạch.
Ở đây gỗ quý
Cậu con trai út sinh ra được ít năm thì căn nhà nhỏ ọp ẹp lắm rồi. Ông Đô xin phép khai thác rừng làm nhà mới. Căn nhà ba gian rộng với những cây cột lim chắc như đinh làm ông cũng thấy hài lòng với công sức mình bỏ ra. Người dân trong vùng ai cũng nói là khó tìm thấy ngôi nhà thứ hai như vậy. Ông Đô bảo: ‘Bây giờ có mua cũng không được. Rừng lim bây chừ là của Nhà nước rồi. Tui được giao bảo vệ và phát triển thôi”.
|
Nhiều cây lim lớn |
Con đường rừng ngoặt lên một con dốc nhỏ. Khoảng sáng như bị che lại. Bên trái, một dãy bốn cây lim lớn đứng ngang tàng, tán cây xòe ra che rợp. “Mấy cây đó cũng đã có đường kính trên 3m cả đó”- anh Xuân giới thiệu.
Đi thêm một quãng ngắn, gặp bên đường là một gốc lim khá lớn bật lên bốn cây chồi lớn. Ông Đô nói: “Gốc cây này tui khai thác để lấy gỗ làm nhà. Giờ chồi nó lên khỏe rứa đó”. Anh Xuân quay sang hướng dẫn: "Bác chỉ để lại hai cây thôi. Hai cây yếu hơn thì chặt làm cọc rào cũng được”.
Hỏi chuyện, ông Đô cho hay rừng lim có trên trăm cây lớn. Cộng cây có tuổi dưới 20 năm thì nhiều khó đếm hết. Đang đi, chợt ông dừng lại chỉ cho chúng tôi một cây rừng cao bằng cây rựa cầm trong tay. "Cây lim non này lên từ hạt mới dược năm tuổi đó. Hạt cây lim có khi cả chục năm trời mới nảy mầm”- ông Đô bảo vậy.
Chen với cây lim còn có những cây gỗ lớn như ngát, bài lài, rạ… Ông Đô bảo sắp tới sẽ mua thêm các giống như huỵnh, dổi, huê, trầm… rồi trồng xen vào theo từng vùng rừng. “Có như vậy thì rừng mới được nhiều cây gỗ quý”- ông nói.
Có những cây lim non |
Phát triển du lịch sinh thái rừng Nói về tổng nguồn thu cho chủ rừng lim, anh Trần Mạnh Luật- Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Minh Hóa rất quan tâm đến việc phát triển du lịch sinh thái rừng. Cánh rừng ông Đô chỉ cách địa danh Tú Làn, nơi làm phim trường phim “Đảo Đầu lâu” (của hàng phim Holiuts) chừng 3 cây số. Với đường giao thông khá thuận tiện, du khách có thể đến tham quan rừng lim của ông Đô với nhiều điều thú vị. “Ngoài việc làm tốt nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng, ông Đô có thể lồng ghép với việc chăn nuôi gà, dê để phục vụ nguồn thực phẩm sạch cho mọi người và du khách đến tham quan rừng”- anh Luật nói thêm. Với thành tích bảo vệ rừng hàng chục năm qua, ông Trương Xuân Đô vinh dự được UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Minh Hóa tặng bằng khen, giấy khen về thành tích trong công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. |