| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 19/03/2024 , 14:17 (GMT+7)
Rémi Nono Womdim

Rémi Nono Womdim

Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam 14:17 - 19/03/2024

Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam: Rừng và đổi mới

Rừng bao phủ khoảng 1/3 diện tích bề mặt Trái Đất, giúp điều tiết các hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng ở nông thôn, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Rừng đóng vai trò quan trọng giúp ổn định cuộc sống trên hành tinh này.

Rừng cũng là nơi cư trú của hầu hết các loài trên cạn của trái đất chúng ta. Rừng cung cấp nước, tạo ra sinh kế, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời rừng cũng rất cần thiết cho sản xuất lương thực - thực phẩm bền vững.

Tuy nhiên, tình trạng mất rừng và suy thoái rừng vẫn tiếp tục diễn ra ở mức báo động. Chúng ta cần thực hiện những hành động mạnh mẽ để giảm thiểu tình trạng mất rừng và bảo vệ đa dạng sinh học, vì lợi ích của thế hệ hiện nay cũng như những thế hệ tương lai. Đây là lời kêu gọi hành động đối với mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Để nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động, chủ đề được chọn của Ngày Quốc tế về Rừng năm 2024 là Rừng và Đổi mới: Giải pháp mới cho một thế giới tốt đẹp hơn. Tầm quan trọng của rừng đối với tương lai của chúng ta chính là lý do tại sao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2012 đã tuyên bố lấy ngày 21/3 hàng năm là Ngày Quốc tế về Rừng, nhằm tôn vinh và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên có thể tái tạo này.

Chủ đề của năm nay rất phù hợp với tất cả chúng ta. Mặc dù tốc độ mất rừng đã giảm trong ba thập kỷ qua, song trên toàn cầu vẫn có hơn 420 triệu héc-ta rừng bị mất đi kể từ năm 1990. Với 10 triệu héc-ta rừng bị mất mỗi năm, và khoảng 70 triệu héc-ta bị ảnh hưởng bởi cháy rừng, cuộc chiến chống mất rừng đòi hỏi phải có những tiến bộ mới về mặt công nghệ. Những đổi mới này rất cần thiết đối với các hệ thống cảnh báo sớm, sản xuất hàng hóa bền vững, cũng như trao quyền cho người dân thông qua lập bản đồ đất đai và tiếp cận với tài chính khí hậu.

Nói một cách đơn giản, giảm thiểu tình trạng mất rừng và suy thoái rừng, cùng với việc khôi phục và quản lý bền vững tài nguyên rừng, là những giải pháp then chốt giúp chúng ta đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030.

Đó là lý do tại sao Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) là đối tác cam kết của Việt Nam, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, trong việc ứng dụng một loạt công nghệ tiên tiến trong ngành lâm nghiệp tại Việt Nam. Các ứng dụng này bao gồm việc thiết lập một hệ thống giám sát và đánh giá, với việc áp dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý, công nghệ thông tin trong quản lý lâm nghiệp, lập bản đồ và đảm bảo quyền hưởng dụng đất đai. Những nỗ lực này sẽ giúp trao quyền cho các cộng đồng nông thôn địa phương cũng như đồng bào dân tộc thiểu số. Đến năm 2030, những nỗ lực nói trên của FAO và các đối tác địa phương sẽ giúp 100% các chủ rừng là tổ chức có khả năng theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng, cũng như áp dụng khoa học và công nghệ để ngăn chặn và phòng chống cháy rừng.

FAO cũng đang hỗ trợ Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng chuyển đổi số bằng cách đa dạng hóa nguồn thu từ rừng, chẳng hạn như giao dịch tín chỉ cacbon từ Sáng kiến của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) sắp tới do FAO tài trợ, cùng với các hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình Chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Với việc Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới, đứng thứ năm toàn cầu và thứ nhất ở Đông Nam Á, FAO đang hỗ trợ Việt Nam mở rộng thị trường cho các sản phẩm gỗ bền vững.

Ngoài ra, thông qua việc phục hồi hệ sinh thái, bao gồm cả nỗ lực trồng lại rừng, chúng tôi đang thúc đẩy các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh lương thực cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Những đổi mới bắt nguồn từ ngành lâm nghiệp của Việt Nam đang truyền cảm hứng và đặt nền tảng vững chắc cho các sáng kiến tiếp theo nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên tái tạo cực kỳ quan trọng này có thể tiếp tục tự phục hồi, và tiếp tục là nguồn lực cho sự sống trên hành tinh này.

Như lời của Tiến sĩ Khuất Đông Ngọc, Tổng Giám đốc FAO đã nói: “Chúng ta hãy xây dựng một tương lai xanh, lành mạnh và có khả năng chống chịu nhờ rừng, để cho tất cả mọi người đều được sống trong những đô thị có rừng, hay sống trong những ngôi làng được bao quanh bởi rừng”.