| Hotline: 0983.970.780

Ruộng đồng kêu cứu vì không có nước canh tác

Thứ Năm 10/01/2019 , 14:50 (GMT+7)

Thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) nằm sát thị trấn Rừng Thông nhưng gần 100% nhân khẩu sống phụ thuộc vào SX nông nghiệp. Thế nhưng, từ hơn 10 năm nay, nhiều diện tích ruộng đã phải bỏ hoang do thiếu nước. Nguồn cơn do đâu?

Thôn Hiệp Khởi có 60ha ruộng, 1.000 nhân khẩu phụ thuộc vào làm nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là bình quân mỗi nhân khẩu được chia 600m2 ruộng lúa, bao gồm cả ruộng công ích 5%. Thế nhưng, từ hơn 10 năm trước, nhiều ruộng của thôn đã phải để cỏ mọc xanh đồng, do thiếu nước SX.

Cụm công nghiệp Đông Tiến mọc lên đã khiến chi giang 15B bị vùi lấp

Chúng tôi có mặt tại khu vực đồng Lạng, nơi một số diện tích đã được UBND huyện Đông Sơn chấp thuận giao cho ông Nguyễn Bá Khương xây dựng trang trại. Trước mắt chúng tôi là những thửa ruộng mọc đầy cỏ dại, nơi trước đây từng là bờ xôi, ruộng mật thì nay đã bị bỏ hoang, không thể trồng cấy.

Đúng như lời người dân thôn Hiệp Khởi, những cọc tre đánh dấu ranh giới giữa ruộng 5% và ruộng cơ bản đã được cắm lên. Nếu theo chỉ dẫn những “cột mốc” này thì trang trại của ông Khương sẽ có 4 mặt giáp ruộng 2 vụ lúa. Xen kẽ trong diện tích UBND huyện Đông Sơn dự định giao cho ông Khương có một số ruộng đất cơ bản. Phía bên kia là ruộng của làng Đông Lĩnh.

Theo người dân Hiệp Khởi, nếu trang trại của ông Khương mọc lên thì toàn bộ ruộng của người dân Đông Lĩnh sẽ tịt luôn mương chìm thoát nước. Vì thế, người dân Đông Lĩnh ra sức phản đối dự án này.

Trở lại với việc những cánh đồng ở Hiệp Khởi phải bỏ hoang, người dân cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi cụm Công nghiệp Đông Tiến được thành lập, nhiều DN, NM đã xây dựng cơ sở SX đè lên phần mương dẫn nước chi giang 15B. Kể từ đó, mương dẫn nước chính bị tê liệt, 2.500m mương bê tông do người dân xây dựng để dẫn nước vào đồng ruộng bị vùi lấp dưới lớp cỏ đất. Những cánh đồng vốn đã khó lấy nước nay lại càng thêm khốn đốn.

Không thể thống kê cụ thể nhưng người dân thôn Hiệp Khởi cho biết, nhiều diện tích, cứ mùa làm được, mùa lại bỏ không, tất cả phụ thuộc vào nước trời. Có vụ, mưa đến muộn cũng đành bỏ ruộng.

Bình quân, cứ 4 hộ gia đình tại thôn Hiệp Khởi lại có 1 máy bơm nước mini để bơm chuyền, vét từng hạt nước từ các kênh mương đọng nước lên đồng ruộng. Ngay như cánh đồng mạ nằm đầu nguồn chi giang 15B cũng thiếu nước trầm trọng. Nhiều hộ phải chuyển đổi sang trồng khoai, trồng chuối nhưng thiếu nước, cây chỉ lú nhú lên khỏi mặt đất.

2,5km kênh 15B bị vô hiệu hóa

“Hiện nay, khu vực Cồn Cấu là đất giao lâu dài cho người dân, hiện cũng có 2,5ha phải bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ngoài ra, một số diện tích phải bỏ hoang từng mùa do không đón được nước mưa. Cứ đà này, nếu trang trại của ông Nguyễn Bá Khương dựng lên thì còn nhiều diện tích nữa của thôn không thể SX”, ông Nguyễn Phi Sàng, cựu trưởng thôn Hiệp Khởi cho biết.

Bà Hoàng Thị Năng, một người dân thôn Hiệp Khởi cho biết, việc kênh mương bị chặn không những khiến những cánh đồng xa khó lấy nước mà những cánh đồng gần cũng ngắc ngoải. Bà có mấy chục mét vuông ruộng ngay trước nhà, đầu nguồn kênh 15B cũng không thể SX.

“Nhà nước bán đất cho DN, bán luôn cả mương dẫn nước. Mà đã bán mất mương rồi thì phải làm mương mới cho người dân SX chứ. Vừa rồi, xã giao đất cho ông Khương bất chấp ý kiến phản đối của nhân dân như vậy là không được, là ép người dân vào con đường cùng. Đến khi thấy đưa máy múc vào, người dân mới đổ ra đồng phản đối. Lúc này họ mới chịu dừng lại", bà Năng bức xúc.

Không chỉ ruộng lúa mà cánh đồng mạ hơn 1ha ngay đầu nguồn chi giang 15B của người dân thôn Hiệp Khởi hơn 10 năm nay cũng phải chờ trời đợi nước. Vụ vừa rồi, cây mạ nằm trên ruộng đến hơn 50 ngày mới có nước cấy. Bà con chỉ muốn Nhà nước trả lại mương nước cho dân có nước SX thôi.

Nguồn cung nước duy nhất còn lại là kênh dẫn nước chi giang 15A dẫn qua xã Đông Thanh về đồng ruộng Hiệp Khởi cũng bị xâm phạm. Ấy là năm 2017, UBND xã Đông Tiến giao cho ông Nguyễn Thế Long 0,5ha làm trang trại tại khu vực Cồn Cấu. Mặc dù chưa được cấp thẩm quyền ra quyết định giao đất nhưng ông Long đã xây dựng trang trại, múc ao khiến chi giang 15A bị xâm phạm, không thể dẫn nước. Thế là, thôn Hiệp Khởi một lần nữa khốn đốn.

Những cánh đống khô khát không thể trồng cấy

“Vụ vừa rồi, nhờ trời cho mưa nhiều nên 3ha bỏ hoang vùng Cồn Cấu người dân đã tái SX. Nhưng ruộng bỏ bẵng từ lâu, nay làm lại vừa khó canh tác vừa năng suất thấp nên người dân rất nản. Nhà nước phải làm thế nào chứ cứ đà này thì diện tích ruộng bỏ hoang của thôn Hiệp Khởi sẽ không ngừng tăng lên”, ông Nguyễn Thế Thắng, một người dân thôn Hiệp Khởi cho biết.

Nói về việc chi giang 15B bị “chặn dòng”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến cho hay: “Khi tỉnh phê duyệt Cụm Công nghiệp Đông Tiến thì đã không quy hoạch đường gom, tức đường đi riêng cho các DN. Vì thế, khi đấu nối đường ra QL47, các NM, công xưởng kè tường đá lên mương 15B, vừa chặn dòng, vừa khiến nước rò rỉ không thể chảy về cuối nguồn cho dân SX được. Cũng kể từ đó, người dân không thể vào để thông cống cho nước chảy về ruộng canh tác”.

Về trường hợp trang trại của ông Nguyễn Thế Long, ông Sơn nói, hiện ông Long vẫn chưa được giao đất. Dù vậy, khi xây dựng một số công trình tạm, ông Long đã múc móng làm ảnh hưởng đến kênh 15A từ 1 năm nay. Xã đã yêu cầu và ông Long cũng đã hứa sẽ khắc phục.

 

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm