| Hotline: 0983.970.780

Vì sao dân kịch liệt phản đối dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp?

Thứ Tư 09/01/2019 , 13:15 (GMT+7)

Người dân thôn Hiệp Khởi, xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) kịch liệt phản đối dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp trên cánh Đồng Lạng. Thế nhưng, chính quyền các cấp vẫn chủ trương giao đất khiến người dân bức xúc.

Nghe tin PV Báo NNVN về tìm hiểu thông tin, thời điểm cuối buổi sáng tháng 12/2018, dù trời nắng gay gắt nhưng người dân thôn Hiệp Khởi đổ cả ra vùng đồng Lạng, “tố” chính quyền địa phương thiếu dân chủ trong việc triển khai dự án.

23-33-49_nguoi_dn_thon_hiep_khoi_phn_doi_du_n_trng_tri_tong_hop_tren_cnh_dong_lng
Người dân thôn Hiệp Khởi phản đối xây dựng trang trại tổng hợp

Ông Nguyễn Phi Sàng, cựu trưởng thôn đã 80 tuổi cho biết, dự án được triển khai trên diện tích đất công ích 5% của xã. Tuy nhiên, đây là đất người dân đã có công khai hoang, phục hóa gắn bó từ rất lâu đời nên vẫn có nguyện vọng được thuê để SX nông nghiệp. Sau đợt chuyển đổi ruộng đất gần đây, một số đất khai hoang của vùng đồng Lạng được đưa vào diện đất 5% và vẫn tiếp tục giao cho một số hộ thiếu đất SX.

“Toàn bộ đất 5% này, năm 1993 được UBND xã Đông Tiến giao cho các hộ dân. Đối tượng giao là các hộ dân thiếu đất SX có con cái sinh sau thời điểm giao đất theo Nghị định 64 CP hoặc các tổ chức, đoàn thể để gây dựng quỹ. Dù là xã nằm sát thị trấn Rừng Thông nhưng người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Nên đối với họ, ruộng đồng gắn liền với miếng cơm manh áo thường ngày”, ông Sàng cho biết.

Theo người dân Hiệp Khởi, vùng đồng Lạng, nơi được giao cho ông Nguyễn Bá Khương (thôn Kim Sơn, xã Đông Tiến) triển khai dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp là vùng đất khó SX, không ít hộ đã phải bỏ hoang. Lý do việc lấy nước ở vùng đất này từ 10 năm nay hết sức khó khăn, chứ thực sự người dân ở đây rất yêu ruộng đồng.

Nhiều hộ dân sau khi yêu cầu UBND xã giảm tiền nộp sản không được đồng ý đã phải chấp nhận làm đơn trả đất. Nhiều hộ vẫn bám lấy trồng lúa nhưng cũng có mùa làm được, mùa không do thiếu nước. Những hộ trả đất cũng vạn bất đắc dĩ và bị đẩy vào tình thế hết sức khó khăn.

Căn cứ theo các văn bản của UBND huyện Đông Sơn thì dự án của ông Nguyễn Bá Khương với 13.026 m2. Chủ trương này được được UBND huyện Đông Sơn đồng ý vào ngày 18/6/2018. Cùng ngày, UBND huyện ra Quyết định số 1001/UBND-TNMT về việc chấp thuận chủ trương địa điểm dự án trang trại chăn nuôi tổng hợp và Quyết định số 1470/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Thế nhưng, đến ngày 8/7/2018, cuộc họp thôn Hiệp Khởi thông báo, lấy ý kiến nhân dân để triển khai chủ trương mới được tổ chức, có sự hiện diện của ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến (nay là Trưởng phòng NN- PTNT huyện Đông Sơn). Tại đây, nhân dân thôn Hiệp Khởi đề nghị cấp trên không triển khai dự án vì nơi này đã có 1 trang trại xây dựng năm 2017, sau đó đã gây ra rất nhiều khó khăn cho việc lấy nước SX của người dân.

23-33-49_don_kien_nghi_cu_nguoi_dn_thon_hiep_khoi
Đơn kiến nghị của người dân thôn Hiệp Khởi

Hiện tại, người dân thôn Hiệp Khởi đang thiếu đất SX, nếu một trang trại mới được xây dựng, không những diện tích đất SX bị thu hẹp mà việc lấy nước vào diện tích canh tác còn lại sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Cuộc họp Mặt trận thôn mở rộng sau đó ít ngày, người dân thôn Hiệp Khởi cũng đề nghị không triển khai dự án. Thế nhưng, chỉ ít ngày sau cuộc họp, việc đóng cọc, giao đất vẫn được thực hiện.

Ông Trần Văn Trung, một trong những hộ thầu khoán đất ở vùng đồng Lạng cho biết: “Gia đình tôi có 4 nhân khẩu nhưng chỉ được hơn 2 sào (500m2/sào) ruộng theo Nghị định 64 CP. Vì vậy, tôi xin thầu thêm 400 m2 tại đồng Lạng. Tại vùng này tôi còn có 330 m2 đất 64. Nếu bị thu hồi cả đất 64 thì gia đình tôi chỉ còn khoảng 1,5 sào ruộng, đến cơm cũng chẳng đủ ăn. Điều đáng nói, dù bị kịch liệt phản đối nhưng xã vẫn giao đất cho ông Khương. Hôm ông Khương đưa máy vào múc ruộng, người dân ra đồng ngăn cản nên họ không thể làm được”.

23-33-49_ubnd_x_dong_tien_d_dong_coc_gio_dt
UBND xã Đông Tiến đã đóng cọc mốc ranh giới để giao đất

Theo người dân thôn Hiệp Khởi, một điểm nữa thể hiện sự thiếu dân chủ là, nếu vẫn quyết tâm thực hiện dự án tại sao lại không ưu tiên người trong thôn mà giao cho một chủ đầu tư khác ở thôn Kim Sơn?

“UBND xã Đông Tiến, UBND huyện Đông Sơn chưa ra Quyết định thu hồi đất, nhiều hộ chưa trả đất nhưng lại vội vàng giao đất cho ông Khương xây dựng trang trại. Điều này liệu có điều gì uẩn khúc? Có phải ông Nguyễn Hữu Sáng (lúc đó còn là chủ tịch UBND xã Đông Tiến) muốn giao được đất càng nhanh càng tốt trước khi quay về huyện công tác?”, ông Nguyễn Phi Sàng bức xúc.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến thì diện tích đất công ích UBND huyện giao cho ông Khương thực hiện dự án chưa có quyết định thu hồi vì một số hộ chưa trả. Bên cạnh đó, một số hộ có diện tích đất cơ bản (đất chia theo Nghị định 64 CP) đan xen, nếu ông Khương muốn triển khai dự án thì phải thỏa thuận mua lại đất đó.

“Theo các văn bản thì UBND huyện Đông Sơn cho ông Khương thuê đất 50 năm để xây dựng trang trại. Vùng này, một số hộ có ruộng công ích, một số hộ có ruộng cơ bản chưa trả, UBND huyện chưa có quyết định thu hồi nên chúng tôi chưa giao cho ông Khương được. Hôm đó, ông Khương vào là để đóng mốc ranh giới phân biệt đất công ích và đất cơ bản, người dân hiểu nhầm là giao đất nên mới ngăn cản. Còn việc vì sao không ưu tiên người dân Hiệp Khởi, thực tế chúng tôi đã có thông báo trên loa truyền thanh của xã nhưng không ai đăng ký ngoài ông Khương”, ông Sơn cho biết.

23-33-49_nhung_cnh_dong_kho_kht_khong_the_sn_xut
Những cánh đồng khô khát không thể sản xuất

Theo người dân thôn Hiệp Khởi, vì phản ứng việc xây dựng trang trại tại vùng đồng Lạng mà bà Trần Thị Tuyết, trưởng thôn Hiệp Khởi là đã viết đơn xin nghỉ “chức” trưởng thôn(?).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến lại khẳng định, bà Tuyết xin nghỉ là để đi chữa bệnh ở miền Nam chứ không phải vì phản ứng lại quyết định giao đất thực hiện dự án của UBND huyện Đông Sơn (?).

Ông Thanh cũng cho biết thêm: “Hiện nay, do người dân thôn Hiệp Khởi đang phản ứng nên UBND huyện Đông Sơn đang có chủ trương tạm dừng giao đất thực hiện dự án”.

 

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.