| Hotline: 0983.970.780

"Sạch" Trifluralin trong 3 tháng!

Thứ Năm 04/11/2010 , 09:41 (GMT+7)

Ngày 3/11, tại TP HCM, VASEP đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa 10 DNXK tôm lớn nhất Việt Nam với các nhà NK Nhật Bản.

Theo tin từ VASEP, từ ngày 21/10, các cơ quan chức năng Nhật Bản đã tăng tần suất kiểm tra Trifluralin lên mức 100% lô hàng tôm Việt Nam NK vào nước này. Trước tình hình đó, ngày 3/11, tại TP HCM, VASEP đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa 10 DNXK tôm lớn nhất Việt Nam với các nhà NK Nhật Bản.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, trong những ngày cuối tháng 10 vừa rồi, VASEP đã tổ chức đi thị sát tình hình mua bán các loại thuốc có hoạt chất Trifluralin ở một số tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng bán đảo Cà Mau.

Kết quả cho thấy, mặc dù Trifluralin đã bị Bộ NN-PTNT đưa ra khỏi danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản từ hồi tháng 4 năm nay, nhưng đến cuối tháng 10, nhiều sản phẩm chứa chất này vẫn được bày bán công khai trong nhiều đại lý thuốc thú y thủy sản, chủ yếu là thuốc nhập từ Thái Lan. Trong đó, có cả những chai thuốc mà ngày sản xuất ghi trên bao bì còn sau cả ngày Thông tư 20 của Bộ NN-PTNT (về việc loại Trifluralin ra khỏi danh mục được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản) có hiệu lực.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng, ngay cả trong trường việc việc kiểm soát Trfluralin ở các địa phương được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi Thông tư 20 có hiệu lực, thì từ trước đó, nông dân đã thả nuôi tôm chính vụ và nhiều hộ đã sử dụng các sản phẩm có Trifluralin để khử rong tảo, ký sinh trùng …, trong ao nuôi.

Bởi thế, mặc dù đã chủ động kiểm tra Trifluralin trong các lô hàng tôm xuất khẩu sang Nhật Bản trong thời gian này, nhưng từ khi nghe tin phía Nhật Bản đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn đang trong tình cảnh hồi hộp, lo lắng.

Ông Ngô Văn Nga, TGĐ Cty TNHH Kinh doanh Chế biến Thủy sản và XNK Quốc Việt (đây là nhà XK tôm nhiều nhất vào Nhật Bản với tổng giá trị khoảng 50-60 triệu USD/năm) cho biết “Mỗi container có tới cả triệu con tôm, đến từ nhiều ao nuôi, thậm chí vùng nuôi khác nhau, doanh nghiệp làm sao kiểm soát hết được? Mỗi tháng, công ty chúng tôi xuất sang Nhật từ 35-40 container tôm sú. Từ nay đến cuối năm còn phải xuất sang đó khoảng 80 container nữa. Thú thực là chúng tôi vừa xuất vừa lo vì khi họ đã tiến hành kiểm tra 100% lô hàng tôm, thì không biết có chuyện gì xảy ra không?”

Các nhà NK của Nhật Bản cũng không kém phần lo lắng. Ông Phạm Phú An, đại diện Cty Marubeni, cho biết: "Có những lô hàng chúng tôi đã mua từ trước, tức là thời điểm nhà XK chưa tự kiểm tra Trifluralin, nên chẳng biết thế nào. Dù vậy, do hợp đồng đã ký, chúng tôi vẫn cứ phải đưa những lô hàng đó sang Nhật Bản, nhưng yêu cầu nhà xuất XK phải chịu trách nhiệm nếu có lô hàng nào đó bị nhiễm Trifluralin vượt mức cho phép".

Nước đến chân mới nhảy

Nhiều vị đại diện của các nhà NK Nhật Bản đều có một nhận xét chung là ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung đã phản ứng quá chậm với những cảnh báo về Trifluralin, hay có thể nói là đợi nước đến chân mới nhảy. Vị đại diện của Cty Ito Chu cho rằng, năm ngoái, khi phía Nhật Bản phát hiện và cảnh báo một số lô hàng cá tra Việt Nam có nhiễm Trifluralin vượt mức cho phép, lẽ ra ngành tôm cũng phải quan tâm ngay tới vấn đề này, vậy mà các DN tôm vẫn thờ ơ với Trifluralin.

Cũng theo ông này, hiện nay, ở Nhật Bản, đã có tới trên 120 chất bị liệt vào danh mục cấm trong các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nhưng ở Việt Nam, đến giờ, các cơ quan chức năng ngành thủy sản mới chỉ tập trung quản lý có vài chất.

Vậy mỗi container tôm bị phía Nhật phát hiện nhiễm Trifluralin vượt mức cho phép, doanh nghiệp sẽ thiệt hại ra sao? Theo ông Phạm Phú An, ít nhất, nhà XK sẽ phải mất từ 3.000-5.000 USD cho cước vận chuyển, bốc xếp, lưu kho … khi đã đưa hàng qua Nhật rồi lại phải đưa trở về Việt Nam. Còn theo ông Ngô Văn Nga, mức thiệt hại có thể lên tới 10.000 USD, gồm chi phí đưa đi, đưa về, phí bốc xếp lên xuống tàu, phí lưu kho, phí dỡ hàng ra để kiểm kê, phân loại lại …

Hiện nay, giá mỗi kg tôm sú XK đạt mức bình quân 10 USD/kg. Mỗi container tôm vào khoảng 10 tấn trở lên, tương đương với giá trị 100.000 USD. Nếu container đó bị nhiễm Trifluralin, coi như doanh nghiệp mất đứt 10% tổng giá trị lô hàng. Nhưng cái mất lớn hơn cả là uy tín của con tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản, nơi mà nước ta đang là nhà XK số 1 vào đây. Bên cạnh đó, nếu Trifluralin không được giải quyết kịp thời, triệt để, e rằng ngoài thị trường Nhật Bản, con tôm Việt Nam cũng sẽ bị thắt chặt kiểm soát ở các thị trường khác.

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, tất cả các doanh nghiệp XK tôm vào Nhật Bản cần chủ động tự kiểm tra các lô tôm nguyên liệu và các lô hàng thành phẩm, nhất là những lô hàng sản xuất trong các tháng 5, 6 và 7. Do nhiễm Trifluralin chủ yếu từ khâu nuôi, nên VASEP đẩy mạnh phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y có chiến dịch thu hồi triệt để và kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm có chứa Trifluralin đang lưu hành trên thị trường, đặc biệt tại vùng nuôi tôm công nghiệp, đồng thời có chương trình hành động giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với người nuôi để phổ biến, tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng Trifluralin trong nuôi trồng thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh trong vòng 3 tháng tới, chúng ta phải kiểm soát triệt để được Trifluralin trên tôm cũng như các sản phẩm thủy sản nuôi trồng khác.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm