| Hotline: 0983.970.780

Sách về cụ Nguyễn Sinh Sắc sai sót nghiêm trọng

Thứ Ba 27/10/2015 , 07:25 (GMT+7)

Cuốn sách “Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phó bảng xứ Nghệ, một nhân cách lớn” của TS triết học Trần Nhu do NXB Văn học - Nhà sách Thăng Long phát hành năm 2015, có nhiều sai sót nghiêm trọng.

10-32-29_nh-3
Sách “Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phó bảng xứ Nghệ, một nhân cách lớn”

Sách in 800 cuốn, khổ 13,5 x 21 cm, chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Anh Vũ, chịu trách nhiệm nội dung: TS La Kim Liên, biên tập: Jane Trần.

Đọc xong hơn 200 trang nội dung của cuốn sách, chúng tôi không biết tác giả định viết về lịch sử hay tiểu thuyết hư cấu.

Mở đầu, chương I mang tên Miền đất “địa linh nhân kiệt” (tr. 9- tr.38), tác giả viết dưới dạng khảo cứu lịch sử, liệt kê về lịch sử địa lý, văn hóa và con người xứ Nghệ. Nhưng các chương sau đó, lối viết này không được nhất quán mà nhầm lẫn sang cả sáng tác văn chương.

Đặc biệt, viết về nhân vật lịch sử nhưng TS Trần Nhu đã có nhiều lỗ hổng về kiến thức lịch sử, sự kiện lịch sử rất sơ đẳng.

Tác giả còn gán ghép tùy tiện ý kiến chủ quan cá nhân, thậm chí nhiều đoạn là chép từ tiểu thuyết. Cụ thể là các trang 158 và trang 208-210 được chép trong tiểu thuyết “Bông sen vàng” của nhà văn Sơn Tùng. Mà tiểu thuyết thì có… hư cấu.

Nhiều sai sót

Viết về giáo dục, khoa cử thời phong kiến, tác giả nắm kiến thức rất lỗ mỗ, vì thế, TS Trần Nhu viết về Phan Bội Châu “đỗ Giải nguyên được đặc cách đứng riêng một bảng do quá xuất sắc, vượt trội mọi sinh đồ cùng khoa” (tr. 36). Giải nguyên hay còn gọi là Thủ khoa, là người đứng đầu kỳ thi Hương - được tổ chức tại các địa phương - đâu có xếp riêng bảng Giáp - Ất như khi vào thi Đình, mà tác giả cho cụ Phan đứng riêng một bảng.

Thêm nữa, TS Trần Nhu viết: “Khi ông Hoàng Xuân Cận lên chức Kép thì ông Nguyễn Văn Giáp đã là ông Mền (Thời ấy quy định đỗ Tú tài lần thứ hai thì được lấy chức Kép; đỗ lần thứ ba nhận chức Mền và đỗ lần bốn được nhận chức Đụp). Ông Mền Hoàng Xuân Cận và ông Đụp Nguyễn Văn Giáp đều bị ách lại ở bảng Ất khoa Mậu Thân (1848), không đủ điều kiện để được dự kỳ thi cao hơn - thi Hội giành học vị Cử nhân” (tr.53).

Tác giả không rành về học vị khoa bảng thời phong kiến nên viết liều. Khoa thi Hương, người nào thi đỗ 4 kỳ sẽ đậu Cử nhân, thi đỗ 3 kỳ là Tú tài. Còn vào thi Hội là cấp cao hơn, do triều đình tổ chức tại kinh đô, cụ thể ở đây là Huế. Vào thi Hội phải là những người đã đỗ Cử nhân. Các vị Cử nhân sẽ thi tài với nhau để chọn ra Tiến sĩ, Phó bảng, chứ thi Hội không lấy đỗ Cử nhân như tác giả Trần Nhu viết.

Còn nữa, TS Trần Nhu viết “lên chức Kép”, “nhận chức Mền” là càng chứng tỏ ông không hiểu về chức vụ do triều đình phong và danh hiệu dân gian phong. Kép - Mền - Đụp là danh xưng dân gian gọi những người thi đỗ hai, ba, bốn lần Tú tài. Ví dụ, tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Trạch có cụ Tú Mền thi 7 khoa vẫn chỉ đỗ Tú tài không đạt được Cử nhân, cụ Tú Cóc làng Lộc An, xã Lệ Thủy, thi 8 khoa vẫn chỉ Tú tài…

Ngoài ra, trong 20 trang nội dung (tr. 76-96) của cuốn sách cho thấy đây là giáo trình triết học cổ điển Trung Quốc với những phái Nho gia (Khổng Tử - Mạnh Tử), Pháp gia (Hàn Phi Tử), Đạo gia (Lão Tử)…

Phóng bút viết bừa

TS Trần Nhu đã phóng bút viết bừa ở đoạn thực dân Pháp: “đưa con thứ hai Thành Thái lên ngôi, đặt niên hiệu Duy Tân, mà nhất định không chấp nhận hoàng tử Vĩnh San vốn rất có tinh thần dân tộc, chống ngoại xâm cai trị” (tr. 73). Nếu ông biết vua Duy Tân chính là hoàng tử Vĩnh San thì chắc không dám viết vậy.

Thậm chí, TS Trần Nhu còn sáng tác thêm hình ảnh toàn quyền người Pháp có mặt ở Việt Nam từ thời vua Gia Long ở trang 177 trong đoạn sau: “...xứ Đông Đô mà Nguyễn Ánh - Gia Long đã chấp hành lệnh của Toàn quyền Pháp đổi thành thành Hà Nội”. Năm 1831-1832, vua Minh Mệnh - con vua Gia Long - đã cho sửa đổi lại đơn vị hành chính trên cả nước. Khi đó, ở miền Bắc đã bãi bỏ trấn Bắc thành và chia làm nhiều tỉnh. Bắc thành được đặt tên mới là Hà Nội.

Thời vua Gia Long, đất nước tự chủ, lấy đâu ra một viên Toàn quyền Pháp ngự trị?

Về nhà yêu nước Phan Bội Châu, TS Trần Nhu cũng viết sai quá nhiều. Trang 36, tác giả hạ bút: “Phan tiên sinh sáng lập Phong trào Duy Tân, chủ trương Đông Du”. Năm 1904, Phan Bội Châu lập tổ chức Duy Tân hội và khởi xướng phong trào Đông Du, còn phong trào Duy Tân là do Phan Châu Trinh và các nhà nho tiến bộ phát động từ năm 1905 xuất phát từ Quảng Nam. Phải chăng, TS Trần Nhu đã nhầm giữa Duy Tân hội và phong trào Duy Tân là một?

Tiếp đó, trang 37, tác giả phóng bút: “Năm 1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu dự lễ kỷ niệm tròn một năm liệt sĩ Phạm Hồng Thái (cũng là một người con kiên trung của Nam Đàn xứ Nghệ, hy sinh trong vụ mưu sát tên toàn quyền Pháp ở Việt Nam tên là Merlin) hy sinh vì nghĩa lớn, Phan Bội Châu bị bắt cóc tại ga Thượng Hải do sự cấu kết của thực dân Pháp với bọn thổ phỉ Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch”.

Thứ nhất, Phan Bội Châu cũng như các nhà yêu nước khác thời đó, đi hoạt động cứu nước bị mật thám truy lùng, đâu có ai đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm Phạm Hồng Thái như tác giả tưởng tượng. Thứ hai, gọi “bọn thổ phỉ” với một chính quyền thời đó thì e rằng tác giả nói bừa!

Còn nhiều lỗi khác, nhưng trong phạm vi một bài viết không nêu hết ra được. Cuối cùng, xin nói một điều, môn Lịch sử đang bị học sinh phổ thông chán ghét. Những cuốn sách dở sử dở văn như trên càng khiến cho học trò chán ngán thêm.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.