| Hotline: 0983.970.780

Săn 'gà Tàu': Mặt trận biên giới

Thứ Sáu 21/06/2024 , 09:00 (GMT+7)

Nhận lệnh từ Ban biên tập, nhóm phóng viên 'khăn gói quả mướp' lên đường đi Lạng Sơn. Sương mù bao phủ vùng biên, thông tin 'gà Tàu' nhập lậu cũng còn khá mơ hồ.

Lách qua hàng rào

Bằng nhiều mối quan hệ tích lũy ở vùng biên, nhà báo Kiên Trung tóm tắt tình hình: “Trước kia gà lậu đi qua nhiều cửa khẩu ở Lạng Sơn. Tuy nhiên, do cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều siết chặt hoạt động quản lý, nên gà nhập lậu qua biên giới chỉ còn đi qua cửa khẩu Chi Ma”.

Với những lý do khách quan lẫn chủ quan, mỗi tuần, gà vịt nhập lậu vẫn đều đặn qua cửa khẩu Chi Ma, từ đó tỏa xuống khắp các trang trại ngoài Bắc.

Xe máy chở gà nhập lậu từ cửa khẩu Chi Ma vào Việt Nam. Ảnh: Văn Việt.

Xe máy chở gà nhập lậu từ cửa khẩu Chi Ma vào Việt Nam. Ảnh: Văn Việt.

Chúng tôi quyết định đi thực tế ở Chi Ma, dù manh mối vẫn còn mù mờ. Xe đưa chúng tôi vào khu vực cửa khẩu. Cách ngã ba thị trấn Lộc Bình chừng 5km, tấm biển màu xanh ghi bằng hai ngôn ngữ Việt - Trung hiện lên: Khu vực biên giới.

Từ đây, các hoạt động an ninh trật tự do lực lượng biên phòng chịu trách nhiệm chính. Đi tiếp vài km nữa, Chi Ma hiện lên với đầy đủ đặc trưng của một cửa khẩu chính: đội quân cửu vạn, cánh tài xế xe đường dài, hàng quán, karaoke, mọc lên san sát.

Hoa lau phất ngù trắng xóa, vẽ lên bức tranh biên viễn hoang sơ. Nhưng ẩn sau đó, nạn buôn lậu gà, vịt từ Trung Quốc về Việt Nam vẫn đang rầm rập diễn ra mỗi tuần.

Chúng tôi không thể vào khu tập kết hàng hóa, bởi không muốn lộ tên tuổi. Lực lượng biên phòng kiểm soát khá chặt người và phương tiện ra vào. Nhưng rất nhanh, Kiên Trung lách qua hàng rào xây dở, vào trò chuyện với nhóm cửu vạn đang chờ người thuê.

Trong bộ quần áo bò hơi sờn rách, mũ lưỡi trai che nửa mặt, rất khó phân biệt Kiên Trung là nhà báo, hay là một "nhà luật" - tiếng lóng ám chỉ người chuyên giúp chủ hàng các thủ tục xuất nhập khẩu ở biên giới.

Một tiếng sau, nhà báo Kiên Trung lẫn trong số hơn chục cửu vạn "đàng hoàng" ra khỏi cửa khẩu. "Đi tìm thêm mấy cung đường chỉ dành cho xe máy. Cửu vạn nói họ ở đây bốc vác hàng chính ngạch, còn hàng lậu thì đi mấy đường đất bên ngoài", đồng nghiệp của tôi nói.

Chúng tôi ngược về hướng cầu Long Đầu - nơi mà cửu vạn cho biết có ít nhất 2 đường mòn từ biên giới Việt - Trung đi về.

Nhưng giữa bao la núi rừng, xen kẽ vài chục hộ dân ở lác đác, thật khó hình dung đâu là đường mòn buôn lậu, hay đường dân sinh. Trong lúc chúng tôi còn đang bối rối, vận may chợt tới. Cường "Chi Ma", một cư dân địa phương, phóng xe máy tới hỏi: "Các anh đi đâu, tìm hàng gì mà cứ lượn lờ đây mãi".

"Bọn anh đi lấy hàng cho sếp dưới Hải Dương, đang cần tìm gà K9 (một giống gà Trung Quốc). Chú có mối không, bọn anh trả phần trăm nếu hàng về đến trại ở Hải Dương", chúng tôi đáp.

Chỉ với một gói bánh Trung thu làm quà, Cường "Chi Ma" lấy xe máy chở chúng tôi đi vào cung đường mà gà vịt lậu vẫn xâm nhập trái phép vào Việt Nam.

Không có dân địa phương, người lạ có lẽ tìm mỏi mắt không bao giờ thấy. Các con đường đan xen với nhau như mạng nhện, không thể biết sẽ đi về đâu. Định vị bằng Google Map cũng gần như vô dụng, bởi có quá nhiều đường ẩn khuất dưới những tán cây. Chỗ cây rậm rạp, hóa ra lại chỉ cần dùng tay hất nhẹ là đường hiện ra. Mờ mờ vết lốp xe gắn máy. Có những chỗ đường thoáng, thì lại đi vào nương trồng ngô, sắn của dân.

"Em dẫn bọn anh đi thì được, chứ bình thường bọn anh không bao giờ vào được đây", Cường "Chi Ma" nói. Vài chỗ, người dân làm cả barie bằng tre chặn đường. Quả thực nếu không phải Cường là dân địa phương, chúng tôi không thể tiếp cận cung đường buôn lậu. Mỗi lần có người ra xem xét vì barie bị nhấc lên, Cường lại nói mấy câu tiếng Tày. "Pây liêu", nghĩa là đi chơi. Chúng tôi chỉ nghe được lõm bõm như vậy.

"Anh là công an à"

Tối, sau cuộc rượu với thịt vịt do hai phóng viên mời. Cường "Chi Ma" dẫn chúng tôi đi gặp Phúc "Long Đầu", kẻ được coi là "số má" nhất trong giới chở thuê hàng lậu. Sau này, nhiều người dân Chi Ma cũng bảo chúng tôi: "Phúc 'Long Đầu' mà thứ hai thì không ai chủ nhật".

Nhà báo Kiên Trung, Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại một cung đường buôn lậu khu vực cửa khẩu Chi Ma. Ảnh: Văn Việt.

Nhà báo Kiên Trung, Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại một cung đường buôn lậu khu vực cửa khẩu Chi Ma. Ảnh: Văn Việt.

Cuộc trao đổi diễn ra chóng vánh. Phúc "Long Đầu" gọi video qua mạng xã hội Wechat của Trung Quốc. Đầu dây bên kia là một người đàn ông trung tuổi, quốc tịch Trung Quốc, nhà tại Ái Điểm - thị trấn bên kia biên giới. Phúc bảo anh ta "không làm việc vặt", trừ khi chúng tôi mua 20.000 con giống trở lên. Thời điểm cuối năm 2023, số con giống này có giá khoảng 300 triệu đồng. Về tới các tỉnh dưới xuôi, giá sẽ nhích dần lên.

Phúc chốt giá xong. Chúng tôi cùng anh ta đi nhậu, mượn cớ dò la thêm, trong khi Kiên Trung nói đợi thêm 1 ngày để sếp dưới Hải Dương chốt giá.

Quán nhậu vùng biên lúc 22h, hầu như toàn tay chân của Phúc. Uống được vài ly, Phúc chỉ giục chốt nhanh, bởi "hàng đang khan lắm". Trong lúc chúng tôi đang bàn về giá cả, bỗng "rầm" một tiếng. Chiếc bàn gần như lõm nửa mặt sau cú đập tay của Phúc. Hắn chỉ mặt Kiên Trung: "Anh là công an à".

Cả quán nhậu im bặt. Hàng chục ánh mắt tóe lửa nhìn về phía chúng tôi. Gần 20 người đầu trọc, xăm trổ nhìn về phía Phúc, đợi lệnh.

"Bọn anh đi buôn hàng mà, công an gì đâu". Nhưng gã bảo kê gằn giọng: "Tháo kính ra, bỏ trò quay lén đi". Hắn chỉ về chiếc kính cận của Kiên Trung. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam bình tĩnh đưa kính cho Phúc xem: "Kính cận thật chú ạ. Anh tháo ra là mù dở luôn".

Hóa ra Phúc nghi ngờ vì kính cận của Kiên Trung, vô tình giống hệt loại kính quay lén bày bán ở chợ Đông Kinh, Lạng Sơn.

Hóa giải xong mối nghi ngờ, Phúc bảo: "Công an, biên phòng hay hóa trang nắm tình hình. Bọn em xin lỗi anh, nhưng làm ăn phải chắc chắn. Dân ở đây được bọn em trả công nếu báo tin, thấy các anh chiều nay cứ lượn lờ gần đường bọn em làm, nên phải hỏi".

Nói rồi, Phúc quăng ra ba túi nilon nhỏ: "Trong này có cần, kẹo, ke (các loại ma túy), bọn anh chơi hàng gì em mời". Chúng tôi từ chối, với lý do sếp chưa chốt giá, không dám "chơi".

Cung đường biên giới tưởng chừng yên ả, song năm 2023, hàng vạn con gà, vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc đã đi qua nơi này. Ảnh: Kiên Trung.

Cung đường biên giới tưởng chừng yên ả, song năm 2023, hàng vạn con gà, vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc đã đi qua nơi này. Ảnh: Kiên Trung.

Bao giờ đổi "tít"?

Sau cuộc gặp với Phúc, chúng tôi còn vào nhiều bản ở quanh cửa khẩu Chi Ma. Từ bản Quân Phát, đến bản Thín, bản Diểng, bản Luồng... Nơi nào cũng có dấu chân của Phúc và đám tay chân. Nhóm phóng viên phải tách nhau ra, nhờ dân bản đưa đi vào buổi tối. Mượn quần áo dân bản, đội mũ, đeo khẩu trang. Tìm mọi cách có thể "che mắt" đám bảo kê, chỉ điểm. Chúng tôi âm thầm ghi hình các điểm trung chuyển. Cảnh xe máy chở gà lậu cũng được ghi lại.

Nửa tháng sau, Báo Nông nghiệp Việt Nam khởi đăng loạt bài “Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi”. Loạt bài gây nhiều tiếng vang, bởi các nhóm phóng viên cùng chúng tôi đã bóc trần đường dây nhập lậu gà, vịt từ Trung Quốc về. Ngày 1/10/2023, Báo đăng bài: Gà Tàu ‘tung hoành’, trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ở đâu?

Bài báo lập tức gây được nhiều dư luận, thậm chí cả áp lực từ một số nơi. Nhiều đồng nghiệp gọi điện, nhắn tin chia sẻ, kèm theo chút hoang mang: “Báo Nông nghiệp Việt Nam giật tít 'máu' thế. Liệu bao giờ đổi tít?”. Lẽ dĩ nhiên, bài báo vẫn còn nguyên vẹn 'tít' cho tới hôm nay.

Một ngày sau khi Báo đăng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp, mời báo chí tham dự, thừa nhận toàn bộ nội dung Báo Nông nghiệp Việt Nam viết là chính xác. Từ thông tin do Báo Nông nghiệp Việt Nam cung cấp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn xác định được hai trại sản xuất gia cầm giống rất lớn nằm cách Ái Điểm 45km, là nơi cung cấp nguồn gà giống lậu. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ biên phòng được tăng cường về Chi Ma. Nạn buôn bán gà, vịt lậu giảm hẳn, tới mức gần như không còn.

Xem thêm
Thủ tướng lên đường dự Hội nghị WEF và làm việc tại Trung Quốc

Sáng 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6/2024.

Người Yên Bái và lối đi ngay dưới chân mình

Tối 22/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Bảo đảm an toàn, chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm đề thi chất lượng, chính xác, tuyệt đối an toàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi.