Trong khuôn khổ Dự án Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (GIC), TP Cần Thơ đã triển khai thí điểm 3 mô hình trình diễn sản xuất lúa các bon thấp (giảm phát thải khí nhà kính) tại huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh, trên quy mô diện tích 15ha.
Các mô hình sản xuất lúa các bon thấp tập trung thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn SRP, sử dụng biện pháp tưới tiêu chủ động, quản lý nước theo phương pháp tưới ngập khô xen kẽ, chủ động thu gom rơm rạ. Đặc biệt, lượng lúa giống gieo sạ với mật độ khoảng 100 kg/ha (mật độ sạ chênh lệch so với phương pháp sạ theo tập quán nông dân là 80 kg/ha). Bên cạnh đó, mô hình cũng phối hợp sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong quá trình canh tác. Bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng ngừa sâu bệnh, đồng thời kết hợp ghi chép sổ nhật ký.
Theo đánh giá của bà con nông dân tham gia mô hình, khi áp dụng phương pháp sản xuất giảm phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn SRP đã mang lại hiệu quả kỹ thuật cũng như giảm chi phí đầu tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động), giúp giảm lượng giống gieo sạ. Qua thời gian sản xuất lúa an toàn, các bon thấp trong vụ đông xuân 2022 - 2023, ông Dương Văn Siêu, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Thắng, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai ước tính sơ bộ, năng suất lúa thu được khoảng 8 - 10 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm khoảng 50% so với vụ đông xuân năm ngoái, kéo theo lợi nhuận tăng khoảng 5,6 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, khi tham gia canh tác theo mô hình sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn SRP đã giúp bà con nông dân thay đổi dần thói quen sạ dày cũng như hạn chế số lần phun thuốc. Từ đó nâng cao lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường, hạn chế gây ra tác động hiệu ứng nhà kính.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, mục tiêu của dự án khi triển khai các mô hình sản xuất lúa các bon thấp là giảm thải khí nhà kính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa. Mô hình hướng bà con nông dân chuyển đổi sản xuất từ canh tác 3 vụ lúa/năm, giảm còn 2 vụ lúa/năm và xen 1 vụ trồng rau màu khác. Ngoài áp dụng theo mô hình sản xuất lúa các bon thấp, người dân còn áp dụng thêm các biện pháp kỹ thuật như 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, từ đó tạo ra một vụ mùa thắng lợi.
Thông qua việc thu mẫu và xác định sản lượng lúa trong vụ đông xuân 2022 - 2023, ngành nông nghiệp thành phố đánh giá, các mô hình sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính đã góp phần giảm 25% tỷ lệ phát thải kính, có khả năng phát triển và nhân rộng trong thời gian tới.
Vụ lúa đông xuân này, ông Nhơn đánh giá là một vụ mùa thắng lợi với bà con nông dân tham gia dự án, khi gia tăng lợi nhuận từ 20 - 30% so với canh tác lúa truyền thống. Trong năm 2023, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ sẽ triển khai nhân rộng thêm 6 mô hình, tại các huyện sản xuất lúa trọng điểm của thành phố.
Dự án Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm (GIC), với mục tiêu hỗ trợ các tác nhân trong toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo và xoài ở ĐBSCL, nhằm cung ứng các sản phẩm chất lượng cao, tạo doanh thu từ xuất khẩu, ổn định và tạo thêm việc làm.
Dự án có tổng vốn đầu tư 7 triệu Euro, là gói cam kết hỗ trợ kỹ thuật tiếp theo từ Chính phủ Đức, được phối hợp thực hiện bởi Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và chính quyền 6 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng. Dự án được triển khai trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025.