Với chủ đề“Trồng lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính”, vùng ĐBSCL đang chuyển đổi sản xuất lúa gạo carbon thấp hướng đến nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.
ĐBSCL sản xuất lúa gạo carbon thấp hướng đến nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững
Vừa qua, trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững ở Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hơn 184.000 ha canh tác lúa ở ĐBSCL đã thí điểm thành công mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải. Qua đó, bà con nông dân đã dần xóa bỏ tư duy sản lượng, hướng đến cách tiếp cận gia tăng lợi nhuận thông qua các mô hình sinh kế bền vững, gia tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Ông CAO THĂNG BÌNH - Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Chủ nhiệm dự án VnSAT
“Chúng ta có thể thấy là họ sản xuất nó bền vững hơn, tăng lợi nhuận cao hơn, họ liên kết tốt hơn, phát huy vai trò của hợp tác xã và tổ chức nông dân, liên kết với doanh nghiệp và điều đặc biệt đây là canh tác bền vững nó đóng góp rất lớn vào giảm phát thải khí nhà kính, mà đây là một trong những ưu tiên của chính phủ cam kết, trong tương lai ngành nông nghiệp cũng phải tiếp tục để phát huy để giảm phát thải khí nhà kính từ ngành nông nghiệp”
Mới đây nhất, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã công bố báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”. Trong đó, báo cáo đề cập và chỉ ra đến sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền nông nghiệp carbon thấp. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị cho việc nghiên cứu chuyển đổi nông nghiệp xanh của Việt Nam thông qua hướng tới sản xuất lúa gạo carbon thấp. Và truyền tải thông điệp hướng tới sản xuất lúa gạo “xanh”.
Ông BENOÎT BOSQUET - Giám Đốc Khu vực về Phát triển Bền vững của Ngân hàng Thế giới, khu vực Châu Á Thái Bình Dương
“Việt Nam sản xuất cùng một lượng lúa gạo, nhưng nó có thể bán ra thị trường với giá tốt hơn, tăng thu nhập cho người nông dân đồng thời đa dạng hóa việc sản xuất. Không chỉ sản xuất lúa gạo mà có thể có những cây trồng thay thế khác hoặc chuyển qua chuyển đổi qua nuôi trồng thủy sản, khi mà làm như vậy thì chúng ta mới tiết kiệm được nước, tiết kiệm đưuọc phân bón. Dự án VnSAT của Ngân hàng Thế Giới đã chứng minh là lượng hóa được lượng Carbon mà giảm phát thải được trong quá trình chuyển đổi trong nông nghiệp”.
Một thực tế đã được các chuyên gia chỉ ra, năng suất lúa đã đạt ngưỡng, bà con nông dân cần thay đổi cách tiếp cận truyền thống thay vì tạo ra nhiều sản lượng để nâng cao thu nhập. Nông dân đồng bằng có thể tăng sản lượng lúa và thu nhập, giảm phát thải khí nhà kính và duy trì khả năng cạnh tranh của lúa gạo thông qua việc chuyển đổi sang mô hình lúa gạo carbon thấp.
Con đường hướng tới sản xuất lúa gạo carbon thấp được các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới chỉ ra, là áp dụng kỹ thuật sản xuất tưới ướt khô xen kẽ, kỹ thuật 1 phải 5 giảm, nâng cao hiệu quả các hoạt động sau thu hoạch để giảm thất thoát và lãng phí lương thực. Theo tính toán, nếu áp dụng kỹ thuật 1P5G trên 600.000 ha chiếm 70% diện tích lúa trong vùng lúa lõi sản xuất lúa của khu vực ĐBSCL, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính có thể lên đến 3,2 triệu tấn/năm. Hoặc nếu chuyển đổi 530.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang các hệ thống canh tác carbon thấp có thể giảm phát thải khí nhà kính tới 2,6 triệu tấn/năm. Ngoài ra, việc tái sử dụng 70% lượng rơm rạ cho các hình thức khác với lượng phát thải KNK thấp hơn khoảng 50% so với việc đốt rơm rạ.