| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị ở Đồng Phú

Thứ Ba 06/12/2022 , 11:50 (GMT+7)

Sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị ở xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ được đánh giá là một trong những mô hình nông nghiệp điển hình của thành phố Hà Nội.

Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, bà Trịnh Thị Nguyệt cho biết hiện đơn vị đã có vùng nguyên liệu hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ và có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, toàn bộ lúa được các thành viên thu hoạch, chế biến, xuất bán tại nhiều tỉnh thành và một phần dành để xuất khẩu. Hiện tại, giá bán gạo hữu cơ cao của Đồng Phú luôn cao hơn gấp 2,5 - 3 lần so với các loại gạo sản xuất thông thường, nhờ vậy cho doanh thu trên 160 triệu đồng/ha. Để minh bạch hóa quá trình sản xuất, các camera được lắp ngay trên cánh đồng, người quản lý có thể truy cập được xem thành viên đang cấy hái ra sao. Bà Giám đốc HTX cho hay, ngoài việc sản xuất lúa gạo sắp tới đơn vị còn phối hợp với doanh nghiệp để gia tăng giá trị cho thành viên bằng cách đa dạng hóa thêm sản phẩm như chế biến bún tươi, bánh, sữa, tinh dầu gạo giúp bồi bổ những bệnh nhân ốm nặng…

Nước vào ruộng cũng được lọc hết tạp chất. Ảnh: Tư liệu.

Nước vào ruộng cũng được lọc hết tạp chất. Ảnh: Tư liệu.

Nhìn cảnh tượng no ấm ấy ở Đồng Phú hôm nay ít ai ngờ những ngày đầu gian khó của việc sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị này. Trưởng thôn Lê Thị Hòa ngày ấy là 1 trong 20 hộ đầu tiên tham gia trồng 1 ha lúa hữu cơ ở cánh đồng gốc Đa. Chị bảo, trước trồng lúa theo kiểu cũ 1 sào mất 3 công gồm 1 công cấy, 1 công bón, 1 công phun thuốc sâu, trừ cỏ xong là bỏ đấy không cần nhòm ngó, cuối vụ chờ máy gặt liên hợp đến giơ bao ra mà hứng thóc. Đằng này canh tác hữu cơ tổng cộng tốn cỡ 12 công gồm 1 công cấy, 3 công làm cỏ, 1 công khử lẫn, dăm ba công vớt rều (rêu váng sinh ra do bón phân chuồng - PV), bắt ốc bươu vàng, đánh chuột. Ngại nhất là xử lý phân chuồng vừa mùi, vừa bẩn vẫn phải trộn lẫn trấu cùng vôi rồi phủ bạt kín, khi chuẩn bị bón lại phải mở ra, xới xáo cho hả hơi rồi mới đem vãi. Khi dự án trao quyền tự chủ sản xuất lại cho nông dân Thượng Phúc chỉ có 5 ha hữu cơ nhưng năm 2015 mở rộng lên 9 ha/vụ, 2016 lên 15 ha/ vụ, 2017 lên 25 ha/ vụ, năm 2017 thì HTX Nông nghiệp Hữu cơ Đồng Phú được thành lập với 89 thành viên đến nay đã thành 103.

 

Từ mô hình điểm ở Đồng Phú mà quy mô canh tác lúa gạo hữu cơ tại huyện Chương Mỹ liên tục tăng qua từng mùa vụ, trở thành địa phương đi đầu thành phố. Học tập theo Đồng Phú, chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ Japonica của HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến cũng được thành lập và bước đầu phát huy hiệu quả.  

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội diện tích sản xuất lúa của thành phố gần 100.000 ha mỗi vụ song một số nơi hiệu quả kinh tế chưa cao. Mặt khác, nhiều nơi ruộng trũng, thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa bão, do vậy, việc mở rộng vùng lúa hàng hóa tập trung gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, đầu tư vùng lúa hàng hóa quy mô lớn đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng sản xuất nông nghiệp lại bấp bênh, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy cần đẩy mạnh việc doanh nghiệp liên kết với nông dân để hình thành các HTX kiểu mới, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo một cách bền vững.

 

Để làm được điều này cần sự hợp tác tích cực của “nhiều nhà”, trong đó, quan trọng nhất là các ngân hàng cần có chính sách ưu đãi lãi suất đối với nông dân, doanh nghiệp; về phía doanh nghiệp cần có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi để bảo đảm sản xuất - tiêu thụ được hết sản lượng lúa gạo đã ký kết cho bà con. Thành phố cần tổng kết các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả kinh tế cao để phổ biến kinh nghiệm nhằm nhân rộng trên địa bàn.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.