Thời gian qua, huyện Đắk Song (Đắk Nông) đã bố trí nguồn lực, tập trung triển khai Chương trình OCOP một cách sâu rộng. Đến nay, huyện Đắk Song đã có 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Trong đó các sản phẩm chủ lực của huyện là cà phê, ca cao, mắc ca, tiêu…
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song (cơ quan thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện), sản phẩm tham gia OCOP không ngừng được các chủ thể hoàn thiện, nâng cấp, có sức cạnh tranh trên thị trường.
“Đơn cử như HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, xã Hưng Bình, luôn chăm chút cho sản phẩm hồ tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Cụ thể, ngoài chăm sóc vườn tiêu theo quy trình hữu cơ một cách nghiêm ngặt, HTX còn chú trọng đến khâu thu hoạch, bảo quản, phơi sấy. Đến nay, HTX đã quy tụ được 63 thành viên, với diện tích sản xuất hơn 160 ha tiêu hữu cơ. Sản phẩm của HTX được các doanh nghiệp, nhà máy chế biến hồ tiêu xuất khẩu bao tiêu toàn bộ”, ông Vinh thông tin.
Còn tại huyện Tuy Đức có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm mắc ca, cà phê, đông trùng hạ thảo. Các sản phẩm OCOP là sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Những sản phẩm hình thành cơ sở và hình thành từ trước. Tuy nhiên từ khi được công nhận sản phẩm OCOP cơ quan chức năng, chủ sở hữu đã quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu. Từ đó, khách hàng biết đến các sản phầm này nhiều hơn, tăng lượng tiêu thụ.
Nhờ quảng bá rộng rãi, hiện sản phẩm mắc ca lượng cung không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Khách hàng muốn có sản phẩm phải đặc trước đặt biệt là thời điểm cận tết.
Tại huyện Krông Nô đến hết năm 2021, địa phương có 9 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm 4 sao gồm: Cam, quýt hữu cơ và gạo Buôn Choah. Năm 2022 địa phương gửi 2 sản phẩm đi đánh giá phân hạng, như vậy nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP lên 11.
Các sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói chung, và thúc đẩy quá trình xây dựng Nông thôn mới nói riêng. Sản phẩm OCOP tại huyện Krông Nô có những đặc thù riêng của địa phương, đáp ứng được tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, lực chọn của người tiêu dùng.
“Đối với gạo, địa phương đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đối với gạo Buôn Chóah. Năm nay địa phương tiếp tục đưa sản phẩm bơ núi lửa để làm nhãn hiệu chúng nhận đối với sản phẩm này. Địa phương xây dựng sản phẩm OCOP theo nhu cầu của người tiêu dùng theo hướng an toàn cho chính người sản xuất cũng như người tiêu dùng”, ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng NN-PTNT- Phó chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới huyện Krông Nô chia sẻ.
Từ khi triển khai chương trình, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành chức năng, các địa phương và nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ dân, chương trình OCOP của tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang khẳng định được ưu thế, thương hiệu trong xu thế lựa chọn tiêu dùng của thị trường, người dân.
Các địa phương đã tập trung vào tiềm năng, thế mạnh của mình, các sản phẩm mang lại hiệu quả cao, giúp người dân tự tin, phấn khởi. Như vậy, OCOP không chỉ góp phần giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn thay đổi tư duy về kinh tế nông thôn, góp phần to lớn vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Từ những thành công trên, các sản phẩm OCOP dã góp phần không nhỏ trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương của tỉnh Đắk Nông.
Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 67 sản phẩm của 56 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở được công nhận OCOP. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, các cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, sản phẩm đều có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nên được nhiều người tiêu dùng biết đến, từng bước tạo dựng, củng cố uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng.