Đó chính là anh Hoàng Xuân Giang – kỹ sư thủy sản của Trạm Khuyến nông huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Năm 2009 anh bắt đầu tiếp quản khu đầm rộng 8ha của bố mình ở xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, trong đó phần lớn là diện tích lúa - rươi. Năm 2010 anh thu được 3 tạ rươi. Năm 2011 anh thu được 1 tấn rươi. Năm 2012 do kỹ thuật kém, sản lượng rươi của anh lại tụt xuống chỉ còn 5 tạ.
Suốt ngày dưới đầm rươi, anh cứ nghĩ mãi mình chuyên ngành thủy sản mà lại không biết con rươi nó sinh sản vô tính hay hữu tính, đặc điểm sinh học thế nào. Thời điểm đó những người đến mua rươi tại đầm lại bảo, con rươi nay chặt mất đầu thì mai lại mọc đầu mới hay con rươi mỗi năm khi đẻ sẽ tự cắt ra từng khúc?
Trong một lần tình cờ anh thấy một con rươi nổi lên, phần sữa chỉ dài khoảng 3cm nhưng vẫn dính vào một đoạn như cọng rạ phía sau, chưa bị hủy hết, không hiểu đó là cái gì nhưng chắc chắn nó không thể tái tạo lại thành con rươi được.
Anh lần mò thử cho đẻ đủ kiểu như cho hai con rươi giao vũ trong chậu nước, rồi cho thụ tinh khô - tức một nắm rươi bóp lẫn lộn để cho trứng với tinh trùng gặp nhau, hay cho thụ tinh ướt là thêm nước vào dù không phân biệt được con nào đực, con nào cái.
Tình cờ khi đọc một bài báo của Trung Quốc trên mạng có nói rươi sinh sản hữu tính với các hình ảnh màu trắng là con đực, màu đỏ là con cái. Từ đó anh suy nghĩ cho rươi sinh sản theo hướng ấy và bắt đầu làm các bể đẻ nhưng kết quả là không được một con nào.
Trải qua hàng trăm lần thất bại như vậy, đến năm 2014, nhìn vào kính hiển vi anh vẫn không thấy rươi đâu mà chỉ thấy một vài con “ruồi” tí hon. Năm 2013 anh cũng đã nhìn thấy vài con “ruồi” tí hon như thế qua kính hiển vi nhưng không nghĩ đó là con rươi giống vì trong đầu mặc định nó phải có hình dáng dài như con rươi trưởng thành, tức thân dài loằng ngoằng.
Cuối cùng, anh suy luận chắc đó là con rươi giống và thả chúng vào các chậu đất, dùng nước có độ mặn khác nhau tưới đều, sau 3 tháng, vớt lên đã thấy những con rươi bằng sợi tóc giống hệt như con rươi trưởng thành. Anh quây một góc đầm và thả chúng xuống. Sau 1 năm thấy chỗ thả giống có mật độ lỗ rươi dày hơn hẳn. Thấy khả thi, năm 2016 anh bắt đầu mở rộng ra, giúp sản lượng rươi đạt 4 tấn, gấp 4 lần trước.
Cuối năm 2017, anh lấy giống rươi sang huyện Tiên Lãng tiếp thị cho các chủ đầm. Một chủ đầm ở xã Cấp Tiến thấy hiện tượng lạ vì từ trước đến nay không ai đi bán giống rươi cả vì đó là thứ lộc trời cho liền giữ chìa khóa xe máy của anh lại, gọi điện báo cho công an xã. Khi công an đến định bắt, anh Giang mới bảo khoan, để mình điện cho anh Phó Chủ tịch UBND xã đã. Anh Phó Chủ tịch UBND xã khi nghe thủng chuyện, liền giải thích: “Anh Giang là người nhà nước, công tác ở Trạm Khuyến nông huyện Tiên Lãng, đang thử nghiệm sản xuất giống rươi đấy”.
Lúc đó mọi người mới chịu nói chuyện bình thường. Anh Giang liền mời chủ đầm nọ khi nào sang đầm nhà mình bên huyện Vĩnh Bảo thực tế. Trước đấy, 3 người hàng xóm khi thấy đầm của anh có sản lượng cao hơn bình thường cũng mạnh dạn mua giống để thả nhưng 2 người dặn không được hé lộ với ai.
Thấy có hiệu quả, dần đã có một số chủ đầm ở Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh mua giống rươi của anh. Sản lượng bán tăng theo từng năm 2018, 2019, 2020…, trại giống mở rộng ra gần 100 bể, mỗi bể 5m3. Cơ quan chuyên môn của Hải Phòng cũng đã đến kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. Thời cao điểm mỗi năm anh bán 50 - 60 tỷ rươi giống, thu tiền tỷ.