Miên man bên dòng sông Vận Dương
Từ tháng 4 đến giờ không được một mẻ nào, khi tôi đến chị Nguyễn Thị Thu Hường, chủ hai khu bãi bảo tồn rươi ở thôn Lê Xá, xã Đại Bản (huyện An Dương, TP Hải Phòng) đành phải đem rươi vụ chiêm cấp đông mấy tháng trước làm chả khoản đãi. Chị lấy thế làm áy náy lắm vì con rươi mật tươi của sông Vận Dương quê mình nức tiếng là thơm ngon dù sản lượng không nhiều như ở nơi khác.
Thấy vậy, tôi bảo 3 ngày sau sẽ quay lại, chị liền cho giữ nước trong đầm để mong sao khi tháo ra có được ít rươi tươi. Chiều thứ sáu, trước lúc tôi đến bà Nguyễn Thị Liễu - cô của chị Hường đã làm một mâm cúng cầu thần sông, thần biển cho một vài con rươi tức sữa mà ngoi lên không thì lại mất công chú nhà báo phải đi đi, lại lại. Thế mà sáng thứ bảy ông Trần Công Thọ - cậu của chị Hường tháo cái săm chặn nơi cửa cống vẫn chỉ có tôm, cá, ốc, rạm, cáy chứ không có lấy nổi một con rươi.
Chị Hường cười buồn, giải thích rươi chỉ lên khi có màu nước trắng đục như sữa, có gió đông nam và có mùi tanh tao đặc trưng trong không khí. Trước đấy, chủ đầm phải cấm nước 3 ngày để đất trên bãi thật ráo cho rươi cắt đuôi, sau đó ngày đầu tiên cho một ít nước vào tráng, ngày thứ hai cho nhiều nước vào để rươi nổi lên đồng loạt. Bình thường mỗi tháng có 6 ngày đầm cạn nước nhưng mấy tháng nay không cạn nổi 3 ngày nên không có rươi là phải.
Trong tủ lạnh nhà bà Liễu vẫn để phần 2kg rươi mật Vận Dương cho con gái ở Anh, chờ mấy tháng nữa về. Có lần do không có rươi quê mình, bà phải mua ở chỗ khác mang sang Anh làm quà nhưng bị cô phát hiện ra ngay do không thơm ngon, đậm đà bằng.
Con gái bà dù đã ở Tây 20 năm mà vẫn còn nhớ như in vị quê nhà, dù ăn tôm hùm cũng thấy không ngon bằng con rươi mật, hễ khuấy một lát là thấy toàn “bột” béo ngậy. Đoạn sông Vận Dương chảy từ Ba Ngả về qua thôn Lê Xá, xã Đại Bản các loại thủy sản rất thơm ngon, nhưng qua đó đến xã An Hồng thì đã đổi khác. Trước đây người làng mỗi khi làm nhà đều phải xin nắm đất ở ngoài bãi sông về đổ vào móng cầu mong sự vững chắc, bình an. Bà Liễu 7 lần xây nhà đều 7 lần phải làm phép như thế và thấy mọi sự đều rất thuận.
Không săm được một con rươi tức sữa nào, chúng tôi đành rủ nhau lội xuống bãi chi chít lỗ mà xắn, có rất nhiều. Khi chưa nổi, rươi dài cả gang tay và mảnh như một cọng rạ chứ không béo mầm.
Buổi chiều hôm đó, ông Thọ chống thuyền đưa tôi đi quanh bãi. Không gian nơi đây giống như một miền Tây thu nhỏ với rặng dừa xanh soi bóng đôi bờ, lấp ló những đóa sen đa lộc hồng như những bó đuốc, những lấm tấm vàng của hoa điền thanh. Ong bướm bay rộn ràng, chim chóc hót líu lo.
Thuyền cứ thế nhẹ lướt trên mênh mông nước, lơ thơ những chòm lúa tái sinh. Thỉnh thoảng một chú cò vục mỏ xuống bùn mải ăn không để ý thấy thuyền bất chợt lướt qua mới vụt bay lên. Gió mát thổi hây hẩy trên bờ sông Vận Dương, nơi một con gà gáy dân ba tỉnh, thành đều nghe thấy gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Mọi thứ đều tuần hoàn
Chị Hường giải thích mọi thứ trong trang trại được vận hành khép kín và tuần hoàn. Dưới đầm, nước phù sa được dẫn vào ngâm tạo độ màu mỡ, cấy lúa để lấy rơm tạo mùn và tảo cho rươi, tôm, ốc ăn. Tôm, tép, cá, ốc, thóc lên bờ phần cho người ăn, bán, phần cho gà, vịt, ngan... ăn.
Trên bờ, tầng một, cao là mít dai cổ, nhãn cổ, sen đa lộc, dừa che cho những cây bán sáng. Tầng hai, trung bình là mía, đu đủ, chanh, gừng gió, bạch gừng… Tầng ba, thấp là xuyến chi, tầm bóp, bòng bong, tía tô, lá lốt, sen gừng… Tầng bốn, sát mặt đất là bồ công anh, càng cua, cứt lợn, thài lài, cúc áo, thòng bong, khoai lang, rau rệu, cỏ xước, lá ngải, cải trời, mùi Tàu, dưa lê, dưa chuột…
Lá sen đa lộc, lá dừa để tạo mùn tuần hoàn với quả đu đủ, vỏ trứng, trứng, dưa, xoài, chuối, lông gà vịt, ốc, cá nhỏ… ngâm để tưới hoặc chôn gốc cây và tạo môi trường cho nấm sinh sôi phát triển. Lá sen đa lộc có thể sản xuất tinh dầu, lấy sợi, làm dầu gội, hoa sen đa lộc làm trà…
Gà rừng bản địa, gà H’Mông, gà ri được nuôi bảo tồn, cho ăn lá ngải, tía tô phòng bệnh, sau mưa cho uống nước lá ổi để chống bệnh, đêm tự ngủ trên cây. Vịt thì hoàn toàn không nuôi mà mò ấu trùng rươi, tôm tép để ăn và ngủ dưới bờ bụi, đẻ trứng quanh những gốc cây. Mỗi buổi sớm hay chiều, hàng trăm con cò về cùng nhiều loại chim khác như giẽ giun, vịt trời, cuốc, le le… bay rợp trời. Chúng làm tổ ngay trong các khóm dương xỉ, trên những rặng cây, nhiều lúc dẫn con đi ăn như gà mẹ dẫn con vậy.
Khi đã xong công việc cải tạo mặt bằng, chị Hường hạn chế thấp nhất việc cày xới đất, để dành công việc đó cho những con giun, con bọ, còn mình thì mải mê vào những rặng sen đa lộc. Trà thảo dược từ sen đa lộc giúp lưu thông máu, chữa đau mỏi người có hai giá bán, người bình thường 700.000đ/100gram, còn người ốm yếu cần thải độc chị bán rẻ, thậm chí người nghèo còn tặng luôn.
Chị ấp ủ ý tưởng về một khu an dưỡng giữa thiên nhiên cho người già, người neo đơn, người bệnh, ở đó có những ngôi nhà lá, trước hiên là vườn rau, vườn thảo dược, sau là đầm bãi tiện khai thác tôm, cua, rươi, cáy, có thể sinh sống cả tháng mà không cần đến tiền. Một khu vực khác sẽ khôi phục lại những trò chơi dân gian như tò he, ô ăn quan, cầu trượt, xích đu hay dạy các kỹ năng sinh tồn như mò hến, úp cá, câu cá, giã gạo…
Lao động của chị là người đồng bào dân tộc, bình thường thì tham gia sản xuất nhưng khi cần sẽ hỗ trợ chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền. Chị đã chuẩn bị lá dừa, lá sen làm mái nhà, còn khung nhà sẽ lấy gỗ ở một trang trại khác về nhưng khi tôi đến mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, dang dở.
Tôi hỏi chị về hướng đi nông nghiệp có sáng không? Chị cười, đáp: “Sáng chứ sao không bởi bây giờ cái bãi này mỗi tháng có thể thu được 50 - 60 triệu đồng từ tôm, cá, hoa, cây giống. Rươi đáng được thu từ tháng 4 đến giờ nhưng bây giờ chưa có thì sẽ dồn vào tháng 9, tháng 10, tất nhiên lúc đó giá sẽ khá thấp vì nhiều đầm cũng có. Ốc bươu vàng bình thường người ta sợ ăn vì nó sống ở vùng bẩn nhưng tôi vẫn bán được với giá 200.000đ/kg nhân bởi ở đây môi trường sạch, ốc rất giòn, thơm và ngon, nhất là nhiều sữa (chất béo)”.
Ông Hoàng Đình Thanh - chú rể chị Hường mải mê kể về một đêm của vụ rươi năm ngoái, rươi nổi trắng trên mặt bãi, cảm giác rẽ rươi ra mới thấy nước, rươi chứa đầy trong chiếc xăm dài 6 - 7m, đổ đến đâu lại vào đầy đến đấy. Chỉ trong khoảng 2 tiếng mà thu được hơn 700kg. Để hôm sau cả làng, cả xã, cả vùng đều thơm lừng mùi rươi mật tự nhiên của sông Vận Dương, một thứ mùi thơm mà rươi nuôi bằng phân gà, bằng cám không bao giờ có được.
Diện tích trang trại lớn như thế nhưng năm kia sản lượng gạo chỉ được 4 tấn, năm ngoái được hơn 1 tấn, năm nay còn vài tạ nhưng chị Hường không lấy thế làm buồn bởi cây lúa làm mát cho con rươi, tạo mùn bã hữu cơ cho chúng ăn. Con người sống nhờ đất, chết về với đất nên phải biết bảo vệ đất, đã ăn thóc, ăn rươi thì phải trả lại rơm, mùn bã hữu cơ cho đất.