Tại các vùng sản xuất hữu cơ ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, công thức luân canh đang mang lại hiệu quả với 5 tầng khai thác gồm dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, trên ruộng là lúa, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả. Mô hình mang lại hệ sinh thái trong lành và bền vững.
Lúa - rươi Trong nhiều năm qua, từ những kinh nghiệm và được trang bị các kiến thức khoa học về chu trình sinh trưởng, phát triển của con rươi, con cáy, người dân tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ đã hình thành những vùng sản xuất lúa – rươi theo hướng hữu cơ.
Ông PHẠM VĂN SOI
Thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
1 năm ruộng lúa hữu cơ chỉ cấy 1 vụ, sử dụng phân bón hữu cơ. Cấy lúa xong sẽ điều tiết nước và thu hoạch rươi. Hàng năm không có sâu bệnh vì cấy thưa, 1 năm 1 vụ, cấy sớm.
Về hiệu quả kinh tế, vùng bảo tồn, khai thác rươi, cáy của huyện Tứ Kỳ có tổng sản lượng hàng năm khoảng 1.900, trong đó: lúa 1.500 tấn, rươi 300 tấn, cáy 100 tấn. Riêng vùng khai thác rươi cáy 137 ha khu vực ngoài bãi xã An Thanh cho sản lượng 860 tấn/năm. Thu nhập trung bình của các hộ sản xuất đạt từ 350 - 450 triệu/ha/năm.
Ông PHẠM XUÂN LUẬN
Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
Trong những năm qua đã vận động người dân cải tiến giống lúa và đưa vào những giống như J02, ST25…Giá trị trong nông nghiệp hữu cơ lúa – rươi trong những năm gần đây các sản phẩm nông nghiệp sạch được người tiêu dùng ưa chuộng, giá trị tăng gấp 2 lần so với những giống lúa thông thường.
Ông NGUYỄN HỒNG SƠN
Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Mô hình lúa xen canh với nuôi rươi, người dân bắt buộc phải sử dụng các phương pháp hữu cơ vì nếu sử dụng hoá chất sẽ ảnh hưởng tới con rươi. Do đó, người dân phải áp dụng các vật liệu, vật tư đầu vào là vật liệu hữu cơ. Và chúng tôi đánh giá cao chất lượng của sản phẩm cũng như tổ chức thực hiện của địa phương…
Huyện Tứ Kỳ hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi, cáy tự nhiên. Tại các vùng sản xuất hữu cơ này hiện đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với 5 tầng khai thác: dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa xuân trên ruộng, trên bờ rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả. Tạo nên một hệ sinh thái trong lành và bền vững.
Bà VŨ THỊ HÀ, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương
Cải tạo các vùng sản xuất có tiềm năng để tạo thành vùng hữu cơ, đồng thời hỗ trợ các vùng chứng nhận hữu cơ, rồi chứng nhận các sản phẩm OCOP ở vùng hữu cơ để tạo ra các sản phẩm có bao bì, nhãn mác rồi hướng dẫn liên kết tiêu thụ về các siêu thị tốt hơn và tạo kênh tiêu thụ cao hơn. Rồi các hoạt động khác như chuyển giao tiến bộ tạo ra liên kết thì chúng tôi cũng tăng cường thường xuyên thực hiện để nâng cao giá trị vùng khai thác rươi cáy và tạo ra sự phát triển bền vững, tạo ra môi trường hết sức trong lành.
Từ vụ mùa 2021 đến nay, huyện Tứ Kỳ đã triển khai chính sách hỗ trợ giống, các chế phẩm sinh học, tập huấn kỹ thuật cho các hộ trong vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để cải tạo 140 ha sản xuất lúa kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên khu vực trong đồng. Từ đó cải tạo vùng sản xuất lúa truyền thống thành vùng sản xuất hữu cơ đảm bảo sản xuất đạt mục tiêu kép, vừa thu hoạch lúa, vừa thu hoạch rươi, dần tích luỹ độ phì nhiêu cho đất, tạo ra hệ sinh thái tốt cho rươi, cáy phát triển.