Mỗi giờ, chiếc máy trên có thể tạo ra lượng củ cải thành phẩm gấp 5 lần so với gọt bằng tay.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa và chiếc máy gọt vỏ củ cải |
Máy có cấu tạo gồm: Khung máy; động cơ điện; xích truyền động; trục chính (có 14 trục); trục rulo (được lắp rulo nhựa mềm); bộ dao (12 dao); bệ cấp nguyên liêu và khay chứa vỏ.
Để gọt vỏ, cho củ cải vào bệ cấp nguyên liệu, khi 1 đầu chạm cặp trục rulo thứ nhất, củ cải sẽ được cuốn vào và tiếp xúc với cặp dao thứ nhất. Tại đây củ cải được gọt đi 2 mặt phẳng trên thân, tiếp theo, củ cải tiếp tục được chuyển đến trục rulo thứ hai qua bộ dao thứ hai... đến rulo thứ sáu và bộ dao thứ sáu, củ cải được gọt đi 12 mặt phẳng. Sau đó, nguyên liệu tiếp tục được chuyển đến rulo thứ bảy, ở đây củ cải sẽ được chuyển vào thùng chứa và kết thúc quá trình gọt.
Về thiết kế, lắp đặt dao cắt: 6 bộ dao gồm 12 cái, mỗi dao được bố trí lệch nhau 1 góc 30 độ theo chu vi đường tròn (bao quanh củ cải) nên khi củ cải đi từ bộ dao cắt thứ nhất đến bộ dao cắt thứ sáu, vỏ của nó sẽ được gọt gần như triệt để (khoảng 98%). Khoảng hở giữa 2 rulo và dao có thể tăng giảm tùy theo đường kính của nguyên liệu đưa vào gọt (nhờ bộ lò xo đàn hồi) nên lớp vỏ được gọt có bề dày tương đối như nhau. Ngoài ra, nhờ bố trí bộ biến tần nên tốc độ gọt của máy có thể được điều chỉnh theo ý muốn.
Ông Nghĩa cho biết, qua thử nghiệm, mỗi giờ chiếc máy trên có thể gọt vỏ 240kg củ cải nguyên liệu, trong khi nếu gọt bằng tay thì 1 người giỏi lắm mỗi giờ gọt chưa đến 50kg.
Chiếc máy do ông Nghĩa sáng chế có chi phí đầu tư thấp hơn nhiều so với một số máy ngoại nhập (18 triệu đồng so với 88,2 triệu đồng). Tuy nhiên, chiếc máy này có nhược điểm là chỉ gọt được vỏ đối với củ cải có chiều thẳng, không gọt được củ bị cong, dị dạng.
Hiện ông Nguyễn Văn Nghĩa đã gửi hồ sơ chiếc máy trên tham dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ 12 (2016 – 2017) do Liên hiệp các hội KHKT Tiền Giang phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức.