| Hotline: 0983.970.780

Sáng lên dưới những cánh rừng: [Bài 2] Chuyển hướng trồng cây bản địa để có thu nhập tiền tỷ

Thứ Sáu 25/10/2024 , 11:03 (GMT+7)

Quảng Bình Xã Cao Quảng (Tuyên Hóa, Quảng Bình) bảo vệ tốt hơn 10 ngàn ha rừng tự nhiên và đã nhận được khoảng 2,7 tỷ đồng tiền bán tín chỉ các bon trong 2 năm…

Xã Cao Quảng có phần lớn diện tích tự nhiên là rừng và đồi núi. Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, cho hay địa phương được giao bảo vệ và phát triển trên 10.000ha rừng tự nhiên. Những năm gần đây, rừng tự nhiên trên địa bàn đã được người dân và các tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế được sự tác động xấu đến lâm sản, động vật rừng. “Điều đáng nói là nhờ thu nhập từ rừng nên đời sống của bà co ngày càng ổn định và phát triển hơn. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng năm được vài trăm triệu đồng từ rừng”- bà Phương nói thêm.

Tổ bảo vệ rừng cộng đồng phối hợp với kiểm lâm địa bàn kiểm tra rừng tự nhiên ở xã Cao Quảng. Ảnh: T. Đức.

Tổ bảo vệ rừng cộng đồng phối hợp với kiểm lâm địa bàn kiểm tra rừng tự nhiên ở xã Cao Quảng. Ảnh: T. Đức.

Xã có thu nhập 2,7 tỷ đồng từ bán tín chỉ các bon…

Những năm trước, Cao Quảng cũng được xem là địa bàn “nóng” về phá rừng. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội bằng giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên và phủ xanh đồi núi trọc bằng rừng trồng kinh tế. Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên, chính quyền địa phương vận động nhân dân các thôn thành lập tổ bảo vệ rừng cộng đồng, tổ tự quản để đưa việc giữ rừng vào quy chế của địa phương.

Từ đó đến nay, toàn xã có 64 tổ bảo vệ rừng cộng đồng với 525 hộ dân tham gia và nhận bảo vệ, phát triển trên 7.300ha rừng tự nhiên. Diện tích rừng còn lại được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Ông Lê Thanh Phương, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Cao Cảnh (xã Cao Quảng), cho hay, người dân tại các tổ quản lý rừng cộng đồng đã được các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng, kỹ thuật, quyền và nghĩa vụ khi tham gia bảo vệ rừng tự nhiên. “Qua đó, bà con ngày càng làm tốt hơn, phát huy được vai trò của tổ cộng đồng trong nhiệm vụ bảo vệ rừng. Rừng mỗi ngày một xanh, cây càng lớn và bà con có thể vào rừng hái lá thuốc, lấy măng…để có thêm thu nhập”- ông Phương bộc bạch thêm.

Nhờ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên nên bà con đã có thu nhập khá ổn định từ nguồn hỗ trợ từ ngân sách và thu nhập từ tiền bán tín chỉ các bon. Theo đó, năm 2023, xã Cao Quảng đã chi trả trên 1,2 tỷ đồng cho các hộ dân từ tiền bán tín chỉ các bon. Năm nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện các thủ tục để chi trả khoảng 1,5 tỷ đồng tiền bán tín chỉ các bon cho các hộ dân.

Một góc rừng trồng cây bản địa của gia đình ông Nguyễn Đức Sự. Ảnh: T. Đức.

Một góc rừng trồng cây bản địa của gia đình ông Nguyễn Đức Sự. Ảnh: T. Đức.

Ông Lê Thanh Phương, nhận khoán bảo vệ 30ha rừng. Năm ngoái ông nhận được hơn chục triệu đồng. Năm nay, ông sẽ nhận hơn số tiền đó, Ông hồ hởi nói: “Hai năm nay có tiền bán tín chỉ các bon nên bà con cũng đỡ lên nhiều. Số tiền dành dụm được, nhiều gia đình đã đầu tư mua giống bò 3B về nuôi nên thu lãi cũng nhanh và được lắm.”.

Chuyển đổi rừng trồng sang cây bản địa…

Chúng tôi về thôn Tân Tiến, để thăm mô hình rừng cây bản địa của gia đình ông Nguyễn Đức Sự. Ngôi nhà xây kiên cố, khang trang của gia đình ông nằm dưới chân đồi, rợp bóng mát của cây ăn quả.

Cách đây gần chục năm, gia đình ông Sự có gần chục ha rừng trồng keo tràm. Trận bão cuối năm 2008 đã bẻ gãy sạch rừng cây sắp vào kỳ thu hoạch của ông. Sau khi dọn hết rừng, ông Sự tính đến chuyện lâu dài và chuyển hướng tìm các giống cây bản địa như lim, huê, hương giáng, huỵnh, táu…về trồng.

Chúng tôi theo ồng Sự đi ngược con dốc nhỏ nhưng dài phía sau lưng nhà để lên thăm rừng. Từ chân dốc, con đường lên rừng được phát quang, rộng và râm mát dướu tán cây rừng. Những hàng cây bản địa đã vươn lên khép tán, cành ngọn chao qua lại trước gió. Bước đến một hàng cây, ông Sự đưa hai tay đo vòng đường kính một thân cây rồi bảo: ‘Đây là cây lim xanh đã được 17 năm tuổi rồi đó. Hợp đất nên cây phát triển đến như vậy là nhanh. Mình trồng bây giờ thì để lại cho đời sau thôi chứ không thể khai thác non được. Khi đó, rừng sẽ có giá trị nhiều tỷ đồng đấy chứ không phải ít đâu”.

Hết vùng rừng trồng cây bản địa, ông Sự chỉ tay ngược lên đồi bảo: “Trên đó là rừng tự nhiên được gia đình phục hồi và có nhiều cây gỗ lớn và quý”. Ông cũng cho hay, vùng rừng này trước đây là của người khác, nhưng họ làm không bài bản nên rừng chẳng phát triển được. Thấy vậy, ông đã đổi nhiều diện tích đất đồi trồng rừng kinh tế để lấy vùng rừng này rồi “quy hoạch” lại các loại cây và chăm tỉa cho chúng phát triển dần lên.

Ông Nguyễn Đức Sự: 'Trồng rừng bản địa như là của để dành có giá trị cho con cháu mai sau'. Ảnh: T. Đức.

Ông Nguyễn Đức Sự: “Trồng rừng bản địa như là của để dành có giá trị cho con cháu mai sau”. Ảnh: T. Đức.

Đi qua một tảng đá lớn, ông Sự quay lại bảo, trên đó là một quần thể cây táu. Trước, ở đó có cây gỗ táu mẹ, ông ra sức chăm để cây ra hoa, đậu hạt và rụng xuống mọc cây non. Có được cây non nào là ông Sự bứng gốc đi trồng theo hàng lối để dể chăm sóc. Bây giờ, quần thể táu đã có nhiều cây với đủ độ cao thấp khác nhau. Có cây gốc bằng bắp chân người lớn, cây bằng cổ tay, bằng cán cây rựa mà ông cầm trong tay và những cây non vươn lên ngang thắt lưng ông Sự, xòe tán lá nhỏ, xanh biếc.

Hết vạt rừng gỗ táu là đến vạt rừng nhiều cây hỗn giao. Ông Sự chỉ tay vào mấy cây có lá dài nhọn rồi bảo đó là cây sâm cau, một loại dược liệu quý mà ông đang nhân giống thêm ra. “Bên kia là nhóm cây “cỏ máu” tốt cho phụ nữ sau khi sinh con. Ở đây còn có các loại cây dược liệu quý nữa mà tôi đã phát hiện ra và đang nhân giống cho mọc thành vườn rừng thảo dược lớn đấy”- ông Sự nói.

Rừng lên xanh, che phủ được nắng gắt mua nên suối cũng trữ, chảy được nhiều nước. Từ trên đỉnh núi, ông Sự lắp đặt hệ thống ống nhựa dẫn nước về dùng, tưới vườn và cho chảy đầy vào ao cá. Ông cũng cho hay, trước đây suối không có nước đâu. Sau khi rừng lên xanh, cây cối dày lên thì mới có nước dẫn về. Nước theo ống dẫn chảy về đêm ngày. Nhờ vậy mà ao cá nhà ông lúc nào cũng ăm ắp nước, Ông thả cá trắm cỏ, cá trôi…nên khi cần là có thức ăn tươi, ngon quanh năm.

Ông Nguyễn Đức Sự bên gốc cây táu lớn trong rừng tự nhiên được gia đình phục hồi, phát triển. Ảnh: T. Đức.

Ông Nguyễn Đức Sự bên gốc cây táu lớn trong rừng tự nhiên được gia đình phục hồi, phát triển. Ảnh: T. Đức.

Như quy luật tự nhiên, rừng xanh tốt sẽ trữ được nước chảy thành suối. Có nước, cây cối càng phát triển đâm hoa, kết trái. Có hoa rừng, ong lại về làm tổ. Ông Sự lấy ong rừng về chia đàn rồi nuôi mấy chục tổ trong vườn nhà. “Chỉ tính riêng tiền bán mật ong rừng, ong nuôi cũng đủ tiền chi dùng cho cả gia đình hàng ngày. Riêng tiền thu từ bảo vệ rừng thì coi như được đưa vào tiết kiệm”- ông Sự nói vui. Theo gương ông Sự, nhiều hộ gia đình ở Cao Quảng đã dần đưa diện tích rừng trồng nguyên liệu sang trồng các loại cây bản địa quý hiếm và bà con xem đó như khoản tiền tiết kiệm cho con cháu mai sau.

Ngoài diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, người dân xã Cao Quảng còn phát triển 1.200ha rừng nguyên liệu keo tràm và khai thác qua hàng năm. Nhờ vốn rừng, thu nhập của bà con ngày càng cao. Gần 1.000 hộ dân của xã trước đây nghèo khó, nay đã vươn lên chỉ còn lại tỷ lệ 2,7% số hộ nghèo. Thu nhập ổn định, người dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của góp phần đưa xã Cao Quảng cán đích chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2022.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất