| Hotline: 0983.970.780

Từ cái lu đến chuyện dài tài nguyên nước:

Sáng tạo độc đáo những chiếc túi trữ nước ngọt ở Tây Nam bộ

Thứ Hai 15/07/2019 , 17:33 (GMT+7)

Ở vùng nông thôn, người dân có nhiều cách để trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, trong đó dùng túi (ống) ni lông thả xuống ao hồ, kênh mương trữ nước khá hiệu quả mà lại rẻ tiền.

Dùng túi ni lông thả dưới mưa để chứa nước ngọt phục vụ sản xuất rất hiệu quả, dễ làm, rẻ tiền. Ảnh: Lê Hùng.

Mùa khô ở nhiều vùng Tây Nam bộ, mặn xâm nhập, nước ngọt khan hiếm. Dùng lu trữ nước thì tiện lợi nhưng đầu tư cả hệ thống lu chứa khá tốn kém. Từ đó người dân nghĩ ra nhiều cách để trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Biện pháp hay được áp dụng là dùng túi (ống) ni lông thả xuống ao hồ, kênh mương trữ nước khá hiệu quả mà lại rẻ tiền.

Các huyện thuộc vùng U Minh Thượng, gồm: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận (Kiên Giang), sản xuất luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa. Những tháng mùa khô (khoảng từ tháng 12 năm trước đến tháng 7, 8 năm sau), mặn xâm nhập là mùa nuôi tôm. Sống giữa bốn bề kênh rạch, mênh mông nước nhưng người dân ở đây thường bị “khát” do nước ngọt rất khan hiếm. Mỗi lu nước ngọt (khoảng 1 m3) đổi mất vài chục ngàn. Vì vậy, nhà nào cũng phải đầu tư cả chục cái lu xếp quanh nhà, chứa nước mưa để sinh hoạt, ăn uống.

Tuy nhiên, mua lua khá tốn kém, không phải nhà nào cũng có điều kiện. Người dân nghĩ ra cách đơn giản, dễ làm mà lại rẻ tiền, đó là dùng túi ni lông (dạng ống, có bán sẵn ngoài thị trường) cột hai đầu lại để chứa nước. Để cân bằng áp suất, túi không bị bể, họ thả xuống ao, mương bên hông nhà, khi cần thì kéo một đầu lên múc nước ra sử dụng.

Không chỉ chứa nước mưa để ăn uống, họ cũng dùng cách này để chứa nước phục vụ sản xuất. Ông Trần Văn Tặng, ở xã Đông Hòa, huyện An Minh cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha làm tôm - lúa. Đầu vụ nuôi, khi nước mặn chưa vào, muốn nuôi vèo tôm giống trước thường phải kiếm ghe ra cửa biển chở về. Tôi nghĩ ra cách là dùng túi ni lông thả ngay dưới đường mương trong vuông tôm để giữ nước mặn trong suốt mùa mưa. Ruộng vẫn làm lúa bình thường”.

Nhờ dùng túi ni lông thả ngay trong vuông tôm để trữ nước mà ông Tặng có nước mặn để vào tôm giống ngay từ đầu vụ.

Theo ông Tặng, trữ nước bằng túi ni lông khá dễ làm, tương tự như làm túi biogas. Tuy nhiên phải kéo cho thẳng hoặc che chắn để không bị cua, chuột cắn, làm rách sẽ đi hết nước.

Nhớ lại năm 2016, trận hạn mặn lịch sử đã làm cho người dân vùng ĐBSCL điêu đứng, nhất là những vùng ven biển. Năm đó, người dân ở Cù Lao Dày (xã Thanh Bình, Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) bị ảnh hưởng rất nặng nề. Thiếu nước ngọt, nước lại nhiễm mặn khiến hàng ngàn cây sầu riêng, bưởi da xanh đang lúc cho trái bị chết. Cái khó ló cái khôn, nhiều người dân ở đây đã nghĩ ra túi trữ nước ngọt bằng ống ni lông, để dưới mương vườn dùng dần cho vườn cây trái.

Theo ông Điều Hữu Phước, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, thì nguồn nước ngọt ở đây dồi dào quanh năm, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây có múi. Xã Thanh Bình có diện tích trên 2.480 ha, trong đó có gần 1.000 ha đất chuyên trồng sầu riêng, bưởi da xanh. Vào đầu năm 2016, nước mặn xâm nhập đột ngột vào địa bàn xã, khiến cho chính quyền và người dân trở tay không kịp. Nên đã làm cho 170 ha sầu riêng và hàng trăm ha bưởi da xanh bị chết, thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng.

Ông Phước nhớ lại: “Lúc đó nhiều bà con đã dùng túi ni lông trữ nước ngọt, rất hiệu quả. Xã mới để ý cách làm này. Khi nào có mặn xâm nhập chúng tôi sẽ tuyên truyền để bà con thực hiện mô hình này. Túi này bà con để dưới mương được cả năm, trữ nước tốt”.

Sử dụng túi ni lông để chứa nước ngọt, nông dân có nước tưới rau màu khi mặn xâm nhập.

Ông Trần Văn Của là một trong những hộ dân linh hoạt ứng phó thiếu nước ngọt bằng túi ni lông, cho biết: “Khi mặn bắt đầu xâm nhập vào địa phận xã tôi rất lo lắng vì lấy nước ở đâu mà tưới cho vườn sầu riêng. Bí quá tôi thử dùng túi biogas trong chăn nuôi để chứa nước. Không ngờ lại rất hiệu quả”.

Ông Của đi chợ mua một cuộn ni lông với chiều dài khoảng 60m, bề rộng khoảng 1m về kéo dài theo tuyến kênh trong vườn. Sau đó bịt một đầu, còn đầu kia gắn ống mủ để bơm nước ngọt vào lưu trữ và hút trở ra để tưới cho cây khi nguồn nước tại các kênh bị nhiễm mặn.

Với cách làm này không chỉ đủ nước ngọt tưới cho vườn sầu riêng, mà còn có dư nước để ông Của trộn hồ xây dựng nhà. Khi thấy giải pháp ông Của làm có hiệu quả, lại ít tốn kém nên đã có rất nhiều hộ làm vườn ở xã Thanh Bình làm theo.

Sang năm 2017, mặc dù mặn không xâm nhập sâu như năm 2016, nhiều hộ dân cũng chuẩn bị túi ni lông dự trữ nước ngọt. Ông Nguyễn Văn Trong, ở ấp Thanh Khê, xã Thanh Bình vẫn làm cách đó. Ông Bình nói: "Khi đó, mặc dù nguồn nước sông Cổ Chiên thuộc địa phận xã Thanh Bình chưa bị nhiễm mặn và các khoảnh vườn đã được đắp bờ bao khép kín, đặt cống bọng… Nhưng gia đình tôi và các hộ dân ở đây vẫn bơm đầy nước tích trữ trong túi ni lông để chủ động phòng ngừa tình huống xâm nhập mặn bất ngờ xảy ra".

Cùng cách làm dùng túi ni lông chứa nước, mùa khô năm 2019 tại Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang) gần hết số hộ chịu cảnh thiếu nước ngọt. Để tiết kiệm nước ngọt, bà con phải dùng nước nhiễm mặn để rửa chén (bát), giặt giũ sau đó mới dùng nước ngọt giặt, rửa lại. Để có nước sinh hoạt, các hộ dân phải đào hầm dùng túi ni lông để chứa nước. Nhờ vậy, bà con đã vượt qua được mùa khô, thiếu nước.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.