Dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và luật viên chức đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến nhân dân, đã nhận được rất nhiều góp ý. Đa số ý kiến tán thành việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm thời kỳ đương nhiệm.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, lại có một số ý kiến cho rằng việc xử lý kỷ luật những cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm khi đương chức chỉ nên dừng ở mức xử lý đối với những người có cương vị nhất định mà không quy định chung, cụ thể là chỉ xử lý đến cấp thứ trưởng hoặc tương đương ở trung ương, phó chủ tịch UBND tỉnh hoặc tương đương ở địa phương.
Những ý kiến đó đã khiến dư luận ngạc nhiên và bất bình. Hiến pháp quy định “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai, dù giữ chức vụ gì, một khi đã vi phạm pháp luật hay kỷ luật, gây tổn hại cho đất nước, cho xã hội, thì đều bị xử lý, nặng hay nhẹ là tùy theo mức độ vi phạm. Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đã hơn một lần khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta là “chống tham nhũng không có vùng cấm”. Nói, và làm, việc xử lý kỷ luật và khởi tố, truy tố, kết án nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng là một ví dụ điển hình: Ông Đinh La Thăng, thời kỳ làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đã có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây tổn hại cho nền kinh tế. Cho đến khi ông đã chuyển công tác khác, vụ việc mới bị phát hiện, và ông đã không thoát khỏi “lưới trời lồng lộng”.
Tại sao lại giới hạn việc xử lý chỉ đến cấp thứ trưởng và tương đương ở trung ương, phó chủ tịch UBND tỉnh và tương đương ở địa phương? Thế còn cấp cao hơn thứ trưởng, cao hơn phó chủ tịch tỉnh, thì sao? Chẳng lẽ họ là những người được quyền đứng trên luật pháp? Nếu làm thế, khác nào tự dưng một vùng cấm, tự trói tay mình trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng? Nếu làm thế, thì khác nào khuyến khích việc vi phạm pháp luật và tham nhũng.
Một xã hội thượng tôn pháp luật là một xã hội mà mọi người, mọi hành vi đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật, cán bộ có chức vụ càng cao, càng phải liêm khiết, càng phải nêu gương. Không chỉ thế, mà những người đứng đầu (có cương vị, chức vụ cao hơn thứ trưởng, phó chủ tịch UBND tỉnh) còn phải chịu trách nhiệm vì đã để cấp dưới của mình vi phạm pháp luật, bởi vì “tội quy vu trưởng”.
Chính vì vậy mà dứt khoát không thể chấp nhận việc tự dựng nên vùng cấm trong phòng chống tham nhũng. Đã vi phạm, thì không một ai có thể “hạ cánh an toàn”.