Sau hơn 2,5 năm tiếp nhận dự án, dưới sự điều hành của Tập đoàn Đèo Cả, đến nay, những kilomet đường cao tốc cuối cùng đang được thảm nhựa, hệ thống an toàn giao thông, điện chiếu sáng, … cũng đang được các nhà thầu gấp rút thi công.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhận được sự ủng hộ của nhân dân, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và tỉnh Tiền Giang kịp thời tháo giỡ các khó khăn vướng mắc. Cùng với đó, hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang nỗ lực ngày đêm vì mục tiêu đưa dự án vào phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần 2022.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hệ thống giao thông vận tải bị kéo dài do nền đất lún, thực hiện giãn cách xã hội cũng gây khó khăn cho tập kết vật tư nguyên vật liệu…Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các doanh nghiệp tham gia dự án cũng phấn đấu vượt qua khó khăn.
Đến nay, tiến độ dự án đã đạt khoảng 85%. Trong đó, các hệ thống đảm bảo như lát nhựa mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống giao thông thông minh, 56/57 cây cầu vượt trên tuyến đã hoàn thành, hệ thống đường gom, đường dân sinh… cơ bản đã hoàn thành. Dự kiến 18/1/2022, dự án sẽ cho thông xe kỹ thuật tạo điều kiện cho nhân dân di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới trong một thời gian nhất định. Sau đó, tập trung hoàn chỉnh các hạng mục còn lại.
Đối với thời hạn hoàn thành dự án, UBND tỉnh Tiền Giang trên cơ sở xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định gia hạn đến ngày 30/3/2022. Từ đây đến khoảng thời gian đó, cũng còn một số công việc phải làm như: láng mặt nhựa những đoạn đường còn lại; hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh, cầu vượt; đường gom…
Còn vướng trạm thu phí
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết: Đến nay, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về đề án thu phí tuyến cao tốc TPHCM- Trung Lương chưa được phê duyệt. Vì vậy, việc thu phí hoàn vốn đầu tư cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận khi hoàn thành và đưa vào khai thác trong quí I/2022 sẽ không thực hiện được và còn chậm trễ kéo dài cho đến khi kết nối được với hệ thống thu phí tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Doanh nghiệp dự án đề xuất 2 phương án, cụ thể: Phương án 1 là sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng và thay mới hệ thống thiết bị thu phí các trạm thu phí của tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương để thực hiện chức năng kiểm soát đầu vào (hướng TPHCM đi Mỹ Thuận) và đầu ra (hướng Mỹ Thuận đi TPHCM) theo nguyên tắc chỉ thu phí các phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từ điểm đầu là nút giao Thân Cửu Nghĩa đến điểm cuối là nút giao An Thái Trung và ngược lại); không thu phí các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương (từ trạm Chợ Đệm đến điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là nút giao Thân Cửu Nghĩa và ngược lại). Với phương án này không cần giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư 160 tỷ đồng, thời gian thực hiện khoảng 7 tháng.
Phương án 2 là xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến chính tại Km51+940, với phương án này cần phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư khoảng 140 tỷ đồng, thời gian triển khai và thi công kéo dài (13 tháng) dẫn đến việc chậm đưa vào thu phí hoàn vốn khoảng 6 tháng, phát sinh phí lãi vay so với phương án 1 khoảng 396 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khi cao tốc TPHCM - Trung Lương cho phép thu phí trở lại, hệ thống trạm thu phí đặt trên tuyến chính không tận dụng được sẽ gây lãng phí. Vì vậy, doanh nghiệp dự án kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần có phương án xử lý dứt điểm đối với vấn đề này để không làm ảnh hưởng đến việc đưa Dự án vào vận hành, khai thác, phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Đông khẳng định việc vướng trạm phí không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án. Doanh nghiệp trên tinh thần gấp rút hoàn thành dự án này để phục vụ nhân dân.