| Hotline: 0983.970.780

Sắp xếp đơn vị hành chính ở Yên Bái: [Bài 1] Lắng nghe ý kiến người dân để đặt tên xã mới

Thứ Ba 02/07/2024 , 06:30 (GMT+7)

Nhân dân các xã băn khoăn, tiếc nuối khi sáp nhập xã mà không còn giữ được tên xã cũ, nơi gia đình mình đã sinh sống qua nhiều thế hệ...

LTS: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, phù hợp xu hướng phát triển. Tỉnh Yên Bái đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện bài bản, khoa học, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao.

Huyện Trấn Yên có 5 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Thanh Tiến.

Huyện Trấn Yên có 5 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: Thanh Tiến.

5/6 xã có tỷ lệ cử tri đồng thuận đạt 100%

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, từ tháng 7 năm 2023, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện rà soát các tiêu chí đề xuất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Căn cứ vào các tiêu chí, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, huyện Trấn Yên có 5 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp theo quy định. Cụ thể sáp nhập xã Đào Thịnh với xã Việt Thành; sáp nhập xã Nga Quán với xã Cường Thịnh; nhập xã Bảo Hưng vào xã Minh Quân (xã Minh Quân là xã không thuộc diện phải sắp xếp nhưng có vị trí liền kề với xã Bảo Hưng).

Ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết, công tác triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của huyện được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, khách quan. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Qua kết quả cuối cùng lấy ý kiến cho thấy cử tri đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, có 5/6 xã có cử tri đồng ý đạt tỷ lệ 100%; 1 xã đạt tỷ lệ đồng ý trên 65%; 100% đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Việc lấy ý kiến của người dân được thực hiện dân chủ, lắng nghe nguyện vọng của bà con. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc lấy ý kiến của người dân được thực hiện dân chủ, lắng nghe nguyện vọng của bà con. Ảnh: Thanh Tiến.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cũng gặp một số khó khăn. Điển hình như trong việc sắp xếp đã tính đến các yếu tố khác nhau về lịch sử - truyền thống, địa lý - tự nhiên, xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị… nhưng vẫn có những tác động tiêu cực nhất định đến hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trong đó, một bộ phận nhân dân các xã băn khoăn, tiếc nuối khi sáp nhập xã mà không còn giữ được tên xã cũ, nơi gia đình mình đã sinh sống qua nhiều thế hệ. Lo lắng ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ tùy thân khi chuyển tên đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới. Đặc biệt là một số cán bộ, đảng viên và nhân dân ở hai xã Việt Thành và Đào Thịnh do chưa nhận thức rõ về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính nên đã e ngại, lo lắng khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống sau này…

Đặt tên mới để người dân hài lòng

Xã Việt Thành thuộc khu vực miền núi, có diện tích tự nhiên 14,33 km2, quy mô dân số: 3.102 người; xã Đào Thịnh nằm liền kề có diện tích tự nhiên 13,44 km2, quy mô dân số 3.095 người.

Cả 2 xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại phân loại đơn vị đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuộc diện phải sắp xếp.

Việc đặt tên xã mới dựa trên tâm tư, nguyện vọng của đại bộ phận người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc đặt tên xã mới dựa trên tâm tư, nguyện vọng của đại bộ phận người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Thống nhất quan điểm không nóng vội, chủ quan, áp đặt và phải tuyệt đối tôn trọng ý kiến cử tri và nhân dân, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các xã phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư một cách dân chủ, thảo luận cởi mở. Đồng thời tham khảo ý kiến các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan để thống nhất lấy tên chung đảm bảo hài hòa, đồng thuận cao.

Vị trí địa lý 2 đơn vị liền kề, có tuyến giao thông tỉnh lộ 163 đường Yên Bái - Khe Sang kết nối giữa 2 xã, khoảng cách từ UBND xã Đào Thịnh đến UBND xã Việt Thành là 2 km thuận tiện cho việc đi lại của người dân sau khi sắp xếp.

Sau khi sáp nhập 2 xã sẽ giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Việc điều chỉnh, sắp xếp là cần thiết để mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền hiện hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với khu vực đang trong quá trình đô thị hóa cao, tạo điều kiện để mở rộng không gian phát triển.

Việc lực chọn tên sau sắp xếp gặp khó khăn, bởi cả 2 xã Việt Thành và Đào Thịnh đều là đơn vị hành chính loại III, có diện tích tự nhiên và dân số tương đương nhau, không có sự chênh lệch lớn, các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương cũng tương đồng nhau. Do đó trong dự thảo ban đầu, huyện khuyến khích lấy tên 1 trong 2 tên xã nhằm giảm một nửa người dân phải thay đổi, điều chỉnh các loại giấy tờ. Tuy nhiên người dân cả 2 xã đều không đồng thuận.

Ngay sau khi nắm được tâm tư, nguyện vọng phát sinh liên quan đến dự thảo Đề án, huyện Trấn Yên đã thành lập các Tổ công tác để làm việc, nắm tình hình và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân và người có uy tín ở địa phương...

Xã Đào Thịnh sẽ được sáp nhập với xã Việt Thành, lấy tên gọi mới là 'Thành Thịnh'. Ảnh: Thanh Tiến.

Xã Đào Thịnh sẽ được sáp nhập với xã Việt Thành, lấy tên gọi mới là "Thành Thịnh". Ảnh: Thanh Tiến.

Ngày 2/4/2024, các tổ công tác của huyện đã thực hiện lấy ý kiến cử tri tại xã Đào Thịnh và xã Việt Thành. Hình thức lấy ý kiến được tiến hành bằng việc phát phiếu tại hộ gia đình. Theo đó, mọi người dân đều có quyền thể hiện ý kiến của mình bằng việc tự đánh dấu và nêu ý kiến trong phiếu của mình.

Ông Nguyễn Quốc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành cho biết, sau khi được bàn bạc, lấy ý kiến công khai, dân chủ, người dân trong xã đã đồng thuận 100% với tên gọi mới sau khi sáp nhập 2 xã là “Thành Thịnh”. Những băn khoăn của người dân về việc sửa đổi giấy tờ cá nhân theo tên xã mới sẽ được địa phương phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thực hiện nhanh gọn, kịp thời và không thu phí của người dân.

Ông Vũ Xuân Nghiêm, 74 tuổi ở thôn 4, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi rất băn khoăn về những vấn đề sau sáp nhập như đổi tên xã, thay đổi thủ tục giấy tờ cá nhân, thay đổi trụ sở làm việc... Sau khi được lấy ý kiến, bàn bạc dân chủ, chúng tôi cũng thống nhất bởi tên gọi mới vẫn giữ được 1 chữ trong tên xã cũ, thể hiện được sự hòa nhập đoàn kết.".

Sắp khi sắp xếp, đơn vị hành chính mới cần sự đồng lòng đoàn kết của người dân để tiếp tục xây dựng các tiêu chí NTM. Ảnh: Thanh Tiến.

Sắp khi sắp xếp, đơn vị hành chính mới cần sự đồng lòng đoàn kết của người dân để tiếp tục xây dựng các tiêu chí NTM. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau khi nhận được sự đồng thuận từ người dân của 2 xã Đào Thịnh và Việt Thành với tên gọi mới là “Thành Thịnh”, căn cứ vào kết quả lấy ý kiến cử tri các xã trong diện sắp xếp đã tiến hành lập hồ sơ trình HĐND xã để thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Trên cơ sở hồ sơ do các xã đề nghị, UBND huyện đã hoàn thiện Đề án báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tại 6 xã của huyện.

Đến ngày 4/4/2024, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Sau khi kết thúc quy trình thực hiện theo quy định, UBND huyện đã hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, trình UBND tỉnh Yên Bái và các cấp có thẩm quyền. 

Xem thêm
Nước lũ lên cao, đê bao ở Đồng Tháp vẫn vững vàng

Đồng Tháp Hiện nay mực nước ở đầu nguồn Mekong lên cao hơn cùng kỳ năm 2023, khoảng từ 0,1-0,6m, tuy nhiên các tuyến bờ bao đều an toàn, khả năng đảm bảo kiểm soát lũ tốt.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sinh viên Bình Phước sẽ học đại học ngay tại tỉnh nhà

Bắt đầu từ năm học 2025 trở đi, sinh viên cao đẳng, đại học có hộ khẩu tại tỉnh Bình Phước sẽ không phải đi học xa, mà học ngay tại tỉnh nhà.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà [Bài 4]: Mỗi năm hơn 10.000 tấn cá ‘bơi’ đi đâu?

Vùng hồ Hòa Bình hiện có gần 5.000 lồng nuôi cá; sản lượng hơn 10.000 tấn/năm. Dù đã có thương hiệu nhưng cá sông Đà vẫn loay hoay 'tự bơi' tìm người tiêu dùng...

Bình luận mới nhất