Mở đường kết nối 2 đơn vị sáp nhập
Giai đoạn 2023-2025 thành phố Yên Bái có 2 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là phường Hồng Hà và xã Tuy Lộc.
Cụ thể, phường Hồng Hà thuộc khu vực miền núi có diện tích tự nhiên 1,09 km2, quy mô dân số 9.058 người, nằm liền kề với phường Nguyễn Phúc. Sau khi sáp nhập sẽ lấy tên gọi phường Hồng Hà, có diện tích tự nhiên 2,51 km2, quy mô dân số 16.866 người.
Xã Tuy Lộc có diện tích tự nhiên 5,84 km2, quy mô dân số 4.814 người, thuộc diện sắp xếp lại bởi đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Xã Tuy Lộc được sáp nhập vào phường Nam Cường, lấy tên gọi là phường Nam Cường.
Ông Nguyễn Duy Trinh, một người dân sống lâu năm ở thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc giãi bày: “ông đã sống ở đây hơn 30 năm, trước đây trụ sở UBND xã chỉ cách nhà ông khoảng 1 km, đến năm 2015, đã chuyển toàn bộ trụ sở xã đến vị trí mới để xây dựng khang trang, rộng rãi hơn cách nhà tôi hơn 2,5 km. Mỗi khi cần thực hiện các thủ tục hành chính cho các con đi học, đi làm đều đến trụ sở xã để giao dịch rất thuận tiện.
Thời gian tới xã Tuy Lộc sáp nhập với phường Nam Cường và chuyển về vị trí trụ sở làm việc mới. Vị trí này cách nhà ông hơn 5 km, tuyến đường đến trụ sở phường Nam Cường phải đi vòng qua một đoạn đường bê tông nhỏ hẹp thuộc phường Nguyễn Phúc nên khá bất tiện khi có việc cần làm giấy tờ. Ông mong muốn, nhà nước sẽ sớm đầu tư nối các thôn ở khu vực trung tâm xã với trụ sở mới để thuận tiện cho bà con đi lại.
Căn cứ phương án đã được phê duyệt, UBND thành phố Yên Bái đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và triển khai hướng dẫn 4 xã, phường thuộc diện sắp xếp thực hiện các bước lập danh sách cử tri; niêm yết danh sách cử tri và Đề án tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, trụ sở UBND các xã, phường.
Kết quả lấy ý kiến cử tri tại 4 xã, phường này đều đạt tỷ lệ đồng thuận cao. Trong đó phường Nam Cường tỷ lệ cử tri đồng ý đạt 100%; phường Nguyễn Phúc đạt 99,55%, phường Hồng Hà đạt 99,52% và xã Tuy Lộc đạt 96,51%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cho biết, Tuy Lộc là xã đầu tiên của tỉnh Yên Bái được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015, đến năm 2020 đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện toàn xã có hơn 1.300 hộ dân với hơn 4.600 nhân khẩu.
Cũng giống như ý kiến của nhiều người dân, điều băn khoăn nhất của cán bộ, công chức xã sau khi sáp nhập là hệ thống giao thông ở xã đến trụ sở mới chưa được thuận tiện, chưa có hệ thống giao thông chính kết nối. Nhằm giải quyết tình trạng này, thành phố Yên Bái có chủ trương sẽ xây dựng một tuyến đường mới để liên kết các địa bàn dân cư với khu vực trung tâm đơn vị hành chính mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vì vậy nhân dân yên tâm và nhất trí với chủ trương này.
Cần kiện toàn, ổn định ngay tổ chức bộ máy
Ngày 26/3/2024, HĐND thành phố Yên Bái tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua tờ trình tán thành chủ trương sáp nhập phường Hồng Hà với phường Nguyễn Phúc thành phường Hồng Hà; nhập xã Tuy Lộc với phường Nam Cường thành phường Nam Cường. Theo đó, 100% đại biểu HĐND thành phố đã nhất trí thông qua nghị quyết.
Bà Phùng Thị Thanh Vân, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Phúc thông tin, sau khi sáp nhập phường Hồng Hà mới sẽ có diện tích tự nhiên 2,51 km2, quy mô dân số gần 17.000 người. Sau khi sáp nhập sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng nhất định đến hoạt động quản lý nhà nước; gây xáo trộn cho người dân và doanh nghiệp do phải chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới.
Thành phố Yên Bái có 15 xã, phường, giai đoạn này, thực hiện sắp xếp 4 đơn vị hành chính, như vậy sẽ giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương giảm hơn 40 cán bộ, công chức, người lao động động bán chuyên trách. Điều này sẽ làm tinh gọn bộ máy, giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước.
Hơn nữa, về cơ bản sau sáp nhập, phường mới sẽ tăng cả về dân số, diện tích tự nhiên nên số lượng công việc nhiều hơn, yêu cầu nhiệm vụ cao hơn. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác do sự khác biệt về phong tục tập quán, lối sống, hình thức sinh hoạt của người dân trong mỗi tổ dân phố; địa bàn quản lý rộng trong khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trụ sở làm việc mới chưa đủ đáp ứng…
“Vì vậy, cần kiện toàn, ổn định ngay bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm hoạt động sớm nhất; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sáp nhập”, bà Phùng Thị Thanh Vân nói.
Giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho người dân
Hiện nay thành phố Yên Bái đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Yên Bái xem xét, thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ngày 19/4/2024 HĐND tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành Nghị quyết số 12 tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Yên Bái.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho rằng, chủ trương mục đích của việc sắp xếp không phải là giảm bớt đơn vị hành chính mà là tinh gọn bộ máy phù hợp để phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội tốt hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục làm việc ở các đơn vị hành chính mới, sau sắp xếp sẽ được bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ để phù hợp với vị trí mới có khối lượng công việc lớn hơn, tầm quản trị rộng hơn.
Hiện nay, thành phố Yên Bái đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, tổ chức cho chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính mới sau sáp nhập để nhanh chóng hoạt động ổn định.
Thực hiện giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư đảm bảo kịp thời, đầy đủ.
Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành chính quyền điện tử, chính quyền thông minh nhằm cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện cho công dân, tổ chức.
Các cơ quan liên quan hướng dẫn, thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định.
Tận dụng tối đa cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính, có giải pháp xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước. Xử lý tài sản công, cơ sở vật chất dôi dư tại các xã sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đúng mục đích.