Mường Lát là huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và cũng nằm trong nhóm huyện nghèo nhất cả nước. Bên cạnh lý do địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu có nhiều khác biệt, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội vùng biên, thì một số tập tục lạc hậu nơi đây trở thành rào cản khiến thời gian dài người dân sống trong u mê, nghèo đói.
Một người chết, cả làng ngửi mùi thối
Ông Lầu Minh Pó gốc người Mông. Ông Pó là nguyên Phó Bí thư huyện ủy Mường Lát, cũng là một trong số ít người Mông có chức sắc trong dòng họ nói riêng, cộng đồng người Mông tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) nói chung. Theo ông Pó, cách đây khá lâu, người Mông di cư từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào huyện Mường Lát sinh sống, lập nghiệp và hình thành cộng đồng dân cư đông đảo cho tới bây giờ.
“Theo lời kể của các cụ cao niên, người Mông xưa kia chạy loạn từ phương Bắc sang các tỉnh biên giới phía Bắc và đổ bộ vào Mường Lát. Do bị xua đuổi nên họ men theo đường núi hiểm trở rồi chọn khu đất cao để trú ẩn. Hễ khi nào nhìn thấy cái mó nước nhỏ bằng dây nỏ thì họ dừng lại, san đất dựng nhà, phát rừng làm rẫy… Có thời gian dài người Mông sống ẩn mình với phần còn lại trên các dãy núi cao”, ông Pó chia sẻ.
Đặc điểm của người Mông là di cư, bởi vậy khi làm xong một vài mùa rẫy, đất bạc màu họ lại đi khai mở vùng đất mới. Bởi vậy, một thời gian dài, rừng tự nhiên ở Mường Lát bị người dân phá nhiều để lấy đất làm rẫy. Nguyên nhân một phần cũng do quỹ đất sản xuất hạn chế, việc giao đất lâm nghiệp chưa được thực hiện kịp thời.
Dù là người Mông nhưng ông Pó không ngại khi kể về một số “tật xấu” của đồng bào, mà ngay chính bản thân ông cũng cảm thấy rùng mình khi nhớ lại. Theo ông Pó, hủ tục chôn cất người chết của người Mông tồn tại suốt thời gian dài, khiến họ trong lạc hậu, sùng tín, nghèo đói.
“Ngày xưa người Mông vẫn có tục đưa người chết vào quan tài rồi đem đi chôn cất. Tuy nhiên, quá trình di cư, lánh nạn, người ta dùng cáng để khiêng người chết (khiêng quan tài rất nặng) đưa tới nơi chôn mới bỏ vào quan tài để đỡ tốn sức. Nhiều người Mông cho rằng, đây là tập quán, nên thế hệ này sang thế hệ khác đều bắt chước làm theo”, ông Pó kể.
Ông Pó kể tiếp, trước đây, khi gia đình người Mông có người qua đời, thi thể sẽ được treo trong nhà, từ 5-7 ngày. Nam giới thì chôn vào ngày lẻ, nữ giới chọn ngày chẵn. Việc chôn cất phải chọn ngày giờ đẹp, không được trùng với ngày tổ tiên hoặc người thân gia đình mất trước đó.
Họ cứ treo thi thể trong nhà để chờ ngày đẹp mới chôn. Có thi thể mặt biến dạng, cơ thể bốc mùi, bắt đầu phân hủy, rỉ nước mà gia đình vẫn chưa đem đi chôn. Thi thể người quá cố không được cho vào quan tài mà được đặt trên cáng đưa ra nghĩa địa mới đặt vào quan tài trong huyệt.
Bên ngoài đám tang, người ta mổ trâu, bò mời anh em họ hàng, làng xóm ăn uống no nê. Có đám tang phải thịt tới dăm bảy con bò, sau khi xong việc, gia chủ nợ đầm đìa vì đi vay nợ để lo hậu sự cho người chết. Nhiều người dân trong bản bỏ bê cả việc nương rẫy để phục vụ và ăn uống tại đám tang. Người chết sau 13 ngày thì gia đình tổ chức lễ đưa vía về nhà. Đến 2-3 năm sau họ làm giỗ cho người chết và chỉ làm duy nhất 1 lần.
"Người Mông quan niệm đó là tập tục truyền thống nên nhất quyết không chịu bỏ. Có nhiều đám tang, một người chết trong bản mà gây thối cả làng, sợ lắm! Người nào sức khỏe kém, hoặc yếu bóng vía có khi về phát bệnh hoặc ám ảnh cả đời", ông Pó kể.
Đưa người chết vào quan tài, không còn lời nguyền ma bắt
Đưa người chết vào quan tài thể hiện nếp sống văn minh của xã hội, thế nhưng thay đổi tư tưởng đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người Mông không hề đơn giản. Theo ông Pó, hủ tục ma chay tốn kém, dị thường, là nguyên nhân không nhỏ khiến đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Mông suốt một thời gian dài chìm trong cảnh khốn khó, nghèo đói.
Chả nói đâu xa, gia đình ông Pó cũng vậy. Năm 2013, dòng họ nhà ông Pó có người mất (em trai ông nội). Ông Pó khi ấy là Trưởng ban Tổ chức huyện ủy Mường Lát. Chức danh ấy giúp ông Pó có tiếng nói với gia đình, dòng họ. Ngày ấy, ông Pó được phân công chuẩn bị hậu sự cho người thân và đón khách đến viếng.
Từng chứng kiến cảnh rùng rợn về việc người Mông để xác chết thối rữa trong nhà, lần này, ông Pó nhất quyết đưa người thân đã mất vào quan tài trước khi đi chôn. Quan điểm ấy được lớp trẻ trong dòng họ ủng hộ nhưng các cụ cao niên lại cương quyết phản đối.
“Chỉ mỗi việc bỏ người chết vào quan tài trước khi đi chôn mà hai bố con tôi cãi nhau đến căng thẳng. Các cụ cho rằng, đưa vào quan tài không đúng với tập quán của người Mông. Đưa người chết vào quan tài thì người sống làm thịt gà, thịt lợn cúng tế, các cụ không ăn được, trở thành ma đói", ông Pó nhớ lại.
Cương quyết bảo vệ bằng được quan điểm của mình, ông Pó cùng một số anh em dòng họ có tư tưởng tiến bộ đang công tác tại cơ quan nhà nước tổ chức họp bàn rồi thống nhất quan điểm: “Nếu ai trong gia đình không đồng ý đưa người chết vào quan tài thì không cho đến đám tang”.
Dù đi ngược quan điểm của các cụ cao niên trong dòng họ, nhưng ông Pó cho rằng, quyết định của mình là đúng đắn: “Mình là cán bộ, đi tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước mà không thực hiện việc tang văn minh thì nói ai nghe? Chỉ có lớp trẻ trong gia đình là ủng hộ quan điểm của tôi vì chúng được ăn học, đi ra ngoài đời va chạm với xã hội văn minh".
Trước thái độ cương quyết của ông Pó, các cụ trong dòng họ cũng đành xuôi theo ý ông nhưng vẫn buông lời quở trách: “Sau 3 tháng, cụ về sẽ đưa thằng Pó đi theo. Pó làm như vậy thì cả Pó và gia đình sẽ bị ốm đau suốt đời, đời này, kiếp này làm ăn không khấm khá được”. Ông Pó nghe xong chỉ cười trừ rồi tự động viên mình: "Đưa cụ vào quan tài vừa sạch sẽ, vừa văn minh, nên cụ chắc cũng đồng tình".
3 tháng sau khi người trong dòng họ ông Pó được chôn cất tử tế, “lời nguyền” ông Pó bị “ma bắt” cũng dần bị lãng quên. Ông Pó vẫn sống khỏe mạnh đến nay: "Cũng may sau sự việc đó, mình không mệnh hệ gì, chứ nếu xảy ra chuyện gì họ lại nghĩ mình bị ma ám...", ông Pó cười.
Chuyện của ông Pó được xem là khởi đầu cho "cuộc cách mạng" tư tưởng, chấm dứt hủ tục của người Mông trong việc chôn cất người chết và bắt đầu cho sự đổi thay về mặt chính sách trong thực hiện nếp sống văn hóa tang ma của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên.
Giờ đây 100% bản Mông ở Mường Lát đã đưa việc thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản; 100% đám tang đều đưa người chết vào quan tài; trong đám tang không bắt mổ nhiều gia súc, gia cầm, không ăn uống kéo dài nhiều ngày gây lãng phí, tốn kém.