Tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, nhiều đoạn kè bê tông bị sóng biển đánh vỡ, lộ thép bên trong, nằm ngổn ngang ven bờ, sóng biển xâm thực ăn sâu vào đất liền cả chục mét, bờ biển có nguy cơ tiếp tục sạt lở nếu không kịp thời khắc phục.
Cần sớm khắc phục tình trạng xâm thực bờ biển tại Thanh Hóa
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, ảnh hưởng của triều cường, sóng to với tần suất nhiều, khu vực bờ biển thôn Văn Phong và thôn Đại Trường, N, Thanh Hóa bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là đoạn bờ biển từ Dự án du lịch của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Biển Hải Tiến 126 đến Kênh Phúc Ngư, có chiều dài khoảng 1.600m bị sạt lở trầm trọng khiến người dân sống gần khu vực này bất an, lo lắng.
Phỏng vấn anh Trương Đình Chiến, người dân xã Hoằng Trường:
“Người dân và lao động sống và làm việc tại đây rất lo lắng mỗi khi mưa bão, nước biển xâm lấn sâu vào bờ. Tình trạng sạt lở bờ biển tại huyện Hoằng Hóa đã xảy ra khá lâu, nếu không có biện pháp khắc phục sẽ gây nguy hiểm cho bà con. Chúng tôi mong muốn nhà nước sớm đầu tư tuyến đê để ngăn chặn nước biển xâm lấn”.
Tại hiện trường, nhiều đoạn kè bê tông bị sóng biển đánh vỡ, trơ thép bên trong nằm ngổn ngang ven bờ. Nhiều vị trí dọc tuyến biển bị sạt lở ăn sâu vào đất liền cả chục mét, Nước biển xâm thực khiến 0,38 ha đất bị cuốn trôi ra biển, điểm xâm thực sâu nhất khoảng 30m. Diện tích đất và cây phi lao trồng phòng chống cũng đã bị "nuốt chửng" chỉ còn gốc và tiếp tục nguy cơ sạt lở nếu không được khắc phục.
Phỏng vấn ông Lê Thanh Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường:
“Bờ biển Hoằng Trường bị xâm thực đã diễn ra cách đây vài năm. Đặc biệt cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2024, hiện tượng xâm thực diễn ra bất thường. Khu vực chưa có bờ kè, biển xâm thực vào 2-3, đặc biệt có những chỗ lên tới 30m. Các hộ dân sống sâu khu vực bên trong, hiện tại chưa có ảnh hưởng tới bà con trong khu dân cư”.
Trước thực trạng nước biển xâm thực, để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hoằng Trường theo dõi chặt chẽ và có biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng xói lở, xâm thực…
Phỏng vấn ông Lê Bá Quyết - Phó phòng NN-PTNT huyện Hoằng Hóa:
Trước mắt chúng tôi đã giao cho chính quyền địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn theo phương châm 4 tại chỗ, để tránh xảy ra rủi ro không đáng có. Dùng các biện pháp cọc tre, bao tải, gia cố tạm thời, báo cáo tỉnh kè lại tuyến đê đảm bảo ổn định đời sống người dân.
Nắm bắt tình hình, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, phải trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ huyện Hoằng Hóa triển khai thực hiện các phương án “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nước biển xâm thực. Sớm công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
Đồng thời từ nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh, hỗ trợ huyện Hoằng Hóa triển khai ngay công trình khẩn cấp thi công toàn tuyến, điểm đầu tại xã Hoằng Phụ đến điểm cuối cống Phúc Ngư, xã Hoằng Trường, dài 3km. Việc triển khai dự án phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết; công trình thi công đảm bảo chất lượng, mỹ quan và thời gian ngắn nhất.