| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở bờ sông uy hiếp nhiều nhà dân

Thứ Sáu 13/07/2012 , 15:00 (GMT+7)

Mấy ngày qua, người dân tổ 38, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội sống trong lo sợ vì sạt lở bờ sông đe dọa tính mạng, tài sản của mình.

Mấy ngày qua, người dân khu vực ngã ba sông Hồng và sông Đuống (thuộc tổ 38, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) sống trong lo sợ vì sạt lở bờ sông đe dọa tính mạng, tài sản của mình.

Vợ chồng anh Nguyễn Bá Dũng số nhà 545, ngõ 405, tổ 38 Phường Ngọc Thụy sống trong căn nhà đã có 4 đời nối tiếp nhau, chứng kiến nhiều lần nước sông Hồng dâng lên và xảy ra sạt lở. Tuy nhiên, lần sạt lở này được xem là có phạm vi ảnh hưởng lớn nhất bởi nguy cơ hà bá sẽ nuốt chửng toàn bộ đất và nhà ở của gia đình anh.



Nhiều cây cối, vườn tược, đất đai bị hà bá kéo ra sông Hồng

Theo chỉ đạo của phường Ngọc Thụy thì gia đình anh Dũng cần phối hợp chặt chẽ với phía chính quyền để thực hiện phương án di dời người và tài sản, đồng thời tiến hành việc gia cố điểm sạt lở, chờ cấp trên thực hiện việc làm kè đối với dọc tuyến đê. Trước mắt, khu nhà bếp của anh Dũng sẽ được “niêm phong” lại vì một phần móng của nhà đã bị hà bá nuốt chửng, kéo toàn bộ đất, đá ra sông.

Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Dũng, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Đức Phương đã phải di chuyển vợ và con nhỏ về nhà bà ngoại để “lánh nạn” tránh các tình huống xấu có thể xảy ra. Hiện các gia đình đang đóng các loại cọc tre và bao tải đựng cát phủ lên nhằm giảm sự sụt lún nhưng xem ra giải pháp này chỉ là tạm thời trong một vài ngày tới. Nếu không có sự vào cuộc của các ngành cấp trên thì điểm sạt lở rất có thể xảy ra trên phạm vị sâu và rộng hơn.


GĐ anh Dũng dùng cọc tre và bao tải cát gia cố tạm thời điểm sạt lở

Theo ông Nguyễn Hữu Truyền- tổ trưởng dân phố ở đây cho hay: “Sạt lở đã kéo nhiều đất đá, cây cối của một số hộ gia đình ra sông. Riêng nhà anh Dũng thì một phần của nhà bếp, và toàn bộ chuồng trại chăn nuôi đều đã bị đổ sập xuống. Cuộc sống của các gia đình hiện đang bị đảo lộn và gặp khó khăn”.

Kiểm tra tại hiện trường vào sáng 11/7, lãnh đạo phường Ngọc Thụy cho hay dọc tuyến đê có khoảng 5km đang bị uy hiếp thì điểm sạt lở này có chiều dài 300m và chiều rộng từ nhà anh Dũng ra sông là 22m. Điểm sạt lở được coi là rất nguy hiểm vì toàn bộ khu vực không phải là mái đê thoai thoải mà hiện nó đang được dựng đứng lên, phía trên là vườn tược, cây cối, nhà ở của khu dân cư, phía dưới là dòng nước sông Hồng chảy cuồn cuộn như muốn kéo theo toàn bộ khu vực này ra sông bất kể lúc nào.


Một phần móng nhà bị hà bá lôi cuốn ra sông Hồng

Trong khi hàng chục hộ gia đình đang sống trong cảnh thắc thỏm đầy lo âu vì sự cố sạt lở đê thì ở trên dòng sông này, cách đó không xa hàng chục tàu thuyền đang rầm rập thi nhau hút cát. Theo phản ánh của nhân dân thì việc hút cát của các tàu lớn này được bắt đầu lúc 3h sáng và kết thúc lúc 17h. Cứ thế hàng trăm lượt tàu thuyền thi nhau dày xéo khúc sông này để lấy cát. Người ta không biết rằng, việc hút cát này là một trong những tác nhân làm cản trở, thay đổi dòng chảy và tạo ra sự sụt lún ở phía thân đê uy hiếp tính mạng, tài sản của các hộ gia đình sống trên bờ sông.


Lãnh đạo Q. Long Biên đứng từ điểm sạt lở nhìn ra những con tàu đang hùng hục thi nhau hút cát trên sông


Những con tàu chở đầy cát trắng lũ lượt kéo nhau về bãi tập kết

Thực trạng hút cát cả ngày đêm với hàng trăm lượt tàu thuyền trên sông như ở đây và sự cố sạt lở bờ đê sông Hồng đoạn qua phường Ngọc Thụy là điều đáng báo động, đòi hỏi các nhà quản lý cần nhanh chóng vào cuộc để nhân dân yên tâm sinh sống.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.