| Hotline: 0983.970.780

Ngoại giao nước

Thứ Sáu 29/11/2024 , 15:20 (GMT+7)

'Ngoại giao về nước là khái niệm mới. Nó cho thấy sự quan trọng của nước đối với các quốc gia trên thế giới', đại diện Cục Thủy lợi cho hay.

Nhiệm vụ của toàn xã hội

"Để xử lý vấn đề sạt lở ven bờ ĐBSCL, cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị và nguồn vốn lớn. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ của toàn xã hội, chứ không chỉ của phía Bộ NN-PTNT", đại diện Cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT cho biết trong Diễn đàn "Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL".

Thiếu nước ngọt gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thiếu nước ngọt gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phần tham luận của Cục Thủy lợi nhận được sự chú ý của Diễn đàn, với việc đưa ra 12 nhiệm vụ - giải pháp xử lý hạn hán, chủ động nguồn nước cho ĐBSCL.

Theo ông Đinh Thanh Mừng, Phó trưởng Phòng An ninh nguồn nước, Cục Thủy lợi, các tiêu chí kỹ thuật, biện pháp triển khai của 12 nhiệm vụ - giải pháp trên được thực hiện trên phạm vi cả nước, không bó hẹp tại ĐBSCL. 

"Hạn mặn lịch sử 2015-2016 và 2019-2020 khiến chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò của chủ động nguồn nước. Ngay cả các nước trên thế giới cũng vậy, họ cũng khuyến cáo với Chính phủ, Bộ NN-PTNT về việc này", đại diện Cục Thủy lợi nói.

Cục Thủy lợi nhắc tới một trong các giải pháp kỹ thuật cao, đó là lọc nước ngọt từ nước biển. Đây được coi là biện pháp đòi hỏi nhiều khoa học công nghệ và vốn.

Giải pháp liên quan tới khu dân cư là xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu kết hợp sơ tán dân, đường cứu hộ, cứu nạn, trong đó ưu tiên vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ và khu vực bị sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng trung du và miền núi phía Bắc; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các dự án di dân khẩn cấp phòng chống lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước cho khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn bảo đảm tiêu thoát nước theo tần suất thiết kế.

Đại diện Cục Thủy lợi cho rằng sạt lở ven bờ ở ĐBSCL chưa được quan tâm đầy đủ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đại diện Cục Thủy lợi cho rằng sạt lở ven bờ ở ĐBSCL chưa được quan tâm đầy đủ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngoại giao về nước

"Ngoại giao về nước là khái niệm mới. Nó cho thấy sự quan trọng của nước đối với các quốc gia trên thế giới", ông Mừng cho biết. 

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 120, chính sách ngoại giao nguồn nước sông Mekong của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Thông qua việc tham gia các cơ chế song phương và đa phương, Việt Nam đã làm sáng tỏ các vấn đề về an ninh nguồn nước cấp bách của khu vực. 

Đối với các nguồn nước ngoài biên giới, cơ chế phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thượng nguồn đã hình thành thông qua hợp tác song phương, đa phương, như: Hợp tác Mê Công thông qua Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Ủy hội sông Mê Công quốc tế, các hoạt động hợp tác cụ thể như hợp tác Mê Công - Lan Thương, Mê Công - Sông Hằng, Mê Công - Nhật Bản, Mê Công- Hàn Quốc, Quan hệ Đối tác Mê Công - Mỹ (MUSP); Sáng kiến Những người bạn của Mê Công (FOM); hợp tác song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Chính phủ Việt Nam hợp tác giúp Chính phủ Lào lập một số quy hoạch thủy lợi lưu vực sông.

Ông Đinh Thanh Mừng, Phó trưởng Phòng An ninh nguồn nước, Cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT cho rằng Việt Nam cần sẵn sàng cho mọi kịch bản phát triển lưu vực. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Đinh Thanh Mừng, Phó trưởng Phòng An ninh nguồn nước, Cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT cho rằng Việt Nam cần sẵn sàng cho mọi kịch bản phát triển lưu vực. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước đã và đang góp phần đảm bảo cho Việt Nam không bị ảnh hưởng tiêu cực, bị động từ các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn, cũng như chủ động điều phối, phối hợp để điều tiết hài hòa nguồn nước đảm bảo cho sản xuất và cung cấp nước cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Một số tỉnh có đường biên giới với nước bạn đã phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách giải quyết tranh chấp, xung đột nguồn nước liên quốc gia với các tỉnh của nước bạn, như hoạt động hợp tác giữa tỉnh Đăk Nông và tỉnh Mondulkiri (Campuchia).

Với đặc điểm là quốc gia nằm ở hạ lưu 2 lưu vực sông lớn quan trọng (sông Hồng và sông Mê Công), Việt Nam vẫn đang đối mặt trước nguy cơ phải gánh chịu nhiều tác động bất lợi từ các chương trình, dự án phát triển trên dòng chính ở phía thượng nguồn.

Giai đoạn tới cần tiếp tục mở rộng hợp tác đi vào chiều sâu, toàn diện, thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể, đa ngành, cân bằng giữa phát triển kinh tế với xã hội và môi trường, nhằm khai thác tốt và phát huy hiệu quả các mối quan hệ lợi ích đan xen, sẵn sàng cho mọi kịch bản phát triển lưu vực khi chúng ta nằm ở vị trí cuối nguồn các lưu vực sông lớn.

5 Bộ có hoạt động triển khai là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và cơ quan đầu mối là Bộ NN-PTNT. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị thông qua chương trình công tác hàng năm của Bộ, đặc biệt là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Công Thương đưa tin trên Cổng thông tin điện tử, hướng dẫn lồng ghép nội dung quản lý, sử dụng tiết kiệm, điều tiết linh hoạt các nhà máy thủy điện, an toàn vận hành đập, hồ chứa thủy điện. Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế chính sách bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; hoàn thiện việc lập các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Quốc vương Campuchia

Chiều 28/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Tầm nhìn xanh bền vững: [Bài 2] Xây dựng giá trị mới cho nông sản Mộc Châu

SƠN LA Mộc Châu xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, từ công nghệ cao đến tiêu thụ, gia tăng giá trị kinh tế, khẳng định vị thế trên bản đồ nông nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

3 dự án gia cố đê biển chậm triển khai, Nam Định thúc tiến độ

Nam Định yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án nâng cấp, khắc phục hậu quả thiên tai đê hữu Hồng, đê biển trên địa bàn.