Chiều 14/6, một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại tại khai trường Hà Ráng, Công ty than Hạ Long (TKV) khiến một công nhân tử vong. Nạn nhân là thợ lò Quách Văn Bình (SN 1985, quê quán huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).
Theo cơ quan chức năng, trong lúc đang làm việc tại khai trường thì vỉa than bất ngờ sạt xuống khiến anh Quách Văn Bình bị vùi lấp dẫn đến tử vong.
Ngay khi xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với Công ty Than Hạ Long điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, đồng thời hỗ trợ gia đình nạn nhân tổ chức an táng theo phong tục địa phương.
Cần siết chặt công tác quản lý
Những năm qua, ngành than xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người. Các nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn lao động gia tăng là do điều kiện sản xuất, khai thác ngày càng khó khăn, phức tạp; công nghệ khai thác lộ thiên thu hẹp, công nghệ khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, vào xa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn về việc bục nước, bục bùn, cháy nổ khí, vận tải mỏ, thiết bị điện và quản lý áp lực mỏ.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, số vụ tai nạn lao động chết người còn có nguyên nhân do lỗi của người lao động vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn. Lỗi liên quan đến cán bộ quản lý, chỉ huy sản xuất trong công tác triển khai biện pháp kỹ thuật thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn, kiểm tra, giám sát sản xuất vẫn là nhóm nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất.
Để hạn chế tối đa các vụ tai nạn lao động xảy ra, ông Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần tăng cường tính chủ động. Trước tiên là quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động. Tăng cường triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do sập đổ lò, bục nước, cháy nổ khí, ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập…
Với các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, cần tiếp tục quan tâm cải thiện điều kiện đi lại, làm việc, chăm sóc sức khoẻ cho người lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong hầm lò. Nâng cao chất lượng công tác lập, duyệt thiết kế kỹ thuật, hộ chiếu thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn; công tác nhật lệnh sản xuất; đánh giá đầy đủ, kịp thời các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động để đưa ra các biện pháp phòng ngừa...
Đặc biệt, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần nghiêm túc đánh giá, phân tích tất cả các vụ tai nạn lao động, sự cố trong sản xuất, từ đó phổ biến, rút kinh nghiệm rộng rãi trong toàn đơn vị, toàn ngành; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động tái diễn, lặp lại. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn lao động...
Về phía người lao động, cần tự nâng cao ý thức tự chủ an toàn, trách nhiệm với chính bản thân mình và doanh nghiệp. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, công tác an toàn trong lao động mới thành công.