| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 05/05/2010 , 10:09 (GMT+7)

10:09 - 05/05/2010

Sau ba năm rưỡi, nhìn lại một lời hứa

Cuối năm 2006, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có một lời hứa rất long trọng rằng, đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương. Lời hứa đó được cả ngành náo nức trông đợi, dẫu rằng lãnh đạo Bộ mới hứa rằng chỉ bản thân họ là “sống được” bằng lương thôi, chứ không hứa rằng đồng lương ấy có thể nuôi sống gia đình, thì cũng đã tốt lắm rồi…

Nhưng cho đến nay, đã gần hết nửa năm 2010… Một cô giáo PTTH , tốt nghiệp Đại học Sư phạm, mới vào nghề, vừa bộc bạch trên một cơ quan thông tin đại chúng rằng những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô vô cùng say sưa với những ước mơ bay bổng rằng sẽ phấn đấu thật tốt, sẽ đầu tư tất cả thời gian, công sức để học hỏi, để tìm tòi những phương pháp dạy tốt hơn nữa, vì học sinh thân yêu. Nhưng rồi tất cả tắt lịm khi cô nhận được tháng lương đầu tiên: 1,68 triệu đồng, và cô bắt đầu phải đối mặt với một thực tế vô cùng nghiệt ngã.

Với 1,68 triệu đồng ấy, nào phải đóng bảo hiểm, đóng đoàn phí, công đoàn phí…, rồi xăng xe, mất đứt gần 300 ngàn. Tiền thuê phòng trọ 450 ngàn, thêm điện nước nữa là chẵn 500 ngàn, cộng lại mất hơn bẩy trăm, chín trăm ngàn còn lại chia cho 30 ngày, mỗi ngày cô còn đúng 30 ngàn. Hàng sáng, cô chỉ dám ăn nắm xôi hay cái bánh mỳ với tý ba tê như thể ví dụ, đã hết 5 ngàn rồi. 12 ngàn 500 đồng cho mỗi bữa trưa và tối không đủ no. Nhưng không no cũng đành vậy chứ biết làm sao. Tóm lại là đồng lương mới chỉ đủ cho cô ở, và ăn với một mức ăn cùng khổ, còn mặc và trăm thứ bà dằn khác như hộp kem đánh răng, bánh xà phòng… thì không có.

Một tháng về thăm bố mẹ vài ngày hay bạn bè đến chơi mấy bữa, thì vay mượn, rồi nợ lưu tháng nọ lấn sang tháng kia là cái chắc rồi. Chuyện gửi tiền về quê giúp đỡ gia đình là chuyện xa vời. Và nếu chẳng may có bà mẹ hay ông bố bị bệnh nan y, phải đưa lên bệnh viện thành phố, nhà lại nghèo túng, chỉ biết trông chờ vào cô là “người nhà nước”, thì không nói, chắc ai cũng hình dung ra khuôn mặt của cô lúc ấy thế nào. Nếu từ 1/5 này, mỗi hệ số lương tăng được 80 ngàn đồng nữa, cô được thêm 200 ngàn, thành 1,88 triệu, thì cuộc sống của cô cũng chẳng được cải thiện gì thêm, mà có khi còn khốn khổ hơn vì hội chứng “lương tăng một, giá cả tăng hai, ba”.

Cô giáo trên dạy ở một thị xã miền núi, nơi mà mọi thứ còn rẻ, chứ nếu dạy ở Hà Nội, Hải Phòng hay TP Hồ Chí Minh… thì chắc chắn mức lương ấy chỉ đủ nuôi cô nửa tháng, thậm chí mười ngày. Và vì cô dạy cấp III, đã tốt nghiệp đại học nên mới có mức lương khởi điểm ấy. Còn những thầy, cô chỉ tốt nghiệp cao đẳng hay trung cấp, thì cuộc sống còn khổ hơn, vì dẫu là cao đẳng hay trung cấp thì các thầy, cô ấy cũng không thể ăn ít hơn được nữa, trong khi lương chỉ nhỉnh hơn 1 triệu đồng một chút.

Thế nên, cô giáo ấy bảo rằng sau tháng lương đầu tiên, việc đầu tiên cô nghĩ đến là… dạy thêm. Và “cứ trong ý tứ mà suy”, thì cô sẽ nhiệt liệt tán thành chủ trương dạy thêm, bắt học sinh học thêm của nhà trường, dẫu rằng phải ép bố mẹ học sinh ký đơn “tình nguyện” cho con học thêm, để chống lại chủ trương “chống dạy thêm, học thêm” của Bộ GD&ĐT. Đói ăn vụng, túng làm liều là thế.

Cổ nhân có câu “thực thiểu tất học hưu” (thầy ăn ít thì trò phải nghỉ học, vì thầy không còn sức mà dạy nữa). Khổ nỗi từ trước tới nay, thầy đang phải ăn quá ít nhưng người ta lại không cho phép trò nghỉ học. Đầu thế kỷ XX, khi ngồi dạy học ở dinh kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến có đôi câu đối “Sự học chẳng phải chơi, quanh năm mổ bụng con nhét chữ/ Nuôi thầy không phải dễ, cuối năm bổ đầu bố lấy tiền”.

Đã trăm năm nay, mà nhiều người cứ nhất quyết rằng đôi câu đối ấy, là cụ Tam Nguyên viết cho bây giờ. Nuôi thầy không đủ, nên chẳng chờ đến cuối năm, thầy chẳng còn cách nào khác là phải nghĩ ra trăm ngàn cái búa để “bổ” vào đầu bố học trò mà lấy tiền, và hậu quả là bố con thằng học trò lãnh đủ. Trò mê man cuống cuồng học thêm, còn bố trò, dẫu thu nhập cũng chẳng hơn gì thầy, vẫn cứ phải móc hầu bao, nếu không muốn con lưu ban hay… hạnh kiểm kém.

Ba năm rưỡi đã qua đi, chỉ lời hứa là ở lại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm