| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng tăng giá vừa mừng vừa lo: Nhiễu loạn giá chốt vườn

Thứ Năm 03/08/2023 , 10:26 (GMT+7)

Giá sầu riêng tăng là niềm vui của người nông dân. Tuy nhiên, giá tăng cao bất thường và việc chốt vườn vô tội vạ dễ dẫn đến hệ lụy về sau.

Sầu riêng Đắk Lắk sắp đến thời điểm thu hoạch cũng là lúc các thương lái, doanh nghiệp rầm rộ chốt vườn. Hiện nay giá sầu riêng Đắk Lắk đang được các thương lái, doanh nghiệp đẩy lên trên 80.000 đồng/kg tùy theo vườn.

Theo ghi nhận của phóng viên, chưa có năm nào giá sầu riêng tại Đắk Lắk lại cao như thế. Việc bán với giá cao thì người nông dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, giá được “thổi” cao hơn nhu cầu thực của thị trường sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà người chịu thiệt vẫn là nông dân.

Cò đất chuyển sang cò sầu

Bài liên quan

Thời điểm này nếu đến các địa phương có diện tích sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk không khó bắt gặp cảnh cò đến vườn sầu riêng của người dân xem vườn, chốt giá.

Theo một người đang đi tìm vườn để chốt giá tại xã Ea Tar, huyện Cư M’gar thì thông qua các mối quan hệ đã kết nối được với thương lái Trung Quốc, sau đó, người này cùng với 2 người khác tìm đến các vườn sầu riêng của người dân chốt giá. Giá vườn sầu riêng được nhóm này chốt giao động từ 73.000 - 84.000 đồng/kg.

“Nói là báo giá này quy cách từ 1 - 5kg, nhưng cứ nhìn đẹp đẹp là được. Còn quả bị nấm bệnh, vẹo vọ thì bỏ ra. Chỉ được giới thiệu rồi người dân làm việc trực tiếp với thương lái Trung Quốc. Đến nay anh em chốt được hơn 500 tấn với giá tăng dần từ 73.000 - 80.000 đồng/kg. Việc chốt vườn được hưởng hoa hồng 1.000 đồng/kg. Chốt giá cho thương lái Trung Quốc chứ không biết cụ thể cho công ty nào”, người này nói.

Các cò tập trung đến vườn sầu riêng của người dân để chốt giá. Ảnh: Thu Phương.

Các cò tập trung đến vườn sầu riêng của người dân để chốt giá. Ảnh: Thu Phương.

Cò này cho biết thêm, hiện nay hầu hết cò sầu riêng đều xuất thân từ cò đất. “Khi vào vườn nào đẹp thì quay cho người thuê xem, nếu họ đồng ý và cho giá thì dẫn họ vào gặp chủ vườn”, cò này nói thêm.

Gia đình bà Trần Thị Tươi (ngụ xã Ea Tar) có 2ha sầu riêng dự kiến thu được hơn 20 tấn. Thời gian gần đây, gia đình bà Tươi liên tục được cò liên hệ gia đình để chốt vườn. Theo bà Tươi, gia đình chỉ cần mở cửa vườn là có người vào liên hệ đặt cọc.

“Cò vào đông lắm. Họ ra giá trên 80.000 đồng/kg và sẵn sàng đặc cọc 40%. Tuy nhiên, gia đình vào HTX nên ưu tiên bán cho HTX với giá 68.000 đồng/kg. Với giá này thì người dân đã lời”, bà Tươi thông tin.

Người này cho biết thêm, cò vào trả giá cao các hộ xung quanh đều chốt trên 80.000 đồng/kg. “Làm cùng với người ta nhưng gia đình bán cho HTX thấp, các vườn xung quanh bán đắt hơn. Người dân xung quanh cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Hai vợ chồng nghĩ đến chuyện này cơm cũng không ăn được. Do đó, vừa qua vợ chồng có gặp HTX đề nghị tăng thêm cho vài giá”, bà Tươi chia sẻ.

Bà Bùi Thu Phương, Giám đốc HTX HTX Nông nghiệp Thương mại và Dịch vụ bền vững Tấn Khang cho biết, có nhiều cò, thương lái đến vườn người dân chốt giá trên 80.000 đồng/kg theo hình thức mua xô.

Sầu riêng của gia đình bà Tươi được HTX ký hợp đồng thu mua 68.000 đồng/kg. Trong khi các vườn xung quanh được cò chốt giá trên 80.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

Sầu riêng của gia đình bà Tươi được HTX ký hợp đồng thu mua 68.000 đồng/kg. Trong khi các vườn xung quanh được cò chốt giá trên 80.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

Theo bà Phương, tình trạng cò đất chuyển sang cò sầu riêng rất nhiều. Những trường hợp này không hiểu gì về sầu riêng nhưng tạo thành từng nhóm “thổi giá” từ 75.000 - 85.000 đồng/kg mua theo hình thức xô cả vườn chứ không lựa hàng nhất, nhì, ba.

“Ngoài ra có nhiều công ty lớn vào thả cọc nhưng trong hợp đồng ký với người dân không ràng buộc gì nhiều. Trong đó không ghi ngày cắt cụ thể chỉ nói là khi nào trái rụng thì doanh nghiệp sẽ cắt. Trong hợp đồng cũng không ghi từ dao 1 đến giao 2 và 3 và thời gian trả vườn là bao nhiêu ngày. HTX cũng cảnh báo các thành viên rất nhiều, thậm chí đưa ra bằng chứng vừa qua tại Bình Phước, Đồng Nai vườn bị ‘neo’ trái, không cắt gây thiệt hại lớn”, bà Phương thông tin.

Nữ giám đốc cho rằng, bà con thấy giá cao thì chốt vườn là vì cái lợi trước mắt. Thậm chí nhiều vườn đã chốt giá, nhận cọc với doanh nghiệp nhưng khi được người sau trả giá cao hơn sẵn sàng trả cọc.

“Việc giá cao thì mừng nhưng sợ sẽ xảy ra tình trạng bị thương lái neo vườn khi giá hạ vào thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, khi thu hoạch xảy ra tình trạng giang hồ bảo kê. Tại địa phương đã xảy ra tình trạng một vài vườn sau khi bẻ cọc thì bị thương lái đưa giang hồ vào chặn cửa không cho cắt. Việc này thì người dân sẽ chịu thiệt rất lớn”, nữ giám đốc chia sẻ thêm.

“Thực tế khi người dân làm vườn tốt, mỗi kg sầu riêng chi phí đầu tư chưa đến 20.000 đồng/kg. Nếu như giá sầu riêng ổn định ở mức 50.000 đồng/kg thì bà con có thể yên tâm sản xuất, thu hoạch. So với năm ngoái thời điểm này chỉ có giá khoảng 40.000 đồng/kg, nhưng năm nay đã tăng lên gấp đôi. Tình trạng thổi giá như vậy thì người dân, HTX không biết đâu là giá thực tế hay giá ảo. Ngoài ra, bà con cũng chưa có kỹ thuật để đánh giá tỷ lệ cũng như cắt tại vườn. Do đó thương lái dựa vào đây ép giá, neo vườn. Bà con chạy theo giá ảo thì sau này sẽ dễ bị thiệt hại”, bà Phương cảnh báo.

Sẵn sàng bỏ cọc nếu được trả cao hơn

Tình trạng bán non vườn sầu riêng đã xuất hiện từ nhiều năm nay với nhiều hình thức. Sau khi hai bên chốt giá bán, thương lái đặt cọc tiền và đảm nhận chăm sóc đến khi thu hoạch, thu xong thì trả vườn lại cho chủ. Cũng có trường hợp, thương lái chỉ đặt cọc tiền và nhận thu mua sản phẩm chứ không chăm sóc vườn.

Theo nhiều hộ dân từng bán non vườn sầu riêng, mặc dù đỡ công chăm sóc, nhưng hình thức này có những thiệt hại cho người trồng sầu riêng. Đó là có tình trạng, sau khi chốt giá, người mua thường bón phân, sử dụng thuốc hóa học quá đà để kích trái khiến cây bị suy kiệt, giảm năng suất vụ sau, giảm tuổi thọ cây.

Còn về phía thương lái, hình thức mua non vườn sầu riêng cũng gặp không ít rủi ro bởi không dự báo được giá bán. Những năm trước, từng có vườn khi chốt bán giá cao nhưng đến chính vụ giá xuống thấp, nhiều thương lái đành bỏ cọc, không cắt sầu riêng nữa.

Nhiều trường hợp hủy cọc với doanh nghiệp trước khi được người sau trả giá cao hơn. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều trường hợp hủy cọc với doanh nghiệp trước khi được người sau trả giá cao hơn. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, năm nay sầu riêng được giá, tăng gấp đôi so với mọi năm.

Theo ông Giao, việc thương lái vào xem vườn cây, thu mua cho người dân là rất quý, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ. Tuy nhiên, tình trạng một số thương lái ở nơi khác thông qua cò đến địa bàn huyện Cư M’gar thu mua sầu riêng để chốt vườn giá cao gây nhiễu thị trường.

“Có những vườn chốt giá rồi nhưng khi thương lái đề nghị chủ vườn bỏ cọc để chốt người sau giá cao hơn. Việc này sẽ xảy ra hệ lụy nếu người nông dân không tỉnh táo sẽ có việc tranh mua, tranh bán vi phạm hợp đồng.

Họ chỉ chốt, cắt đợt đầu tiên thì lựa những quả tốt. Trong trường hợp giá lên cao thì không vấn đề gì. Nhưng khi giá hạ thì phần còn lại chưa chắc họ đã mua. Một số trường hợp sẽ mua nhưng đề nghị chủ vườn giảm giá nếu không sẽ để sầu riêng để rụng, không bán được”, ông Giao phân tích.

Vị trưởng phòng nói thêm, trái cây thời gian thu hoạch rất quan trọng. Sầu riêng đã chín mà không có người thu mua thì sẽ hỏng ngay.

“Tôi có đi trao đổi với một số người dân khi thấy người sau trả cọc cao hơn thì sẵn sàng trả cọc người trước. Việc các doanh nghiệp nơi khác không thông qua huyện, tự ý xuống gặp người dân nâng giá sầu riêng lên sẽ ảnh hưởng đến chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nhóm hợp tác cũng như với người dân hình thành lâu nay.

Trước tình hình này, phòng nông nghiệp đã cảnh báo để đảm bảo chuỗi giá trị thì đề nghị người dân cảnh giác trước việc các thương lái, chủ vựa tăng giá. Người dân cần giữ chuỗi liên kết lâu nay để bền vững. Chỉ vì giá thị trường mà phá vỡ chuỗi liên kết thì sẽ không bền vững. Các doanh nghiệp liên kết thì cũng cần đảm bảo mua bán theo giá thị trường”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar nói.

Chính quyền các huyện tại tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân khi ký hợp đồng đặt cọc cần xem kỹ các đều khoản bên trong để tránh chịu thiệt về sau. Ảnh: Quang Yên.

Chính quyền các huyện tại tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân khi ký hợp đồng đặt cọc cần xem kỹ các đều khoản bên trong để tránh chịu thiệt về sau. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, ông Phan Hoàng Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, thời gian qua các thương lái đến địa phương đặt cọc thu mua vườn sầu riêng diễn ra sôi động.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp địa phương đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc, thành lập tổ công tác giám sát vụ thu hoạch sầu riêng năm nay.

“Để đảm bảo quyền lợi, người dân khi chốt vườn cần xem hợp đồng, phải xem tất cả nội dung. Liên quan đến thông tin có việc giang hồ bảo kê trong việc thu mua sầu riêng thì địa phương sẽ cho các đơn vị xác minh. Trường hợp nếu có thì sẽ xử lý nghiêm, tận gốc. Quan điểm của địa phương là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp”, ông Lâm nói.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.