| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng cấp đông đạt chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên tại Đắk Lắk

Thứ Ba 01/08/2023 , 10:03 (GMT+7)

Sản phẩm sầu riêng cấp đông của một thanh niên ở Đắk Lắk được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là sản phẩm sầu riêng đầu tiên đạt chuẩn OCOP tại địa phương.

Muốn xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam

Anh Đặng Văn Huy, chủ nông trại Dang Farm, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) gắn bó với cây sầu riêng từ nhỏ. Hiện nay, gia đình anh Huy có hơn 7ha sầu riêng được canh tác theo mô hình hữu cơ và được công nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm được đánh giá cấp chứng nhận 3 sao cho sản phẩm sầu riêng bóc múi cấp đông thương thiệu Dang Farm.

Theo anh Huy, việc làm sản phẩm OCOP là ủng hộ chương trình mỗi xã một sản phẩm. “Lâu nay nếu nhiều đơn vị khác làm sản phẩm OCOP chỉ liên quan đến cà phê. Tại địa phương cũng không ngoại lệ. Xuất phát từ đó, tôi muốn tạo ra sản phẩm thương hiệu sầu riêng của Việt Nam với quan điểm mình làm được thì những địa phương khác sẽ làm được. Việc này sẽ giúp đưa sầu riêng của người Việt đi xa hơn”, anh Huy nói.

Anh Đặng Văn Huy, chủ nông trại Dang Farm là người đầu tiên xây dựng thương hiệu sầu riêng OCOP tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Anh Đặng Văn Huy, chủ nông trại Dang Farm là người đầu tiên xây dựng thương hiệu sầu riêng OCOP tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên khi bắt tay vào việc xây dựng sản phẩm sầu riêng OCOP, anh Huy cũng gặp nhiều khó khăn. Đối với sản phẩm là hàng khô thì việc đưa đi kiểm nghiệm rất dễ. Nhưng sầu riêng là sản phẩm cấp đông khi đưa đi kiểm nghiệm phải đặt lịch Trung tâm kiểm nghiệm khu vực 3 tại TP.HCM.

Sau khi có lịch hẹn, chủ cơ sở phải đóng gói sản phẩm gửi vào TP.HCM từ chiều hôm trước để sáng sớm hôm sau Trung tâm lấy sầu riêng để test. “Riêng thời gian test đã mất 3 ngày qua các môi trường nóng, lạnh và yếm khí. Do đó, chi phí để test mẫu cũng tăng cao hơn so với những sản phẩm khác. Ngoài ra, do phải tự làm giấy tờ nên cũng gặp một số khó khăn vì không biết quy trình và khi viết ra văn từ không được nhuần nhuyễn phải mò mẫm khắp nơi”, anh Huy thông tin.

Nói về ý nghĩa khi làm sầu riêng OCOP, anh Huy cho rằng muốn xây dựng sầu riêng thương hiệu Việt Nam. Cụ thể hiện các doanh nghiệp thường đóng quả tươi xuất khẩu là chính. Do đó, thời gian bảo quản quả sầu riêng không được lâu. Thay vào đó, nông trại muốn để quả sầu riêng già, chín rụng xuống đất sau đó thu hoạch múi để cấp đông.

“Sản phẩm cấp đông khi người tiêu dùng mua thì chắc chắn sẽ mua được múi ngon. Làm như vậy quá trình quả sầu riêng đạt được chất lượng tốt nhất. Mục đích cuối cùng là người tiêu dùng ăn được quả sầu riêng chín rụng và đặc biệt không bị chi phối bởi thị trường”, anh Huy nói thêm.

Để xây dựng được vườn sầu riêng sạch và công nhận OCOP, Nông trại Dang Farm bắt đầu canh tác theo phương pháp hữu cơ từ năm 2009. Thời điểm thực hiện mô hình này, anh Huy bị gia đình ngăn cản vì thấy không hiệu quả. Cụ thể, những năm đầu sản lượng của vườn không đạt so với cách canh tác truyền thống trước đây.

Sản phầm sầu riêng cấp đông của nông trại được báo với giá từ 250.000 - 270.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

Sản phầm sầu riêng cấp đông của nông trại được báo với giá từ 250.000 - 270.000 đồng/kg. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, anh Huy vẫn quyết tâm xây dựng mô hình theo hướng hữu cơ vì trước đây khi đi du học các nước thì phát hiện ra cuộc sống của những quốc gia này "chậm, không vội vàng". Thêm vào đó, người dân của những quốc gia này ăn uống đơn giản và luôn chú trọng đến chất lượng.

“Ban đầu cũng theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên sau khi thấy những mô hình nông nghiệp chậm rãi này thì bắt đầu thay đổi quan điểm. Đến khi về nước bắt đầu làm thì bao nhiêu cuộc tranh cãi, phản đối của gia đình. Từ khi bắt đầu triển khai thì 7 - 8 năm sau mới bắt đầu cho thu hoạch, lại còn phải thay đổi từ quy trình canh tác công nghiệp sang quy trình canh tác sầu riêng rụng”, chủ nông trại chia sẻ.

Trong quá trình thực hiện, nông trại cũng gặp nhiều ý kiến cho rằng sao không cắt quả cho cây nhanh phát triển nhưng đều bị anh Huy từ chối. Bởi cây cũng có sinh lý của cây nên không cần cố gắng tác động vào nó quá nhiều. “Mình đã ăn trộm của nó một công sức, một trái rồi. Cũng như con bò, muốn uống sữa bò phải để nó sinh con thì mới có sữa để hút. Cây cũng vậy, phải để phát triển tự nhiên thì nó mới lâu dài được. Làm theo quy trình này thì sẽ không kiếm được một cục tiền như những gia đình trồng sầu riêng khác. Tuy nhiên mỗi ngày kiếm được 2 - 3 triệu đồng như vậy là hạnh phúc rồi”, anh Huy phân tích.

Sản phẩm sầu riêng cấp đông OCOP của Nông trại Dang Farm hiện đang được bán tại một số cửa hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Giá sản phẩm Ri6 là 250.000 đồng/kg, còn đối với Dona là 270.000 đồng/kg. Sản lượng hàng năm khi bóc múi sẽ khoảng 15 tấn.

“Mỗi năm thu hoạch trừ hết các chi phí cũng có thu nhập hơn gần 1,5 tỷ đồng. Trước mắt sản phẩm OCOP sẽ bán cho thị trường trong tỉnh rồi mở rộng ra cả nước và nước ngoài. Nông trại thật sự mong muốn một doanh nghiệp nào đó có tâm để phối hợp xây dựng, phát triển sầu riêng Ri6. Vì sầu riêng Ri6 bảo vệ môi trường, không bị sâu bệnh nhiều nên tỷ lệ sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật ít”, anh Huy nói thêm.

Các sản phẩm sầu riêng của nông trại được để chín tự nhiên. Ảnh: Quang Yên.

Các sản phẩm sầu riêng của nông trại được để chín tự nhiên. Ảnh: Quang Yên.

Gia đình trồng sầu riêng đầu tiên tại Đắk Lắk

Chia sẻ về việc gắn bó với cây sầu riêng, chủ Nông trại Dang Farm cho biết, gia đình bắt đầu trồng sầu riêng từ những năm 1997, là một trong những trường hợp trồng sầu riêng đầu tiên tại Đắk Lắk.

Theo anh Huy, thời điểm mới trồng gặp hạn hán nên gia đình phải xách từng xô nước để tưới cho cây. Những năm đầu thu hoạch người dân chưa biết ăn nên chỉ bán được chưa đến 10.000 đồng/kg. Sau đó, sầu riêng mới bắt đầu tăng giá dần, mới được giá 3 năm trở lại đây.

Hiên nay trên thị trường có 2 loại sầu riêng là Ri6 và Dona. Những năm trước, gia đình trồng sầu riêng cũng phải phun thuốc nhiều. Trong đó, cây sầu riêng Dona từ khi ra hoa đến thu hoạch gần như phải phun thuốc. Nếu không phun thì cây sẽ bị bệnh và rụng trái vì lượng dinh dưỡng đáp ứng cho cây sầu riêng Dona cần rất lớn.

Sầu riêng của Nông trại Dang Farm trồng theo hướng hữu cơ và để chín rụng tự nhiên. Mỗi ngày anh Đặng Văn Huy phải đi lượm sầu riêng chín rụng ngoài vườn. Ảnh: Quang Yên.

Sầu riêng của Nông trại Dang Farm trồng theo hướng hữu cơ và để chín rụng tự nhiên. Mỗi ngày anh Đặng Văn Huy phải đi lượm sầu riêng chín rụng ngoài vườn. Ảnh: Quang Yên.

“Trên một ha sầu riêng chúng ta phải bỏ từ 150 - 200 triệu đồng tiền phân, thuốc. Đây là điều kiện với người biết làm, còn không biết thì có thể trên 200 triệu đồng/năm. Nếu không đầu tư thì sầu riêng Dona sẽ bị rụng non, gây mất mùa.

Tuy nhiên đối với sầu riêng Ri6 thì mỗi năm chỉ mất từ 30 - 40 triệu đồng tiền phân, thuốc. Sầu riêng Ri6 được đánh giá thơm, ngọt hơn Dona. Do đó, trồng Ri6 sẽ giúp bảo vệ môi trường và hạn chế rủi ro. Ngoài thị trường Trung Quốc thì Ri6 vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của một số quốc gia khác”, anh Huy chia sẻ.

Theo chủ nông trại, cây sầu riêng rất khó chăm sóc. Hiện nay, người dân đang chạy theo số lượng chứ không đi vào chất lượng. Người dân chỉ cần quan tâm trái đẹp, bán được giá chứ chưa quan tâm đến chất lượng bên trong.

Anh Đặng Văn Huy, chủ nông trại Dang Farm: “Bây giờ làm sao xây dựng được thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk rồi tiến đến cả nước. Người dân đang tư duy mua bán đứt đoạn, lấy tiền xong thì thôi chứ không muốn liên quan đến chất lượng sản phẩm về sau. Tôi lo lắng nhất là vấn đề môi trường hiện nay. Người dân canh tác vô tội vạ, không có trách nhiệm. Môi trường mình không nhìn thấy nhưng về lâu sài sẽ rất nguy hiểm. Do đó người dân cần thay đổi tư duy canh tác, hướng đến bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng thì mới đưa ngành sầu riêng phát triển bền vững được”.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất