| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc: Cần chuẩn bị thật kỹ càng

Thứ Hai 11/07/2022 , 18:50 (GMT+7)

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chia sẻ nội dung trọng yếu của Nghị định thư và khuyến cáo doanh nghiệp, nông dân các yêu cầu thị trường Trung Quốc.

Trước tin vui Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật (KDTV) đối với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vào ngày 11/7, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã chia sẻ về những nội dung trọng yếu của Nghị định thư, cũng như khuyến cáo để các vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường tỷ dân này.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam xung quanh việc Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch quả sầu riêng từ Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam xung quanh việc Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch quả sầu riêng từ Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Ông có thể chia sẻ về quá trình đàm phán để đi đến ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc?

Nhận thấy sầu riêng là mặt hàng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc,  ngay từ đầu năm 2018, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục BVTV khởi động quá trình đàm phán. Tháng 1/2019, sau một thời gian chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật, Cục đã chính thức nộp hồ sơ cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến các vấn đề kiểm dịch thực vật trái sầu riêng tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và đưa mặt hàng này vào ưu tiên đàm phán.

Sau đó, hai bên đã nhiều lần tổ chức đàm phán, thảo luận kỹ thuật và bổ sung hồ sơ. Đây là cơ sở để Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn tất các khâu kỹ thuật theo quy định. Phía bạn cũng đã tổ chức các cuộc kiểm tra thực tế và trực tuyến trước khi hai bên ký Nghị định thư chính thức về việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc.

Đây là Nghị định thư chính thức và được ký ở cấp Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, lấy ngày 11/7 là ngày có hiệu lực. Nghị định thư là cơ sở để chúng ta hoàn thiện các thủ tục tiếp theo, cũng như các khâu chuẩn bị để các lô hàng sầu riêng tươi có thể thông quan chính ngạch sang Trung Quốc.

Trong ngày 11/7, phía Việt Nam sẽ chuyển 3 bản Nghị định thư bằng 3 thứ tiếng (Trung, Anh, Việt) cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kèm theo đó là danh sách cơ sở mã số vùng trồng, danh sách cơ sở đóng gói để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt và cập nhật lên website chính thức trước khi lô hàng đầu tiên có thể xuất khẩu.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vậy đến nay, đã có bao nhiêu vùng trồng và doanh nghiệp đóng gói trái sầu riêng đã được cấp mã số để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thưa ông?

Hiện nay, chúng ta có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, Cục BVTV cũng sẽ gửi mẫu Giấy chứng nhận KDTV xuất khẩu theo yêu cầu của Nghị định thư để phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối chiếu khi các lô hàng từ Việt Nam cập cảng.

Phải nói thêm rằng, đây vừa là thành công nhưng cũng là thách thức. Bởi khi chúng ta muốn xuất khẩu trái sầu riêng sang Trung Quốc, khâu chuẩn bị phải làm rất kỹ càng. Cục BVTV sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị để tổ chức 2 hội nghị tập huấn tại Tiền Giang và Đắk Lắk về các nội dung liên quan đến Nghị định thư này cho các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đóng gói, từ đó các tổ chức, cá nhân sẽ tuân thủ các quy định một cách tốt nhất.

Theo ông, lợi thế của trái sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là gì?

Đối với sản phẩm trái sầu riêng, chúng ta có lợi thế nhất định. Thứ nhất, hiện nay tổng sản lượng trái sầu riêng hàng năm của Việt Nam khoảng 1,3 triệu tấn, với diện tích trồng dao động từ 85.000 – 90.000 ha, kéo dài trên một vài vùng sinh thái. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức sản xuất để rải vụ thu hoạch rất nhiều tháng trong năm. Các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch để xuất khẩu sầu riêng ở mọi thời điểm sang Trung Quốc.

Thứ hai, sầu riêng của chúng ta có chất lượng rất cao, kể cả mùi vị và hàm lượng các dưỡng chất. Có rất nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đã được kiểm tra chất lượng và nhận được đánh giá rất tốt.

Thứ ba, cùng với sự sáng tạo của người dân, chúng ta cũng đã giảm được chi phí đầu vào từ phân bón đến thuốc BVTV thông qua hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, các đơn vị có liên quan. Điều quan trọng nhất là hiện nay chúng ta đã tuân thủ đầy đủ tất cả quy định về mặt kỹ thuật của Trung Quốc từ hàng rào kỹ thuật lẫn vấn đề an toàn thực phẩm.

Thứ tư, từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm đến vấn đề này, từ đó xây dựng các vùng nguyên liệu đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác.

Việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi việc sản xuất, xuất khẩu của nông dân, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi việc sản xuất, xuất khẩu của nông dân, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ các quy định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ những cơ hội và thách thức đặt ra đối với xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ông có khuyến cáo gì đối với người nông dân, doanh nghiệp và các địa phương?

Trước hết phải khẳng định, nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên xuất khẩu phải tuân thủ. Do đó, chúng tôi đề nghị các địa phương, doanh nghiệp và các chủ sở hữu cơ sở đóng gói, vùng trồng phải tuân thủ theo những nội dung này.

Đặc biệt, phía bạn đưa ra các tiêu chí để có mã số vùng trồng rất rõ ràng như: Phải ghi chép nhật ký gieo trồng, thu hoạch, các biện pháp theo dõi, xử lý các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm (gồm 1 loài ruồi, 3 loài rệp và 2 loài nấm). Chúng tôi đã tập huấn, tuyên truyền để người trồng, cán bộ kỹ thuật địa phương nắm được và phổ biến cho các nhà vườn áp dụng.

Thứ hai, về vấn đề sử dụng thuốc BVTV, ngoài quy định của phía Việt Nam phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, các nhà vườn cũng phải thực hiện các yêu cầu của phía Trung Quốc như: Không sử dụng các hoạt chất không được sử dụng; áp dụng các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV đối với cây sầu riêng… Đây là những nội dung chính mà tới đây, Cục BVTV đặt trọng tâm trong công tác quản lý diện tích cây sầu riêng. Từ đó, các sản phẩm sầu riêng của chúng ta khi xuất khẩu sang Trung Quốc không vượt mức dư lượng tối đa cho phép.

Thứ ba, cần tiếp tục duy trì tất cả các điều kiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để được cấp mã số vùng trồng. Chúng tôi đã yêu cầu các nhà vườn, cơ quan chuyên môn tại địa phương phải thường xuyên theo dõi, giám sát để đảm bảo tính bền vững và duy trì được tất cả các yêu cầu kỹ thuật đối với mã số vùng trồng. Nói cách khác, chúng ta phải duy trì được chất lượng của mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói. Chúng tôi cũng đã có chương trình tập huấn cho các cán bộ kỹ thuật “nằm” tại cơ sở đóng gói rất kỹ càng, khi mọi thứ được chuẩn hóa, sản phẩm mới được chuyển đi.

"Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa và dành nguồn kinh phí để hỗ trợ cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi, giám sát và mở rộng hơn nữa diện tích được cấp mã số vùng trồng cũng như cơ sở đủ điều kiện để đóng gói xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nói riêng và thị trường khác, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả cao". 

(Ông Hoàng Trung)

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.