Chính thức ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp EU đầu tư vào nông nghiệp. Sắp chi trả 51,5 triệu USD phí dịch vụ các bon rừng 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Cá ngừ mang về hơn nửa tỷ USD trong 6 tháng đầu năm.
CHÍNH THỨC KÝ NGHỊ ĐỊNH THƯ XUẤT KHẨU SẦU RIÊNG SANG TRUNG QUỐC
Theo thông tin mới nhất Báo Nông nghiệp Việt Nam cập nhật từ ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung quốc đã chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này.
Theo đó, trái sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tỏng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch.
Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Được biết, Nghị định thư này có hiệu lực trong 3 năm.
TẠO ĐIỀU KIỆN TỐI ĐA CHO DOANH NGHIỆP EU ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Nông sản Việt Nam – EU sáng 11/7, thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam luôn coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn truyền thống và tiềm năng cho nông sản Việt, nhất là khi hiệp định EVFTA đã có hiệu lực.
Việt Nam mong muốn thu hút các dự án FDI để tập trung phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ đó, các dự án sẽ hình thành cụm liên kết vùng chuyên canh lớn chế biến nông sản thủy sản, đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị cao trên nền tảng phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và logistic phục vụ cho chuỗi giá trị nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp của 2 bên và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư EU tiến hành đầu tư bền vững lâu dài tại Việt Nam. Cũng trong sáng nay, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến sẽ có buổi Đối thoại với Cao ủy Nông nghiệp EU, để thảo luận thêm về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
SẮP CHI TRẢ 51,5 TRIỆU USD PHÍ DỊCH VỤ CARBON RỪNG CHO 6 TỈNH BẮC TRUNG BỘ
Nghị định quy định nội dung chi trả khoản tiền theo thỏa thuận ký kết vào năm 2020 về giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng thế giới - World Bank dự kiến sẽ được ban hành vào quý 4 năm nay cho 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp với tổng số tiền là 51,5 triệu USD.
Trên cơ sở ký kết giữa Bộ NN&PTNT và World Bank, để điều phối và phân chia nguồn tương ứng, UBND các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ phân phối sẽ chỉ đạo các chủ rừng, các bên liên quan tham gia thực hiện Thỏa thuận theo các điều khoản ràng buộc.
CÁ NGỪ MANG VỀ HƠN NỬA TỶ USD TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 553 triệu USD, chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP đánh giá, xuất khẩu cá ngừ trong nửa đầu năm tăng trưởng rất tích cực. Sự trỗi dậy này nhờ vào hoạt động thương mại, kinh doanh của thị trường toàn cầu đã trở lại sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài.
Bên cạnh đó, Giá thực phẩm đã tăng 20-40% so với đầu năm, giá thịt gà tại Mỹ đạt mức kỷ lục và tăng gấp 3 lần so với trước. Trước tình hình đó, nhiều nhà nhập khẩu đang suy nghĩ tới việc thay thế bằng sản phẩm protein cá ngừ.