Cuối cùng thì lãnh đạo Formosa cũng phải cúi đầu nhận tội. Chính phủ ta đã làm tới nơi, tới chốn. Họ buộc phải cam kết bồi thường 500 triệu đô-la cho ngư dân. Nhưng hậu quả còn dài dài…
Bây giờ là lúc ta phải lo tới việc tổ chức hoạt động sản xuất cho bà con ở vùng duyên hải của cả 4 tỉnh. Đánh bắt và nuôi trồng ven bờ chưa được. Chúng ta phải chờ để phục hồi dần dần môi trường biển sau khi bị Formosa làm ô nhiễm. Vì vậy, ta phải nghĩ tới việc tổ chức đánh bắt xa bờ. Muốn đánh bắt xa bờ thì phải có thuyền lớn, phải tổ chức hậu cần cho tốt và nên thành lập các tổ, hội để hỗ trợ lẫn nhau.
Nếu ta quyết tâm làm thì ngay bây giờ đã phải lên kế hoạch để từng bước thực hiện. Thậm chí, việc đào tạo con người đủ năng lực đi đánh bắt xa bờ cũng là việc phải lo tới. Không phải cứ có tiền, có tàu là sẽ có cá. Hoạt động chế biến ở trên bờ cũng phải được tổ chức lại cho ngang tầm.
Nhân dịp này, nghề cá của cả 4 tỉnh phải cùng vươn mình đứng lên, xây dựng lại cho đàng hoàng. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tổ chức lại sản xuất theo chiều hướng hiện đại hơn và có tổ chức lớn mạnh hơn. Cần tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nghề cá Việt Nam tham gia trực tiếp vào công cuộc tái thiết này. Đã làm là làm lớn luôn… Ta có thể nghĩ tới một viễn cảnh không xa ở khu vực này: Các đoàn tàu đánh cá lớn của cả 4 tỉnh hối hả tiến ra khơi xa; các nhà máy chế biến trên đất liền rộn ràng hoạt động; tàu, xe tấp nập đưa các sản phẩm thủy sản của miền Trung đi tới mọi nơi và vươn ra cả thế giới…
Để làm được việc này, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, trong đó, vai trò nhà doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Làm sao mời gọi được các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn lớn có uy tín tham gia vào chương trình này? Đây là việc mà các vị đứng đầu các tỉnh phải trực tiếp lo và chịu trách nhiệm trước dân. Ta không nên đùn đẩy cho người khác. Ai không đủ năng lực thì nên nhường chỗ cho người khác làm. Phải hết sức quyết liệt thì mới có thể thành công (nên học tập cách làm của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khi còn đang làm Bộ trưởng Bộ GT-VT).
Song song với việc tổ chức đánh bắt xa bờ và các hoạt động chế biến trên đất liền, ta cũng nên đẩy mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác ở khu vực này.
Chúng tôi đã tới Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhiều lần và rất ngưỡng mộ công trình biến vùng cát trắng hoang hóa ở đây thành những vườn rau tốt. Lần đầu tiên ở miền Trung, chúng ta thấy được sự đột phá ấy. Ý tưởng này lại hình thành từ một doanh nghiệp công nghiệp đóng trên đất Hà Tĩnh. Họ đã đầu tư hệ thống giếng khoan và giàn phun tưới hiện đại để bà con xây dựng nên những cánh đồng rau phi thường. Hàng loạt chủng loại rau ăn lá, cà rốt, củ cải, hành, măng tây, ớt… mọc tươi tốt dưới cái nắng chói chang của miền Trung.
Chắc chắc với đề tài này, họ sẽ đưa thêm được các loại rau, quả cao cấp khác vào canh tác. Thu nhập của bà con ở đây có khi còn cao hơn cả ở các vùng đồng bằng khác. Thế mà, dải cát miền Trung còn dài lắm, dài như vô tận. Chúng ta hãy quyết tâm biến chúng thành những vùng canh tác trù phú theo công nghệ tưới tiêu kiểu Israel. Nếu có tiền thì nên đầu tư vào những việc này.
Tôi còn muốn biến những vùng cát ven biển này của chúng ta thành những vườn quả tươi tốt. Xoài, na, cam, chanh, ổi, táo… đều có thể tổ chức trồng thoải mái ở đây. Ta phải chọn những giống tốt nhất cho bà con trồng. Ví dụ xoài cát, na Thái, cam bù, chanh không hạt, ổi Đài Loan, táo Thái Lan… Gần đây, Sở KH-CN Lạng Sơn còn sưu tầm được giống nhu chịu được khí hậu của miền Bắc. Gia đình anh Ba ở ngoại ô thành phố Lạng Sơn trồng thử mà cũng thu được 3 - 4 tấn quả. Nếu đưa giống nhu ấy mà trồng được ở vùng trong này thì… tiền để đâu cho hết!!
Có lẽ còn rất nhiều loài cây nếu đưa vào vùng này cũng có thể cho bà con ta thu nhập cao. Do đó, cần gieo nhiệm vụ cho các trường, các viện, các trung tâm nghiên cứu tập trung suy nghĩ để sớm đưa ra được các giống cây trồng tốt cho vùng này.
Ngoài ra, ta cũng có thể đưa vào nuôi hàng loạt các loài mà phát triển tốt được ở đây. Trước hết là các loài gia cầm. Ta có rất nhiều loài gia cầm. Nhưng riêng vùng duyên hải của 4 tỉnh miền Trung, chúng tôi xin đề xuất đưa thêm vào nuôi một số loài như vịt biển, bồ câu Pháp và đà điểu với qui mô lớn. Nếu muôi nhỏ lẻ thì cũng đã có nhiều gia đình thực hiện. Nhưng nếu nuôi lớn thì cần phải có qui hoạch, kế hoạch, phải chuẩn bị chu đáo về kỹ thuật, về tổ chức, lo đầy đủ điều kiện nuôi và đảm bảo việc tiêu thụ được thông thoáng. Có thể tạo thành nghề chính cho nhiều gia đình bằng các loài vật nuôi này. Do đó, nên đầu tư để hình thành những vùng nuôi lớn cho nhiều hộ nông dân.
Ảnh: Thanh Nga
Tôi đã tới thăm cơ sở chăn nuôi Hương Biển của anh Trần Vĩnh Dũng ở ngoại ô thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Anh làm cùng một lúc làm nhiều việc. Vừa nuôi tôm trên cát, nuôi đà điểu, nuôi nhông cát, anh còn nuôi cả lợn rừng. Đàn lợn rừng của anh rất khỏe mạnh. Chả nhẽ ta lại gọi chúng là “lợn biển” hay “lợn cát”! Tuy sống hoàn toàn trên cát nhưng lũ lợn hoạt động bình thường như khi còn ở rừng. Lợn rừng của anh bán rất chạy…
Có một loài bò sát cũng có thể tổ chức nuôi lợn ở đây, đó là kỳ đà. Kỳ đà có một đặc tính khá thường, nó ưa ăn những loại thịt đã bốc mùi hôi thối. Gà chết, chó chết, cá chết… là thức ăn tuyệt hảo của nó. Anh nông dân Đỗ Thanh Tùng ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã kết hợp vừa tổ chức ấp trứng gà, vừa nuôi thêm kỳ đà. Kỳ đà có thể nặng tới hơn 10 cân. Thịt của nó ngon hơn thịt đà điểu. Da lại được bán để làm mẫu nhồi… Anh Tùng cho biết, loài này dễ nuôi, vài ngày mới phải cho ăn một lần, nó chịu nóng rất giỏi, bán lại luôn luôn được giá cao…
Nếu tổ chức được việc trồng cỏ thì ta còn có thể nuôi hàng loạt loài khác như trâu, bò, dê, thỏ, hươu, nai… Hà Tĩnh đã có truyền thống này nhưng chưa mở thành ngành lớn. Có lẽ nên xây dựng cho vùng bắc miền Trung một chương trình nuôi đại gia súc lớn hơn.
Tại những nơi có nguồn nước ngọt, ta có thể đẩy mạnh việc nuôi cá, nuôi tôm, nuôi ba ba, nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi cua đồng..
Phát huy mọi tiềm năng sinh học, bà con mình có thể vươn lên mạnh mẽ sau thảm họa để xây dựng quê hương cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ.
+ Tôi nhớ, khi sang thăm Thái Lan, họ có những cánh đồng trồng kín cây nha đam. Cây vươn cao, lá mập ú, đều tăm tắp. Họ tước xơ bên ngoài của lá để phơi làm chè giải nhiệt. Còn phần thịt lá được chế biến làm mỹ phẩm (elodia) và làm nước giải khát. Loại cây này chịu hạn cũng tài. Họ thu nhập cao từ cây nha đam… + Riêng với đà điểu, nên hình thành một chương trình lớn cho cả 4 tỉnh. Ngoài việc tổ chức nuôi, ta phải có kế hoạch chi tiết về việc tiêu thụ thịt, da, lông, xương và cả vỏ trứng nữa. Chắc chắn phải hình thành một nhà máy thuộc da lớn để lo cho chế biến da đà điểu (theo công nghệ của Nam Phi hay Italia). Các hoạt động này có thể thu hút hàng vạn lao động và mở ra một hướng lớn cho phát triển kinh tế vùng. Đầu tư vào đây là đầu tư cho lâu dài. |