Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị này đề xuất kế hoạch lấy nước gồm 2 đợt, tổng lượng xả dự kiến khoảng 3,5 tỷ m3, thấp hơn vụ đông xuân 2022 - 2023 khoảng 0,12 tỷ m3.
Theo đó, kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 được Cục Thủy lợi xây dựng trên những tiêu chí như: Khung thời vụ tốt, tiết kiệm lượng nước xả từ các nhà máy thủy điện, lợi dụng tối đa thủy triều, tránh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, duy trì mực nước sông hạ lưu hợp lý,…
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thời gian qua, EVN đã chủ động vận hành hệ thống điện ưu tiên tích nước các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng để đảm bảo cấp nước, cấp điện các tháng cuối năm 2023 và mùa khô năm 2024.
Tính đến ngày 31/10/2023, các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng cơ bản đã tích được lên xấp xỉ mức nước dâng bình thường, trừ hồ Thác Bà còn thiếu khoảng 2m.
Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi cả nước từ tháng 11 đến tháng 4/2024 , lượng nước về các hồ chứa khu vực miền Bắc tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Cụ thể, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, lượng nước về các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so TBNN từ 10 - 25%, trên lưu vực sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 20 - 30%.
Từ tháng 2 đến tháng 4/2024, lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so TBNN từ 5 - 20%, lưu vực sông Gâm và sông Chảy từ 10 - 20%. Với dự báo này, công tác đảm bảo cấp nước và cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nhằm đảm bảo dự trữ nguồn nước phục vụ cấp nước và phát điện những tháng nắng nóng cuối mùa khô năm 2024, EVN đề nghị thực hiện công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông xuân 2023 - 2024 phải thực sự tiết kiệm, hiệu quả.