| Hotline: 0983.970.780

Nạo vét kênh mương đảm bảo nước tưới vụ đông xuân

Thứ Tư 08/11/2023 , 14:56 (GMT+7)

Để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, các địa phương như Quảng Yên, Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức nạo vét kênh mương, vệ sinh đồng ruộng.

Lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Thời điểm này, nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ninh đã và đang thu hoạch lúa vụ mùa, kết hợp gieo trồng vụ đông. Hiện thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa, nhiệt độ và độ ẩm không khí giảm, lượng mưa giảm, mực nước ở các hồ, đập, sông suối ở mức ổn định.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh Quảng Ninh dự kiến kế hoạch gieo cấy khoảng trên 33.000ha với sản lượng lương thực trên 98.000 tấn. Gồm các loại cây: lúa, ngô, rau, đậu, khoai và cây công nghiệp ngắn ngày.

Tại TX Quảng Yên thời điểm này, các địa phương có vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang tập trung các điều kiện để gieo trồng vụ đông theo đúng khung thời vụ. Vụ đông xuân 2023-2024, TX Quảng Yên đặt mục tiêu gieo trồng 15.000ha lúa, trên 6.100ha ngô và rau màu các loại...

Trong đó, tập trung vào diện tích rau màu vụ đông làm chủ lực. Nâng cao năng suất, chất lượng rau an toàn bằng các hình thức thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Các phòng, đơn vị chức năng thường xuyên điều tra, dự báo tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh.

Từ đó, hướng dẫn nông dân tổ chức phòng, trừ kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây trồng vụ đông; tăng cường công tác kiểm tra đối với lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật...

Đặc biệt, để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, các xã, phường tổ chức nạo vét kênh mương, vệ sinh đồng ruộng... Hiện 19/19 phường, xã đã ra quân thực hiện nạo vét trên 100km kênh mương các loại.

Đến thời điểm này, toàn thị xã đã gieo trồng vụ đông được trên 2.100ha. Trong đó, cây rau các loại đạt 2.000ha, diện tích còn lại là cây lấy củ, cây hoa và cây khác tập trung ở các phường, xã như Minh Thành, Đông Mai, Cộng Hòa, Tiền An, Quảng Yên, Hiệp Hòa.

Còn tại TX Đông Triều, địa phương có kế hoạch gieo trồng trên 1.350ha cây vụ đông các loại. Để tăng diện tích, phát huy thế mạnh trồng, sản xuất hoa, cây cảnh, Đông Triều là địa phương kết thúc vụ mùa sớm nhất tỉnh, tranh thủ điều kiện thời tiết ấm áp đầu vụ tiến hành làm đất sớm, kịp thời triển khai sản xuất cây vụ đông, trọng tâm là cây có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ tốt.

Do đó, ngoài hoa và cây cảnh, diện tích cây trồng vụ đông như ngô, khoai lang, củ đậu, khoai tây... cũng được mở rộng thêm. Theo Phòng Kinh tế TX Đông Triều, để mùa vụ triển khai theo đúng khung thời vụ, TX đã yêu cầu các xã, phường xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng cho người dân.

Nhiều tuyến kênh trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho vụ đông và đông xuân. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Nhiều tuyến kênh trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho vụ đông và đông xuân. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Đồng thời, thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, gia cố các trạm bơm, cầu cống đáp ứng yêu cầu sản xuất; liên tục theo dõi diễn biến thời tiết để khuyến cáo người dân bám sát lịch thời vụ, xây dựng phương án tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của cây màu; xây dựng kế hoạch tiêu thụ cho từng vùng cụ thể.

Cùng với TX Quảng Yên, Đông Triều, thời điểm này, các địa phương đã tập trung thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa để có quỹ đất trồng cây vụ đông ưa ấm. Đồng thời, mở rộng diện tích và phát triển một số cây màu vụ đông có giá trị kinh tế cao, có lợi thế về thị trường để tăng thu nhập cho nông dân; tăng diện tích trồng cây ngô, rau, màu ngắn ngày để nâng cao hệ số sử dụng đất; tăng số lượng và chất lượng các loại cây trồng hàng hóa phục vụ dịp cuối năm như hoa, cây cảnh...

Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ninh, cho biết, đơn vị sẽ tuyên truyền về kế hoạch sản xuất vụ đông xuân cũng như các chính sách phát triển nông nghiệp để người dân yên tâm mở rộng diện tích sản xuất; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, sinh vật gây hại.

Đồng thời, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt cho người dân, nhất là với những giống mới; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây trồng cũng như nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp...

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ninh, tính đến 30/10/2023, tổng lượng nước trữ ở 39 hồ chứa lớn và vừa trong tỉnh khoảng 252 triệu m3, đạt 79% tổng dung tích thiết kế. Lượng nước so với tháng trước giảm 18,66 triệu m3 và giảm 32,58 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2022.

UBND các địa phương, các tổ chức cá nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi cần kiểm tra đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi sau mùa mưa bão; triển khai sửa chữa, nâng cấp công trình, đặc biệt là những công trình bị hư hỏng do ảnh hưởng mưa lũ.

Đặc biệt, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và dự báo khí tượng thủy văn để đề phòng các hiện tượng thiên tai bất thường có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo phục vụ nước tưới cho vụ đông 2023 và vụ đông xuân 2023-2024.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.