Huyện Mê Linh (TP Hà Nội) có diện tích đất trồng lúa hàng năm 8.300ha, trong đó nhiều nơi chỉ trồng được 1 vụ/năm, hiệu quả thấp còn đâu quanh năm bị ngập. Thời gian gần đây, một số nông dân trong huyện đã tự mày mò chuyển đổi diện tích đất lúa trũng ngập này sang trồng sen kết hợp với mô hình sinh thái cá-lúa để đa dạng đối tượng cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế.
Xuất phát từ thực tế trên, năm 2021 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Mê Linh đã thực hiện “Mô hình trình diễn cây trồng giống mới năng suất chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu” (hoa sen cao sản). Mục đích là nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, góp phần tạo cảnh quan môi xanh, sạch, đẹp, đáp ứng tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Sau khi Trạm Khuyến nông tiến hành công tác chọn điểm, chọn hộ phổ biến mục đích, yêu cầu, định mức hỗ trợ, trách nhiệm khi tham gia, kết quả đã lựa ra được 2 hộ gồm anh Nguyễn Tiến Dũng ở xã Đại Thịnh 2,6ha và anh Lã Quang Khanh xã Mê Linh 7,4ha. Đây là những hộ có đơn tự nguyện tham gia, có khả năng tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, có đủ điều kiện đất đai để thực hiện, cam kết chưa nhận hỗ trợ từ bất cứ nguồn kinh phí nào thuộc ngân sách Nhà nước cho cùng một nội dung và sẵn sàng mua đối ứng giống sen Quan Âm, Bách Diệp và các vật tư như đạm, lân supe Lâm Thao, vôi bột, phân hữu cơ sinh học.
Từ ruộng hoang, khâu chuẩn bị trồng được tiến hành rất kỹ, sau khi làm sạch cỏ và ốc bươu vàng, bừa thành một nền bùn dày khoảng 30cm, giữ mực nước khoảng 10 - 20cm trong 7 - 10 ngày rồi mới cấy sen. Trước đó, ao được bón lót 150kg vôi bột, 150kg supe lân Lâm Thao, 1.500kg phân chuồng trộn phân vi sinh hữu cơ/ha để tạo môi trường dinh dưỡng thích hợp cho cây non.
Khi cấy, dùng tay gạt nhẹ vùn và cho phần rễ của cây giống xuống bùn và lấp bùn kín thân, mầm giống, giữ lá trang luôn nổi trên mặt nước. Khoảng cách trồng cây cách cây 2m, hàng cách hàng 2,5m, tương đương khoảng 2.000ha cây/ha. Sau khi trồng thì tiến hành bơm nước bổ sung, đảm bảo mực nước 20 - 30cm, tăng dần theo độ tuổi và đạt ổn định ở mức với giống Bách Diệp 40 - 50cm, với giống Quan Âm 35 - 45cm. 2 tuần sau, khi cây đã bén rễ, hồi xanh, ra được 2 - 3 lá non thì tiến hành bón thúc lần một.
Thời gian thực hiện mô hình cũng là lúc dịch Covid-19 hoành hành, phải thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến việc chỉ đạo gặp nhiều khó khăn, Chuyên gia tư vấn và cán bộ kỹ thuật không thể hướng dẫn trực tiếp theo hình thức cầm tay chỉ việc mà phải hướng dẫn online qua hình ảnh và video. Hai giống sen mới mà nhất là Quan Âm tỏ ra thích nghi tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Thông thường sau khi cây xuất hiện lá đứng mới có khả năng xuất hiện hoa, tuy nhiên giống Quan Âm đã hình thành mầm hoa ngay từ khi vẫn đang phát triển lá trang vì vậy mà thời gian cho hoa sớm hơn giống Bách Diệp…
Hơn thế nữa, thời gian kết thúc mùa hoa của nó cũng muộn hơn chừng 2 tháng, khi thời tiết đã thực sự lạnh. Sen Bách Diệp có số cánh 139, năng suất 18.000 hoa/ha, sen Quan Âm có số cánh 316, năng suất 25.000 hoa/ha. Với cánh xếp dày hơn, đường kính hoa to hơn, có độ bền cao hơn vì vậy mà nó có giá trị thẩm mỹ cao hơn, thường sử dụng để cắm lục bình để trang trí.
Mặt khác, sen Bách Diệp lại có lợi thế số lượng nhị và mùi thơm vượt trội mang lại hương vị về ẩm thực cho người thưởng thức vì vậy hợp với ướp chè sen hoặc chế biến, trang trí món ăn. Cuối tháng 9 sen Bách Diệp bắt đầu ngủ đông, còn sen Quan Âm bắt đầu ngủ đông vào tháng 11 với biểu hiện cây lá khô, lụi tàn rồi nghỉ hẳn.
Thu nhập gấp 4 - 5 lần lúa
Chi phí để sản xuất 1ha sen tuy cao hơn rất nhiều so với 1ha lúa (136 triệu so với 33 triệu) nhưng chủ yếu tập trung vào mua giống (80 triệu) và nó là cây trồng 1 lần cho thu hoạch lâu năm. Do công tác cấp giống hỗ trợ mô hình được triển khai tương đối muộn dẫn đến thời gian thực tế cho thu hoa trong năm khá ngắn, năng suất chưa cao nhưng trong những năm tiếp theo sản lượng chắc chắn sẽ đạt cao hơn.
Không chỉ cho thu hoa, việc trồng sen còn giúp mở rộng thêm các ngành sản xuất ăn theo mới: Phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn với cây sen, kết hợp với các dịch vụ chụp ảnh lưu niệm và các hoạt động trải nghiệm, ẩm thực, nghề ướp chè sen và nhiều sản phẩm từ sen khác.
Anh Lã Quang Khanh nhận xét: “Trong mô hình tôi sử dụng nửa giống sen Quan Âm, nửa giống sen Bách Diệp. Sen Quan Âm cho bông to, thời gian thu hoạch kéo dài thêm 2 tháng, với giá bán 5.000 - 7.000 đồng/bông, luôn gấp đôi sen Bách Diệp nên dù chi phí giống ban đầu đắt hơn, phân thuốc, chăm sóc như nhau, tính ra vẫn hiệu quả tốt. Hiện ở đây không mở rộng ra được nữa vì đã hết diện tích nhưng tôi lại chuyển giao công nghệ, bán giống cho bà con ở những vùng đất mới tại các vùng lân cận và huyện bạn. Năm nay thời tiết rét đậm, rét hại đầu năm nên sen phát triển chậm hơn so với mọi năm, giờ có nắng mới lên được trang lá thở nhưng sắp tới sẽ lớn rất nhanh”.
Về hiệu quả kinh tế trồng sen lãi gấp 4 - 5 lần so với lúa, về môi trường cũng có nhiều chuyển biến tích cực thấy rõ. Bởi thế mà mô hình trồng sen còn là nơi để những nông dân khác đến tham quan, học tập kinh nghiệm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tốc độ đô thị hóa của Mê Linh hiện rất nhanh với nhiều dự án giao thông, công nghiệp, dịch vụ nên rất cần những mô hình trồng sen như thế này để tạo cảnh quan, tạo sinh kế cho người dân.
Mới đây, sản phẩm hoa sen, trà sen của huyện đã xây dựng được nhãn hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh”, được đem đi quảng bá, giới thiệu ở nhiều hội chợ, hội nghị. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh các mô hình chuyển đổi từ đất lúa trũng kém hiệu quả sang trồng sen huyện cần đồng thời đưa các sản phẩm sen được chế biến sâu vào đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP.
Trước đây, khi Mê Linh mới tách ra khỏi Vĩnh Phúc sáp nhập vào Hà Nội thì có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khiêm tốn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún trong khi công nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ chưa phát triển. Năm 2010, lúc huyện bước vào công cuộc xây dựng NTM chỉ đạt 1/19 tiêu chí (an ninh trật tự), các tiêu chí còn lại đều thấp và rất thấp, đặc biệt là thu nhập bình quân chỉ đạt 13,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 8,64%.
Nhưng hơn 10 năm sau thực hiện NTM, bộ mặt của Mê Linh đã thay đổi toàn diện, toàn huyện đã có 16/16 xã được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đối với các tiêu chí của huyện NTM thì địa phương cũng đã đạt 9/9 tiêu chí, hiện đang hoàn thiện hồ sơ để gửi lên trên, chờ được công nhận chuẩn.
Xác định xây dựng NTM là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, chính vì vậy Mê Linh trong thời gian tới vẫn sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện NTM, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong quá trình thường xuyên, liên tục đó đều hướng đến mục tiêu phát triển nông thôn bền vững với kinh tế phát triển, môi trường đảm bảo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân.