Ngày 29/10, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị xem xét trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ là Dự án cảng Trần Đề hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026.
Đồng thời, tỉnh đề nghị hỗ trợ 19.403 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư các hạng mục thuộc cảng Trần Đề trong giai đoạn 2025 - 2030, gồm: xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi; xây dựng cầu vượt biển, đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, dự án cảng Trần Đề (cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL) gồm có bến cảng ngoài khơi và khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics. Trong đó, bến cảng ngoài khơi có diện tích thực hiện 411ha, giai đoạn khởi động là 81,6ha.
Tại đây, có cầu cảng, hệ thống kè, đê chắn sóng, cầu vượt biển, cầu dẫn kết nối cầu vượt biển với bến cảng, làm luồng tàu, vũng quay tàu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Còn khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics có quy mô 4.000ha, giai đoạn khởi động là 1.000ha.
Dự án cảng Trần Đề có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 162.730 tỷ đồng, trong đó giai đoạn khởi động 44.695 tỷ đồng.
UBND tỉnh Sóc Trăng nhận định, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, được đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Do vậy, ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến cảng theo quy hoạch, cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư.
Hiện nay, ĐBSCL có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn nhưng năng suất vận chuyển của vùng còn thấp, chủ yếu bằng phương tiện thủy nội địa và đường bộ. Nguyên nhân tồn tại tình trạng này là do hệ thống cảng chủ yếu nằm trong sông, luồng vào cảng còn hạn chế, luồng cho tàu lớn vào sông Hậu cũng mới chỉ đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 10.000DWT.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, vùng có rất ít cảng container chuyên dùng, do đó 70 - 80% hàng hóa xuất nhập khẩu đang phải tiếp chuyển đến các cảng khu vực Đông Nam Bộ bằng đường bộ, đường thủy nội địa và vận tải ven biển, làm tăng chi phí vận chuyển mỗi tấn hàng từ 6 - 8USD.
Đây là yếu tố làm giảm sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của các nước khác trên thị trường thế giới, khó khăn trong hoạt động thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, làm gia tăng áp lực lên các tuyến vận tải hàng hóa từ các tỉnh ĐBSCL về TP Hồ Chí Minh, không phát huy được thế mạnh của hệ thống đường thủy nội địa trong vùng.
Do đó, vùng ĐBSCL cần thiết phải có 1 cảng đầu mối như cảng Trần Đề. Khi đi vào hoạt động, cảng sẽ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng, giúp giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên cảng biển Đông Nam Bộ. Ước tính, chi phí vận tải sẽ giảm khoảng 30 - 50% tùy từng khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Ngoài ra, việc xây dựng cảng nói trên còn có ý nghĩa rất quan trọng trong các vấn đề an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư, thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác phát triển.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5.
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023 cũng nêu rõ, Sóc Trăng được định hướng trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL. Đồng thời là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng Trần Đề.