| Hotline: 0983.970.780

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Chủ Nhật 12/01/2025 , 14:31 (GMT+7)

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Cống âu Rạch Mọp đặt tại xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách là công trình ngăn mặn lớn nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thuộc Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu, do Ban quản lý Đầu tư Xây dựng Thủy lợi 10 (Ban 10) làm chủ đầu tư.

Cống âu Rạch Mọp hiện đã đạt tiến độ hơn 90%, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 3/2025. Ảnh: Kim Anh.

Cống âu Rạch Mọp hiện đã đạt tiến độ hơn 90%, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 3/2025. Ảnh: Kim Anh.

Hiện công trình đang bước vào giai đoạn nước rút, với tiến độ thi công đạt trên 90%. Chủ đầu tư và các đơn vị thi công, giám sát công trình đang dốc toàn lực lượng, nỗ lực thi công xuyên Tết để đảm bảo hoàn thành trước ngày 5/3/2025, sớm đưa công trình đi vào vận hành, phục vụ mục tiêu kiểm soát mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt cho người dân.

Theo ông Nguyễn Hồng Hưng, Phó Trưởng ban điều hành dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu (trực thuộc Ban 10), công trình cống âu Rạch Mọp đang đáp ứng tốt tiến độ đề ra.

“Đến thời điểm này, công trình chỉ còn chậm nhất 2 tháng nữa có thể kiểm soát được mặn trên sông Rạch Mọp vào cao điểm mùa khô 2025. Chủ đầu tư sẽ có thông báo đến bà con trong vùng dự án để có kế hoạch khai thác nguồn nước phục vụ tưới tiêu phù hợp”, ông Nguyễn Hồng Hưng cho biết.

Phối cảnh cống âu Rạch Mọp sau khi hoàn thành, đi vào vận hành. Ảnh: CĐT.

Phối cảnh cống âu Rạch Mọp sau khi hoàn thành, đi vào vận hành. Ảnh: CĐT.

Đến nay, các hạng mục công trình chính đã thi công hoàn thành. Riêng 2 cửa cống đã được di chuyển từ cảng Hải Phòng về đến công trường vào ngày 11/1 vừa qua. Trong chiều ngày 12/1, Chủ đầu tư cũng như đơn vị giám sát, thi công đã đưa cửa cống vào vị trí và tiến hành lắp đặt. Công đoạn này có thể kéo dài trong khoảng 1 tháng và lực lượng kỹ sư trên công trường có thể làm xuyên Tết Nguyên đán để đẩy nhanh tiến độ.

Với tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, công trình không thể tạm ngừng mà phải thi công xuyên suốt cho đến khi hạ được cửa cống, các kỹ sư, công nhân trên công trường luôn động viên nhau quyết tâm thực hiện các công việc đúng tiến độ đề ra.

Cửa cống đã được đưa về đến công trường để tiến hành lắp đặt. Ảnh: Kim Anh.

Cửa cống đã được đưa về đến công trường để tiến hành lắp đặt. Ảnh: Kim Anh.

Anh Ngô Văn Dần là một trong hàng chục kỹ sư kỹ thuật của Công ty Cổ phần Lilama 10 thực hiện nhiệm vụ lắp đặt hạng mục cửa van cống âu Rạch Mọp. Anh Dần bộc bạch, do tính chất đặc thù của công việc, anh cùng các đồng nghiệp sẵn sàng gác lại những ngày Tết đoàn viên để đảm bảo tiến độ công trình.

Vì đã nhiều lần đón Tết xa quê, những kỹ sư như anh cũng quen với việc phân công, sắp xếp công việc trên công trường và dành thời gian để chuẩn bị nguyên liệu gói vài chiếc bánh chưng, làm vài giò chả cùng nhau đón Tết như các gia đình.

“Tết trên công trường nhiều kỷ niệm, gần Tết mấy chục anh em ở đây luân phiên nhau mua lá dong, nếp, thịt… mỗi người một tay. Người thì thực hiện theo ca kíp trực tại công trường, người không trực thì chuẩn bị các nguyên vật liệu. Đêm giao thừa, anh em quây quần đốt lửa trại, uống vài ly rượu, ăn bánh chưng, thịt gà… qua ngày hôm sau lại tiếp tục công việc. Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ”, anh Dần chia sẻ.

Cống âu Rạch Mọp có tổng chiều dài thông nước 85m, gồm 2 khoang cống, mỗi khoang 35m và 1 khoang âu thuyền 15m, cửa van phẳng bằng thép. Ảnh: Kim Anh.

Cống âu Rạch Mọp có tổng chiều dài thông nước 85m, gồm 2 khoang cống, mỗi khoang 35m và 1 khoang âu thuyền 15m, cửa van phẳng bằng thép. Ảnh: Kim Anh.

Theo kế hoạch, công trình cống âu Rạch Mọp sau khi hoàn thành sẽ được bàn giao cho UBND tỉnh Sóc Trăng, trực tiếp là Sở NN-PTNT tỉnh quản lý và khai thác.  

Để chuẩn bị cho công tác bàn giao, đơn vị chủ đầu tư đã có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cử cán bộ dự kiến tham gia quản lý vận hành cống âu Rạch Mọp nói riêng và dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu nói chung. Ban 10 sẽ thực hiện công tác chuyển giao cũng như tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi ở các công trình có quy mô tương tự, để lực lượng chuyên môn có cái nhìn tổng thể về loại hình các cống theo tiến bộ kỹ thuật mới hiện nay, nhằm đảm bảo khả năng vận hành độc lập khi tiếp nhận.

Với độ mặn nhất định và theo khuyến cáo của đơn vị quản lý, khai thác vận hành, cống âu Rạch Mọp sẽ đóng mở bằng xi lanh thủy lực, để ngăn không cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Ảnh: Kim Anh.

Với độ mặn nhất định và theo khuyến cáo của đơn vị quản lý, khai thác vận hành, cống âu Rạch Mọp sẽ đóng mở bằng xi lanh thủy lực, để ngăn không cho mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Ảnh: Kim Anh.

Trên cơ sở đó, sau khi lắp đặt các cửa cống và kết nối xi lanh thủy lực, chủ đầu tư cùng với đơn vị quản lý, khai thác sẽ phối hợp vận hành thử nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ chuyên trực tiếp tham gia công tác vận hành. Hiện nay, quy trình vận hành cống âu Rạch Mọp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong mùa hạn mặn, khi độ mặn đạt ngưỡng, các cửa cống sẽ được đóng để ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, đồng thời âu thuyền vẫn duy trì thông suốt giao thông thủy.

Dự án công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu với mục tiêu kiểm soát mặn, giữ ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho 19.220ha thuộc các huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, TP Sóc Trăng của tỉnh Sóc Trăng.

Đồng thời, giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra và tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt ứng phó trong các đợt mặn lên cao cho hơn 36.700ha ở 2 huyện Kế Sách, Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang).

Dự án bao gồm 1 cống âu Rạch Mọp và 5 cống nhỏ là: Mương Khai 2, Trà Ếch, Cái Trưng (Mỹ Hội), Cau Trường, Trà Quýt, tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng.

Xem thêm
Năm Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất, thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo

Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về tên gọi sau hợp nhất của một số bộ, Bộ Nội vụ cho biết có Năm Bộ giữ nguyên tên sau hợp nhất.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Livestream bán hàng, tặng vé xe cho 2.000 công nhân về quê đón tết

TP.HCM Chương trình 'Tết đong đầy - Sum vầy tình thân' của Thành Đoàn TP.HCM hỗ trợ 2.000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết sum họp với gia đình.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.