Hội thảo được tổ chức bởi Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tới tham dự sự kiện có lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh, địa phương khu vực phía bắc.
Được biết, “Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” được thực hiện theo Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, đề án được xây dựng, đưa ra các mục tiêu về độ bao phủ, các chỉ tiêu về thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và mức độ hài lòng của người lao động.
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, phát biểu tại hội thảo: Chính sách bảo hiểm xã hội cần có cải cách và đảm bảo gắn với thị trường lao động. Tôi mong muốn đề án này là đề án của chúng ta. Bởi khi đề án này được thực hiện thì từ cơ chế chính sách, đến tiền và nhân sự tác động trực tiếp tới hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cho nên phải coi đây là việc làm của mình. Và chúng ta không thể phát triển thị trường đồng bộ, hiện đại và không thể thực hiện công nghiệp hóa tái cơ cấu chuyển dịch lao động được khi chúng ta không có quỹ bảo hiểm thất nghiệp mạnh và đúng là giá đỡ thị trường, quản trị thị trường lao động".
Sau 10 năm triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế, chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức. Hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm chưa phát huy tốt vai trò là định hướng, trung gian tài chính trên thị trường lao động...
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp thuận lợi, hiệu quả từ khâu thu, tiếp nhận, giải quyết đến khâu chi trả bảo hiểm thất nghiệp hiện hành sẽ có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đơn vị thực thi chính sách từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, hội thảo lần này còn góp phần thay đổi những cập rập trong quá trình tổ chức thực hiện như: phần mềm giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.