| Hotline: 0983.970.780

Sơn La gặp hạn, sản lượng cây ăn quả dự kiến giảm 15%

Thứ Hai 29/04/2024 , 09:00 (GMT+7)

Tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trên diện rộng tại các huyện, thành phố như Sốp Cộp, thành phố Sơn La, Sông Mã, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mường La.

Thời tiết khắc nghiệt khiến lượng nước dự trữ tại các hồ, đập tại Sơn La dần cạn kiệt. Ảnh: Quang Dũng.

Thời tiết khắc nghiệt khiến lượng nước dự trữ tại các hồ, đập tại Sơn La dần cạn kiệt. Ảnh: Quang Dũng.

Các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La, hiện tượng nắng nóng đã xuất hiện sớm từ tháng 3, sau đó có xu hướng mở rộng hơn từ tháng 4. Số ngày không mưa trong quý I/2024 là 51 ngày, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng mưa trong quý I/2024 là 24,9 mm, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2023.

Dự kiến số ngày nắng nóng trong năm 2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn và cường độ cũng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, do đó cần đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt diện rộng, dẫn đến thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, lúa đông xuân giảm năng suất, sụt giảm sản lượng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, ảnh hưởng đến chăn nuôi thủy sản....

Theo số liệu thống kê, tỉnh Sơn La có gần 2.700 công trình thủy lợi, trong đó có 110 hồ chứa, 1.149 đập xây, 190 cống, cửa lấy nước, 3 công trình tiêu thoát lũ, 105 kênh mương dẫn nước... Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, nguồn nước tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh đang suy giảm mạnh, lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ. Tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trên diện rộng tại các huyện, thành phố như: Sốp Cộp, thành phố Sơn La, Sông Mã, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mường La.

“Sơn La hiện có 1.817 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Đến thời điểm này, đa số các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn vẫn đang cấp đủ nước cho người dân dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, dấu hiệu tình trạng thiếu nước đang xuất hiện.

Theo đó, khoảng 112 công trình không đủ nước cấp so với công suất thiết kế, có công trình chỉ đạt 50% công suất thiết kế. Dự báo, nguồn nước mặt và nước ngầm sẽ suy giảm gay gắt hơn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt sẽ mở rộng hơn trong thời gian tới”, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La cho biết.

Sản lượng cây ăn quả năm 2024 của Sơn La dự kiến đạt 383.000 tấn (giảm khoảng 67.000 tấn tương đương 15% so với năm 2023). Ảnh: Quang Dũng.

Sản lượng cây ăn quả năm 2024 của Sơn La dự kiến đạt 383.000 tấn (giảm khoảng 67.000 tấn tương đương 15% so với năm 2023). Ảnh: Quang Dũng.

Hạn hán ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp

Dự báo năm 2024, tổng diện tích cây trồng có khả năng xảy ra hạn hán trên địa bàn tỉnh Sơn La khoảng hơn 2.100ha trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Một số địa phương có diện tích bị hạn lớn là thành phố Sơn La hơn 211ha; huyện Thuận Châu 194 ha; huyện Yên Châu 234ha; huyện Vân Hồ 205ha...

Qua kiểm tra, đánh giá thực tế tình hình ra hoa trên một số cây ăn quả trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả rất thấp so với niên vụ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Sản lượng cây ăn quả năm 2024 dự kiến đạt 383.000 tấn (giảm khoảng 67.000 tấn tương đương 15% so với năm 2023). Trong đó giảm mạnh nhất ở các loại cây ăn quả như nhãn giảm trên 40%, mận khoảng 20%, xoài trên 5%...

Trước tình hình hạn hán kéo dài trên diện rộng, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La đã tham mưu, triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, trong đó chủ động tích trữ, điều tiết nước tại các hồ chứa, kênh mương phù hợp.

“Chúng tôi đã khuyến nghị với các đơn vị, trên cơ sở nguồn nước hiện có sẽ rà soát, đánh giá lại và xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Đối với những diện tích khô hạn cần có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn và sử dụng ít nước. Với diện tích không có khả năng cấp nước thì chấp nhận bỏ lại, không canh tác để giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân”, ông Lê Xuân Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La cho biết thêm.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã giao Sở NN-PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện và thành phố khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục, giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của hạn hán. Tập trung thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình nhằm cung cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Xây dựng phương án điều tiết nước, tưới tiết kiệm nước các công trình hồ đập để khai thác hiệu quả các công trình phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.