| Hotline: 0983.970.780

Sông Ba sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân bất an

Thứ Bảy 02/11/2024 , 17:56 (GMT+7)

Gia Lai Mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp khiến tình trạng sạt lở sông Ba (tỉnh Gia Lai) đang trở thành mối đe dọa đến cuộc sống và sinh kế của hàng trăm hộ dân.

Khu vực từ buôn Pan đến buôn Puk thuộc xã Ia Rsai dài hơn 1,8km. Ảnh: Tuấn Anh.

Khu vực từ buôn Pan đến buôn Puk thuộc xã Ia Rsai dài hơn 1,8km. Ảnh: Tuấn Anh.

Những năm qua, tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở sông Ba, đặc biệt đoạn qua huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang khiến hàng trăm hộ dân sinh sống gần dọc bờ sông sống trong thấp thỏm, lo âu. Việc tìm kiếm giải pháp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ người dân nơi đây đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Gần 4 năm nay, ông Phạm Công Thanh (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) đã phải rời bỏ ngôi nhà gắn bó với bao kỷ niệm để chuyển đến nơi ở mới cách xa bờ sông Ba. Nỗi buồn vẫn còn hiện hữu khi ông Thanh chứng kiến từng ngày dòng sông Ba “ngoạm” dần mảnh vườn, ruộng đất của gia đình.

“Mỗi sáng thức dậy, tôi lại thấy đất của mình mất đi từng chút một. Nếu không có biện pháp bảo vệ, không chỉ đất mà cả ngôi nhà của tôi cũng bị đe dọa.”, ông Thanh xót xa chia sẻ.

Sạt lở tại xã Chư Rcăm và Ia Rsai. Ảnh: Tuấn Anh.

Sạt lở tại xã Chư Rcăm và Ia Rsai. Ảnh: Tuấn Anh.

Không chỉ riêng ông Thanh, nhiều hộ dân khác tại thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm và xã Ia Rsai cũng đang sống trong tâm trạng lo lắng, bất an. Dòng sông Ba hung dữ, cùng những cơn lũ dữ dội vào mỗi mùa mưa lũ đã cuốn trôi nhà cửa, đất đai, khiến nhiều gia đình tại đây phải rơi vào cảnh trắng tay.

Anh Ksor Tuôt (buôn Puk, xã Ia Rsai) cho biết: “Chưa bao giờ tôi nghĩ phần đất sản xuất của gia đình mình lại bị dòng sông Ba “gặm nhắm” từng ngày đến như vậy. Trước đây, dòng suối gần nhà chỉ rộng vài mét, nhưng giờ đây đã mở rộng gần 30 mét và hiện tại chỉ còn cách rẫy của gia đình chưa đầy 5 mét.”

Theo bà Nguyễn Thị Đồng Khánh, Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm, từ năm 2009 đến nay, khoảng 100ha đất canh tác của người dân dọc bờ sông Ba đã bị sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ gia đình. Xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sạt lở để có phương án di dời kịp thời, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân khi có sự cố xảy ra.

Qua thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, từ năm 2009 đến nay, đã có hơn 22,7 km bờ sông, suối trên địa bàn bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó có 13 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Hàng chục ha đất sản xuất, đất ở của người dân đã bị “xoá sổ”, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 800 hộ dân. Khu vực từ buôn Pan đến buôn Puk thuộc xã Ia Rsai, dài hơn 1,8 km đã được xác định là vùng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân.

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa cho biết, nguyên nhân của tình trạng sạt lở này được xác định do biến đổi khí hậu, mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp, dòng chảy sông Ba thay đổi, cộng với tình trạng khai thác rừng đầu nguồn trái phép.

Tình trạng sạt lở sông Ba ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh.

Tình trạng sạt lở sông Ba ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai đề xuất dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba, khu vực xã Chư Rcăm với chiều dài khoảng 2 km, tổng mức đầu tư dự kiến 200 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 2 năm 2024 - 2025.

“Dự án này sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, không chỉ bảo vệ đất sản xuất mà còn đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực. Đồng thời, góp phần vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng dân cư”, ông Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thảo, UBND tỉnh Gia Lai đã có tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đề nghị sớm hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án cấp bách chống sạt lở sông Ba tại địa phương. Trong khi chờ đợi dự án, trước tình hình cấp bách, trước mắt chính quyền địa phương đã triển khai một số biện pháp như di dời các hộ dân đến nơi an toàn, xây dựng kè chống sạt lở tại một số điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, chưa thể giải quyết triệt để vấn đề.

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

'Làng Nủ hạnh phúc'

Đó sẽ là tên gọi mới của ngôi làng mà 3 tháng trước từng là tâm điểm tang thương trong trận lũ quét lịch sử xảy ra tại Làng Nủ (huyện Bảo Yên, Lào Cai).