Mỗi lần xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi nhìn thấy
Cho đôi mắt tôi như hai ổ đất nơi những con bống đến làm tổ giàn giụa nước sông mưa
Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại
Những con thuyền cổ tích đã bay xa về một miền tức tưởi
Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước
Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi
Chợt nhớ áo em tuột rơi trên bến vắng một trăng xưa
Đấy là những câu thơ tôi viết về sông Đáy. Đó không phải một con sông trong trí tưởng tượng mà là một con sông có thật đã chảy qua cuộc đời tôi. Trong sự may mắn được sinh ra của mỗi con người có sự may mắn được lớn lên bên một dòng sông. Tôi đã lớn lên bên dòng sông Đáy suốt tuổi thơ mình. Trong tâm hồn tôi, sông Đáy là con sông đẹp nhất trong mọi con sông trên thế gian.
Chuyến đi kỳ vĩ đầu tiên trong cuộc đời tôi là chuyến đi từ bờ này sang bờ kia của sông Đáy. Đó là ngày mẹ cho tôi theo mẹ về ăn giỗ quê ngoại của mẹ. Có những chiều mẹ tôi sang sông về muộn. Tôi ra bờ sông chờ mẹ. Từ bờ bên kia xa xôi như chân trời vọng tiếng gọi đò của mẹ da diết đến run người. Giờ mẹ tôi đã mất và mất cả bến đò xưa.
Lớn lên, tôi hiểu một điều quan trọng là sông Đáy nuôi lớn tâm hồn lũ trẻ làng tôi và đã nuôi người làng tôi trong những năm nghèo đói. Và thứ đặc sản của sông Đáy đã nuôi người làng tôi là hến. Hồi còn sống ở quê, những trưa mùa hạ tôi thường theo người làng đi bắt hến. Hến nhiều và dày như sỏi dưới đáy sông. Chỉ cần đưa tay xuống mặt cát vốc hến lên. Chỗ nào sâu hơn thì người ta dùng dậm để cào hến. Mẹ tôi nấu hến với khoai lang, khoai sọ, sắn, bầu bí và các loại rau dại để nuôi anh em tôi lớn lên làm người.
Những năm gần đây, mỗi lần về quê ăn Tết, tôi thường ra bờ sông trong hoàng hôn nhìn về phía bờ bên kia. Tôi muốn đi ngược lại thời gian để được sống lại một lần nữa và một lần nữa được mang cảm giác của những người xa quê trở về trong một ngày cuối năm. Đó là những ngày nắng hanh chợt hừng lên và cả triền sông làng quê rực vàng hoa cải. Đứng ở bên này sông, cho dù không nhận rõ mặt những cô gái làng đang rửa lá dong xanh dưới bến để chuẩn bị gói bánh chưng thì tôi vẫn cảm thấy hơi ấm thân thương của những giọng nói và những gương mặt người làng tôi từ phía ấy tràn vào tôi.
Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Quán nước chè xanh dưới gốc đa đầu con đường chạy từ bến sông lên đê đã trở thành một trạm thông tin vô cùng quan trọng của làng. Những ngày tháng đó, sự đợi chờ lớn lao nhất của người làng tôi là đợi chờ sự trở về của những người lính.
Con sông Đáy không phải quá rộng, vì thế ngồi trong quán nước nhìn sang bến nước bờ bên kia, bà bán quán có thể nhận được người đang gọi đò qua sông là đàn ông hay đàn bà và nhất là những người lính bởi chiếc mũ cối họ đội và chiếc ba lô khoác sau lưng. Mỗi khi nhận ra có một người lính đang đợi đò qua sông thì tất cả những người đang làm việc trên cánh bãi ở bên này sông rối rít cả lên. Họ gọi nhau í ới thông báo có một người lính trở về. Họ ngừng hết mọi công việc để hướng về bên kia sông. Họ giục ông lái đò nhanh nhanh chèo đò sang đón người về.
Có người còn gọi to sang bên kia sông hỏi rằng đó có phải người làng Chùa không. Sau khi đón được khách, nếu người lính đó là người làng Chùa thì ông gọi to thông báo cho những người làng đang đứng chờ trên bến sông biết. Ngay sau khi nhận được thông tin từ ông lái đò, bà bán quán ngay lập tức sai đứa cháu chạy thật nhanh vào làng thông báo cho gia đình của người lính rằng anh ấy đã trở về. Tôi đã từng chứng kiến một vài lần cảnh tượng ấy. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn không cầm được nước mắt vì xúc động, vì những năm tháng mất mát đau thương nhưng kiêu hãnh và đẹp đẽ nhường nào.
Nhưng giờ đây, khi đứng bên bờ con sông tôi cảm thấy như đang ở bên cạnh một người đau ốm nhiều năm. Thực sự là sông Đáy đang ốm đau và chết từng khúc một. Có những đoạn sông Đáy như là một con mương nhỏ và nước đục đen. Khi lên mười tuổi, tôi vẫn ra sông Đáy câu cá vào mùa nước lên. Sông Đáy thuở ấy có đủ các loại cá chép, trôi, trắm, chày, bò, nghạnh, trạch trấu, thờn bơn, bống, thè be... rồi trai, hến, mẹ ghẻ, trùng trục... cùng với nhiều loại rong như rong lá lúa, rong đuôi chó, rong tóc tiên...
Thế mà bây giờ tất cả đã ra đi. Tôi ở Hà Đông, ngày ngày đi qua sông Nhuệ mà thấy gai người. Gọi là sông mà chỉ là một vũng nước. Nước đen ngòm tỏa mùi tanh hôi. Những con sông như sông Nhuệ không tự chết mà bởi chúng ta đã tự tay giết chết. Người ta vứt đủ thứ xuống sông trước nhà họ, túi ni lông, các loại rác, xác súc vật, vỏ chai lọ, kim tiêm, quần áo rách... Vào một số ngày lễ trong năm đặc biệt vào ngày Tết ông Công, ông Táo, hàng trăm người ra sông phóng sinh cá và thả luôn những chiếc túi ni lông đựng cá xuống sông. Đúng là bi hài. Làm lễ phóng sinh để cầu những điều tốt lành cho mình nhưng lại gián tiếp giết chết những điều tốt lành ấy. Bởi một trong những điều tốt lành là đến từ một môi trường sạch sẽ.
Việc vứt rác xuống sông, hồ của người dân đâu phải vì người dân không còn nơi nào để tiêu hủy rác. Nhưng ý thức của người dân rất vô trách nhiệm và chính quyền cũng không có một chiến lược lớn để bảo vệ những con sông. Con gái tôi học ngành công nghệ môi trường tại một đại học Mỹ. Một lần tôi đi cùng con gái qua một hồ nước, cháu quan sát và dừng xe lại. Cháu phát hiện ra có dấu hiệu hồ nước bị ô nhiễm. Ngay hôm sau, những sinh viên trong nhóm của cháu đã đến hồ nước đó quan sát và lấy mẫu nước về xét nghiệm rồi làm một báo báo khoa học kỹ lưỡng về nguồn nước ở hồ nước đó.
Người Mỹ đã dạy cho các sinh viên của họ một điều vô cùng quan trọng: đó là ý thức và trách nhiệm với môi trường mình đang sống. Liệu chúng ta có những sinh viên có ý thức như thế với môi trường trên mảnh đất mình đang sống không? Tôi thực sự nghi ngờ. Tôi đã từng đứng như một kẻ ngớ ngẩn nhìn mãi một tấm biển "Xin đừng ngắt hoa", "Xin đừng giẫm lên cỏ" hay "Xin đừng đái bậy"... Một cái biển nhỏ tưởng như bị nuốt chửng bởi những ngôi nhà chọc trời đang ngày một mọc lên như nấm nhưng làm cho không ít người trong chúng ta nhức nhối. Nhức nhối bởi cái biển nhỏ ấy đã có ở những nơi đó hết năm này đến năm khác mà nó sẽ còn ở đó rất lâu.
Chẳng lẽ không có dấu hiệu gì về sự thay đổi của chúng ta sao? Cái gì đã làm cho chúng ta trở nên như vậy? Đó chính là chúng ta đã đánh mất lòng tự trọng, đánh mất khả năng rung động trước những vẻ đẹp, đánh mất khát vọng về một thế gian yên bình và đẹp đẽ và vì chúng ta chứa đầy sự ích kỷ, tham lam và vô cảm trong con người chúng ta. Hành động chúng ta vứt một cọng rác xuống nơi công cộng, xuống dòng sông hay hồ nước chỉ mất một vài giây. Nhưng hành động chúng ta biết cúi xuống nhặt cọng rác đó lên phải mất cả trăm năm. Một trăm năm chỉ là một cách nói về con đường hình thành một hành xử văn hóa của con người. Và đấy chính là điều tôi muốn nói đến.
Chỉ mới mấy chục năm mà sông Đáy bây giờ như một lạch nước nhỏ, lờ đờ trôi như một kẻ vô hồn. Và những mùa câu sông, những buổi trưa bắt hến... đã chìm vào quá khứ. Cái chết của thiên nhiên chính là báo hiệu cho cái chết của con người. Có những đêm ngồi trên hiên nhà nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi cảm thấy linh hồn những dòng sông mà chúng ta giết chết đang trôi trong vũ trụ vô tận, và bên linh hồn của dòng sông là linh hồn những người làng tôi. Tất cả đang ra đi và mang theo những vẻ đẹp giản dị nhưng thiêng liêng của một đời sống.