Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra 2 đợt mưa lớn, dông lốc khiến 1 người bị thương, 12 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi, 364 nhà bị hư hại. Mưa lớn và dông lốc cũng khiến 406,88ha lúa và 358,84ha hoa màu bị ngập úng, gây thiệt hại 7.642 gia cầm. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra ở Vĩnh Phúc vào khoảng 151,407 tỷ đồng.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ nhằm chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có công văn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ Trung ương và UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 75/CĐ-TTg; của Bộ NN-PTNT tại Công điện số 5515/CĐ-TTg; Chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2024.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn, cơ quan, đơn vị theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định. Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của học sinh…
Về hoạt động của các hồ thủy lợi trên địa bàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc Trần Thanh Hải cũng đã yêu cầu Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc bám sát tình hình thực tế chỉ đạo các Công ty TNHH MTV Thủy lợi điều tiết nước hợp lý, chủ động xả nước đệm theo quy trình để rút bớt mực nước hồ, đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt là tại khu vực hồ Đại Lải.
Cùng với đó các Công ty TNHH MTV Thủy lợi bố trí nhân lực, vật lực, ứng trực tại các hồ đập; thường xuyên kiểm tra luồng tiêu, vật cản tại các hồ, đập và toàn bộ hệ thống trạm bơm, cửa cống công ty đang quản lý; thông báo cho các địa phương vùng hạ du về tình hình điều tiết nước hồ để có phương án phòng tránh ngập úng; tăng cường công tác tuần tra, canh gác tại các hồ, đập, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố có thể xảy ra.