| Hotline: 0983.970.780

Sống sợ hãi dưới chân Vang Cà Vãi

Thứ Năm 24/08/2023 , 09:36 (GMT+7)

Quảng Ngãi Sống trong nơm nớp nỗi lo sạt lở, chuyển đi nơi khác lại không đủ điều kiện kinh tế. Đó là tình cảnh của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi).

Ngọn núi Vang Cà Vãi nằm ngay sau nhà những hộ dân ở tổ dân phố làng Dầu (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mỗi khi đến mùa mưa bão. Ảnh: L.K.

Ngọn núi Vang Cà Vãi nằm ngay sau nhà những hộ dân ở tổ dân phố làng Dầu (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mỗi khi đến mùa mưa bão. Ảnh: L.K.

Nỗi lo núi đè

Nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa bão, những hộ dân thuộc tổ dân phố làng Dầu (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) lại sống trong cảnh thấp thỏm lo âu. Phía sau những căn nhà của người dân nơi đây, hàng ngàn m3 đất đá từ đỉnh núi Vang Cà Vãi vẫn luôn chầu chực đổ ập xuống bất cứ lúc nào, nhất là những khi trời có mưa to, gió lớn.

Núi Vang Cà Vãi sạt lở đã không còn dừng lại ở mức cảnh báo nữa mà trong 2 năm gần đây, hiện tượng này đã xảy ra khiến nhiều công trình, nhà cửa của bà con bị vùi lấp. Trong đêm tối, một phần ngọn đồi bất ngờ ầm ào đổ xuống. Không còn cách nào khác, hàng chục người dân phải bỏ lại toàn bộ tài sản, nhà cửa rồi kéo nhau bỏ chạy để đảm bảo an toàn tính mạng.

Chị Đinh Thị Thẻo (trú Tổ dân phố làng Dầu) cho biết, gia đình chị sống ở đây nhiều năm nhưng 2 năm gần đây (2021 và 2022), hiện tượng sạt lở núi Vang Cà Vãi liên tiếp đe dọa cuộc sống của 5 nhân khẩu trong nhà. Trước đó, mùa mưa năm 2021, sạt lở núi làm nứt chân tường rồi kéo sập chuồng gia súc của gia đình, mọi người bắt đầu cảm thấy lo lắng.

Một phần căn nhà của chị Đinh Thị Thẻo bị sạt lở vào năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện để tu sửa lại. Ảnh: L.K.

Một phần căn nhà của chị Đinh Thị Thẻo bị sạt lở vào năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có điều kiện để tu sửa lại. Ảnh: L.K.

Cho đến tháng 12/2022, sau trận mưa lớn kéo dài, núi Vang Cà Vãi tiếp tục bị sạt lở mạnh. Khi đang ở phía trước nhà, cả gia đình chị Thẻo bất ngờ nghe tiếng động lớn phía sau. “Ra kiểm tra thì tôi vô cùng bàng hoàng khi thấy toàn bộ công trình phụ gồm nhà tắm, nhà bếp, nhà vệ sinh bị phá hỏng hoàn toàn. Đất đá, nước tràn vào sát mép nhà chính. Lúc đó, tôi và bà con trong vùng hô hoán nhau bỏ chạy hết”, chị Thẻo kể.

Nhà sập, nứt toác cũng không có tiền sửa

Đã gần 1 năm trôi qua nhưng dấu tích của vụ sạt lở núi thời điểm đó ở căn nhà chị Thẻo vẫn hầu như còn nguyên vẹn. Có chăng chính quyền địa phương chỉ điều máy móc đến san gặt hàng trăm m2 đất đá sang khu vực khác. Còn lại, những mảng bê tông lớn gãy đổ, hệ thống cột, kèo cùng những tấm tôn lợp vẫn ngổn ngang.

Cùng với đó, mảng tường bên hông nhà chính xuất hiện vết nứt dài, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập. Theo chị Thẻo, kinh tế gia đình chị thuộc diện khó khăn, phải làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày. Căn nhà hiện đang ở cũng phải đi vay mượn mới dựng lên được. Nhà sập, nứt toác nhưng bây giờ cũng không có tiền để sửa chứ chưa nói đến việc chuyển đi nơi khác sinh sống. Còn nếu ở lại, cả gia đình chị luôn sống trong cảnh bất an, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.

Những mảng bê tông bị gãy đổ do sạt lở núi ở thị trấn Di Lăng. Ảnh: L.K.

Những mảng bê tông bị gãy đổ do sạt lở núi ở thị trấn Di Lăng. Ảnh: L.K.

Tương tự, vụ sạt lở núi Vang Cà Vãi năm 2022 cũng khiến cho chuồng nuôi gia súc và 1 phần nhà bếp phía sau của gia đình chị Đinh Thị Thẻ (trú tổ dân phố làng Dầu) bị đổ sập. Chị Thẻ tâm sự, mấy năm nay, cứ đến mùa mưa bão là người dân trong vùng không thể ngủ yên vì lỡ có chuyện bất trắc xảy ra thì không kịp trở tay. Khi thấy tình hình quá nguy hiểm, mọi người đều phải qua nhà người thân để ở nhờ. Hành trang mang theo chỉ là vài bộ quần áo và giấy tờ tùy thân của vợ chồng, con cái.

“Ở nhờ 1 vài hôm thì không sao chứ ở cho qua hết mùa mưa đến tận vài tháng như vậy cũng bất tiện lắm. Giờ chúng tôi rất mong chính quyền địa phương có phương án xử lý để bà con an cư. Hoặc là xây kè chống sạt lở đảm bảo an toàn để chúng tôi tiếp tục ở đây hoặc di dời đi nơi khác. Nhưng khi di dời đi thì cũng mong được hỗ trợ thêm kinh phí xây nhà cửa chứ chỉ bố trí đất thì không biết lấy tiền đâu làm nhà”, chị Thẻ nói.

Bà Đoàn Thị Chiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng cho biết, hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 2 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở cao là ở tổ dân phố làng Dầu và khu dân cư làng Bồ với 40 hộ dân cùng hơn 150 nhân khẩu. Hiện các điểm sạt lở đã được đầu tư kinh phí san gạt, hạ thấp độ cao một bên núi khắc phục tạm thời nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn biến phức tạp, chưa đảm bảo an toàn cho bà con.

Theo chỉ đạo của UBND huyện Sơn Hà, UBND thị trấn Di Lăng đã phối hợp với các phòng ban của huyện đến các điểm sạt lở để kiểm tra cũng như nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của bà con. Có 2 phương án được đưa ra. Thứ nhất là xây kè chống sạt lở để người dân tiếp tục sống ở chỗ cũ. Thứ 2 là di dời dân sang các khu tái định cư. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục họp bàn để thống nhất phương án tối ưu nhất.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.