Ngày 12/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về tình hình và giải pháp khắc phục sạt lở ven sông, bờ biển.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, sự phát triển thiếu bền vững về kinh tế - xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng ĐBSCL dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển của vùng diễn biến phức tạp thời gian qua.
Từ năm 2016 đến nay, toàn vùng ghi nhận 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 1.100km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xây dựng công trình bảo vệ là 281 điểm với chiều dài 528km. Bên cạnh đó, 306km sạt lở nguy hiểm và 300km sạt lở bình thường.
Tình hình sạt lở sông, kênh rạch ở ĐBSCL ngày một gia tăng cả về số điểm, quy mô, tốc độ, hơn nữa phạm vi của các điểm sạt lở ở khu vực phía thượng nguồn (phổ biến ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long) thường lớn hơn khu vực hạ nguồn sông (gồm các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng).
Đánh giá nguyên nhân sạt lở, báo cáo của Bộ NN-PTNT chỉ ra, hầu hết khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao hay khu vực đông dân cư sinh sống. Không những vậy, xói lở bờ chủ yếu xảy ra vào mùa lũ, lũ càng lớn lòng dẫn càng bị xói mòn nhanh, diễn biến lòng dẫn càng mạnh.
Đặc biệt, vấn đề khai thác cát với khối lượng lớn, thiếu kiểm soát không chỉ làm thay đổi hình dạng mặt cắt sông, thay đổi độ lớn và kết cấu dòng chảy mà còn thay đổi độ đục. Vì thế ảnh hưởng tới xói bồi, biến hình lòng dẫn các đoạn sông lân cận, nhất là đoạn sông phía hạ du khu vực khai thác.
Thời gian qua, các bộ ngành và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, chú trọng công tác quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển; tăng cường xử lý vi phạm, điều tra đánh giá hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ phòng chống sạt lở. Từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và có kế hoạch đầu tư trên 16.220 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở cho vùng ĐBSCL với chiều dài 324km.
Để có giải pháp trước mắt và lâu dài phòng chống và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển cho vùng ĐBSCL, đảm bảo đời sống, tài sản, sinh kế người dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm, ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL, trong đó có công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Qua khảo sát thực tế tại 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, lãnh đạo Chính phủ đã ghi nhận một số điểm nóng về sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL rà soát, tổng hợp các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn lực trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ các địa phương để xử lý sớm các khu vực sạt lở.
Theo Thủ tướng, hiện một số công trình phòng chống sạt lở được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả, không đảm bảo tính bền vững. Ngoài ra, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa chú trọng huy động được nguồn lực xã hội.
Vì thế thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về sự nguy hại và hậu quả của sạt lở ở ĐBSCL. Đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phân cấp, phân quyền, nâng cao khả năng thực thi và đẩy mạnh kiểm tra giám sát việc phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.