| Hotline: 0983.970.780

SOS về bệnh lý tự rạch tay, ngược đãi bản thân để giải tỏa stress

Thứ Tư 23/08/2017 , 07:40 (GMT+7)

Thời gian gần đây, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) liên tiếp tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp mắc hội chứng “tự ngược đãi bản thân”.

13-25-51_rch_ty
Tự hành hạ bản thân để giải tỏa áp lực

Các em đa phần còn rất trẻ với những tổn thương trên người do chính mình gây ra.
 

Cắt tay thấy lòng nhẹ nhàng?

TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai kể về trường hợp nữ sinh viên 21 tuổi phải nhập viện điều trị gần đây. Em hiện đang là sinh viên đại học năm thứ 2 có tính cách hiền lành, sống nội tâm. Với học lực khá giỏi, từ khi học lớp 12 cô đã có mong muốn được đi du học nhưng do điều kiện gia đình chưa đủ nên chỉ là mong muốn khó thực hiện. Chính những trăn trở đó khiến cô luôn trong tâm trạng ức chế, cảm thấy bế tắc, mệt mỏi, mất ngủ, hay hồi hộp, tức ngực, cảm giác ngột ngạt khó thở nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Tâm trạng này kéo tương đối dài đến năm thứ 2 đại học.

Hậu quả khiến cô xuất hiện ý tưởng cắt tay bằng dao lam. Khi vào viện, trên cổ tay cô đã có 16 vết cắt nông nhưng đủ rỉ máu; có vết đã thành sẹo, có vết mới. Mỗi lần cắt tay cô không thấy đau, mà thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Bất ngờ phát hiện những vết cắt trên tay con, gia đình vội vàng đưa con đến Viện Sức khỏeTâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khám.

Tương tự, cách đây không lâu, khoảng đầu tháng 7/2017, trên một tài khoản facebook đã phát trực tiếp một “ca” xăm toàn bộ khuôn mặt vì… thất tình của thanh niên khoảng 20 tuổi, quê Long An. Đa số những lời bình đều phản đối hành động này, nhiều người thậm chí nặng lời chỉ trích hành động này là “điên rồ”, “chặt đứt tương lai của mình”, “bế tắc đến mức hủy hoại thân thể”. Trước đó, mạng xã hội cũng “nổ tung” vì một clip nữ sinh ở Nghệ An rạch cổ tay sau khi chia tay bạn trai. Chỉ trong vòng một ngày, số người theo dõi và chia sẻ clip của nữ sinh này đã chạm mốc 30.000 lượt.

TS Phương cảnh báo, nếu trước đây hội chứng này chỉ gặp ở nữ giới thì nay đã xuất hiện ở cả nam giới thậm chí bệnh có xu hướng trẻ hóa.

Theo đó, bệnh viện đang điều trị cho một bệnh nhi 9 tuổi, thích chơi game và điện thoại đến mức “nghiện” nên đã bị gia đình cấm. Từ ngày bị cấm, bệnh nhi đã tự nhổ tóc khiến đầu trọc thành mảng to, tự cào cấu vào chân tay mình. Phát hiện những biểu hiện bất tường này của con, bố mẹ bệnh nhi đã tổ chức các chuyến đi chơi, dã ngoại để bé được thay đổi không gian, mở rộng giao tiếp với nhiều người nên tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể.
 

Chịu áp lực

Theo TS Phương, hiện nay trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức, nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh tự ngược đãi bản thân ở lứa tuổi này.

“Hành động tự ngược đãi bản thân khác với tự sát hay tự tử, người bệnh khi tự ngược đãi bản thân cảm thấy được thoải mái, còn tự sát hay tự tử liên quan nhiều đến trầm cảm, hoang tưởng và mục đích là tìm đến cái chết. Chứng bệnh này gặp ở những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương và phô trương, người hay lo lắng, người cầu toàn hay đòi hỏi… Bệnh nhân vào khám đa phần được điều trị ngoại trú. Việc điều trị cũng đem lại kết quả tương đối tốt, nếu biết nguyên nhân chính là vấn đề tâm lý, cải thiện rất tốt”, TS Phương nhấn mạnh.

Có thể nhận biết sớm

Theo TS Phương, hội chứng tự ngược đãi bản thân có thể sớm nhận biết, ngoài việc tự gây đau, làm tổn thương cả thể chất và tinh thần thì bệnh nhân còn có các biểu hiện như stress về tâm lý kéo dài, cảm thấy bất mãn, luôn căng thẳng. Thêm vào đó, còn có các biểu hiện như buồn bã, chán nản, rối loạn giấc ngủ, dễ cáu giận, luôn có cảm giác ức chế; tim đập nhanh, hay bị đánh trống ngực, cơ bị run mỏi, cảm thấy có cục ở họng, khó nuốt, vã mồ hôi…

Bác sĩ khuyên gia đình, thầy cô nên quan tâm chia sẻ, phát hiện sớm stress của trẻ để giúp trẻ giải tỏa các stress này, tránh kéo dài lâu có thể dẫn đến chứng bệnh tự ngược đãi bản thân.

 

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.

Bình luận mới nhất